Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. DI TÍCH, SỬ LIỆU LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 02/12/2019
E-mail     Bản in

Lưu Trung, Lưu Nhân Chú – những danh nhân đất Vân Yên
(VNTN) - Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư (thời Minh thuộc) bắt đầu từ năm 1407 khi Nhà Minh đánh bại nhà Hồ – Đại Ngu (năm 1400, sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi, Quốc hiệu Đại Việt đổi thành Đại Ngu). Đây là một thời kì đất nước chìm trong ách đô hộ vô cùng hà khắc, tàn bạo của Nhà Minh. Chúng đổi Quốc hiệu Đại Ngu thành quận Giao Chỉ. Cuộc sống người dân khốn cùng trong nạn sưu thuế rất nặng nề, nạn cướp bóc tài nguyên, đi phu, lao dịch xây dựng cầu cống, đường sá, thành lũy để phục vụ cho âm mưu đô hộ lâu dài của chúng ở nước ta… Dã man, thâm độc nhất là việc quân Minh muốn hủy diệt nền văn hóa Việt. Chúng cho lùng khắp hang cùng ngõ hẻm tìm đốt hết sách vở, văn tự, phá bỏ tất cả thành tựu về dân gian, giáo dục, các văn bia lịch sử…


Lễ hội Núi Văn – Núi Võ được UBND xã Văn Yên (Đại Từ) tổ chức hàng năm để tưởng nhớ công đức vị tướng tài ba Lưu Nhân Chú

Vào thời kì này, không chịu khuất phục trước sự tàn ác của giặc Minh, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra khắp nơi như cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Áo Đỏ, Giản Định Đế…Nhưng tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi (1417 -1428).

Xã Thuận Thượng, huyện Đại Từ, xứ Thái Nguyên (nay là Xã Vân Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cũng là nơi cùng chung cảnh lao lung, khốn cùng của người dân cả nước. Ở Thuận Thượng (Vân Yên) ngày ấy có gia tộc họ Lưu là một gia tộc có uy tín đối với người dân quanh vùng, đã nhiều đời thế tập làm quan cho triều đình nhà Trần. Đức cao tổ họ Lưu là Lưu Nhân Dục sinh ra cụ Lưu Bá Thịnh, là thân sinh của Lưu Trung. Vợ cụ Lưu Bá Thịnh là bà Nguyễn Thị Thành. “Ngày 25, tháng giêng, bà Nguyễn Thị Thành đêm nằm mơ thấy một ông cụ già cho một viên thuốc bảo nuốt đi. Khi tỉnh dậy bà trở dạ đau bụng, đến giờ Dần sinh ra Lưu Trung. Khi lớn lên, Lưu Trung dáng người cao lớn, mình đầy lông đen, râu ria đầy mặt. Ông đã nhân từ lại dũng cảm nên ai cũng kiêng nể. Bọn hung ác trong vùng không tên nào dám động tới, những kẻ thức thời đều sợ oai” (theo “Gia phả thực lục dòng họ Lưu xã Vân Yên”). Vợ Lưu Trung là Lê Thị Ngọc Ngoan, sinh ra con trai trưởng là Lưu Nhân Chú, con gái thứ là Lưu Thị Ngọc Ngoan, sau gả cho Phạm Cuống, cũng là một chàng trai dũng mãnh của đất Đại Từ.

Lưu Nhân Chú tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng trí tuệ và tài cung kiếm đã hơn đời. Đặc biệt, Lưu Nhân Chú là người có chí lớn. Trước cảnh đất nước bị dày xéo, nhiều lần Lưu Nhân Chú đã bàn bạc với cha là Lưu Trung và em rể là Phạm Cuống tìm đường cứu nước. Vốn gốc gác là người Thanh Hóa đã nhiều đời lên xứ Thái Nguyên lập nghiệp, cha con Lưu Nhân Chú nghe tin đức Lê Lợi là người nhân đức, đang tụ nghĩa các anh hùng hào kiệt bốn phương để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh, họ đã quyết chí tìm đến Lam Sơn. Khi đến Lam Sơn, ba cha con Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống đã được Lê Lợi hào hứng đón nhận và tin dùng hết mực.

Ngày Kỷ Mão, năm Bính Thân (1416), Lê Lợi mở Hội thề Lũng Nhai, cùng 18 người thân tín (trong đó có Lưu Nhân Chú) thề kết nghĩa anh em, thề nguyện trước trời đất, sinh tử có nhau, quyết sống mái với giặc Minh cứu non sông bờ cõi (Trong “Gia phả thực lục của dòng họ Lưu xã Vân Yên” ghi trong hội thề Lũng Nhai có cả Lưu Trung và Phạm Cuống nhưng nhiều sách sử chính thống không thấy nhắc đến tên hai vị này).

Để có thể gây dựng một cách bền chắc cho cuộc khởi nghĩa sắp tới, ngay sau Hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi đã sai cha con Lưu Nhân Chú trở lại quê hương Vân Yên, Đại Từ, Thái Nguyên bí mật chiêu mộ quân sĩ. “Gia phả thực lục họ Lưu xã Vân Yên” có ghi rõ: “Ngày 20 tháng tư năm ấy, nhà vua sai bọn Lưu Trung ba người (Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống – TG) trở về tư trấn bí mật mộ quân lính, chiêu tập những người trốn tránh, thâu nạp kẻ chống đối, đợi thời dấy binh”. Từ năm 1416 đến năm 1417 cha con Lưu Nhân Chú đã thu nạp được muôn đội, tích trữ được nhiều lương thảo, phục kín các vùng Vân Yên, Kí Phú, Yên Lãng, Đắc Sơn… chờ cơ hội Lê Lợi chính thức phất cờ khởi nghĩa để cùng hợp sức đánh giặc. Tận ngày hôm nay, những dấu tích do cha con Lưu Nhân Chú tập luyện quân sĩ vẫn còn để lại trên đất Vân Yên, Kí Phú như Núi Quần Ngựa, Đồi Xem, Trang Lương…

Trở lại Lam Sơn, khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, cả ba cha con Lưu Nhân Chú đều được Lê Lợi phong chức tước. Theo “Gia phả thực lục dòng họ Lưu xã Vân Yên” thì Lưu Trung được phong chức Thứ thủ Thiết kị dưới lai hầu; Lưu Nhân Chú được phong chức Thứ thủ Thiết kị đột quân vệ, Vinh sơn hầu; Phạm Cuống được phong Thứ thủ Thiết kị đột quân sự, hằng nghĩa hầu.

Qua thời kì ban đầu dấy binh còn chưa đủ lực, quân khởi nghĩa của Lê Lợi bị giặc Minh truy đuổi, đàn áp dữ dội. Nhưng rồi với chiến lược du kích lấy yếu địch mạnh, lấy ít địch nhiều, quân khởi nghĩa đã dùng chiến thuật mai phục, đánh úp đã dần lấy lại được thế cân bằng. Từ Lạc Thủy, quân phục binh của nghĩa quân do Lê Ngân, Lưu Nhân Chú, Lê Thạch trực tiếp chỉ huy đã chém mấy nghìn thủ cấp quân giặc. Tháng 4 năm 1419, ta lại thắng lớn khi đánh đồn Nga Lạc, bắt được nhiều tướng giặc. Sau đó, Lưu Nhân Chú còn tham gia chỉ huy nhiều trận đánh khác. Trên đất Trà Lân, thuộc tỉnh Nghệ An, nghĩa quân đã chiến thắng vang dội, bọn giặc Minh phải cuốn gói về cố thủ ở thành Nghệ An, không dám động tĩnh.

Cùng với con trai Lưu Nhân Chú, Lưu Trung cũng là một tướng tài và dũng cảm của nghĩa quân Lam Sơn. Ông từng cầm quân trong các trận đánh quan trọng góp phần làm nên những chiến thắng quyết định sau này. Đơn cử như trận Bồ Ải mà trong sách “Thái Nguyên đất và người” đã mô tả: “Cuối năm Giáp Thìn (1424), ông cùng các tướng Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Cao Đạp, Lê Triện, Lê Bồi, Lưu Nhân Chú… chỉ huy trận phục kích ở Bồ Ải… Chém đầu giặc không sao kể xiết”.

Sau nhiều chiến thắng nối nhau của nghĩa quân Lam Sơn, “Năm Ất Tị (1425), Lưu Nhân Chú lại cùng các tướng Lê Sát, Lê Lễ, Lê Triện mang quân đánh úp thành Tây Đô (Thanh Hóa), chém được hơn 500 tên… Sau chiến thắng ở Tây Đô, ông (Lưu Nhân Chú- TG) được vua ban phong tước Thông hầu. Theo quan chức thời Lê Sơ, đây là tước cao thứ hai sau tước Á Hầu” (dẫn theo sách “Thái Nguyên đất và người” – trang 265).

Dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa liên tiếp giành được thắng lợi, Các thành trì của giặc Minh lần lượt bị đánh tơi tả. Cuối cùng, Lê Lợi tiến quân đánh thành Đông Quan. Đây là một chiến dịch quyết định giành lại nền độc lập cho đất nước. Sau nhiều trận tập kích, thành Đông Quan do Tổng binh Vương Thông chỉ huy đã bị bao vây không còn đường tháo lui. Ngoài mặt, Tổng binh Vương Thông giả cầu hàng nhưng bên trong vẫn cho đào hào, đắp lũy, ngoan cố cố thủ. Mặt khác, ngấm ngầm mật báo về nước xin cứu viện. Đầu năm 1427, nhà Minh cử 15 vạn viện binh do Liễu Thăng, Mộc Thạch cầm đầu sang cứu thành Đông Quan.

Lê Lợi giao cho Lưu Nhân Chú với cương vị là người đứng đầu hàng võ, làm tổng chỉ huy hành quân lên biên ải tiêu diệt viện binh của giặc. Do mưu lược tài tình kết hợp với chiến thuật mai phục, Lưu Nhân Chú cùng với các tướng đã lãnh đạo nghĩa quân chặn đứng viện binh. Liễu Thăng bị chém đầu trên núi Mã Yên. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Vương Thông hết đường phải xin giảng hòa, rút quân về nước.

Chính trong trận đánh lớn mà Lưu Nhân Chú đã tham gia chỉ huy với cương vị trọng trách này, Lưu Trung cũng cùng với các tướng như Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Khuyển, đã theo lệnh của Lê Lợi bí mật mai phục ở ải Lê Hoa, góp một phần vô cùng quan trọng trong việc tiêu diệt viện binh do Liễu Thăng và Mộc Thạch cầm đầu năm 1427.

Người Việt giành lại quyền độc lập tự chủ sau 20 năm nô lệ. Lê Lợi lên ngôi vua, lập ra nhà Hậu Lê.

Tháng hai năm 1428, Vua Lí Thái Tổ (Lê Lợi) ban cho Lưu Nhân Chú bài chế: “Trẫm nghĩ vua tôi một thể, chân tay giỏi thì đầu được tôn, giúp đỡ có người giường cột chắc thì nhà mới vững. Mến người là người tài giỏi ở đời, là bề tôi tận tụy của nước nên trẫm cho cái vinh hạnh ở ngôi Tể tướng mà vẫn lưu giữ cái trách nhiệm về binh quyền. Nay ban cho chiếu chỉ, để nêu rõ việc quan sang…” “Thái Nguyên đất và người, trang 261).

Sau khi Lê Thái Tổ mất (1433), Lê Thái Tông mới 11 tuổi lên ngôi, Lê Sát được giao phụ chính triều đình. Lê Sát vốn từ trước đã có hiềm khích, đố kị với Lưu Nhân Chú, rắp tâm lập mưu kế hãm hại ông bằng thuốc độc. Lưu Nhân Chú qua đời vào năm 1434.

Nhiều năm sau, Vua Lê Thánh Tông đã giải oan cho Lưu Nhân Chú, truy phong chức Thái phó, Tước Vinh quốc công. Tên tuổi, sự nghiệp, tài năng xuất chúng của Lưu Nhân Chú đã được nhiều trang sử như “Lam Sơn thực lục” của Nguyễn Trãi, “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên, “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú… ghi lại một cách công bằng và sáng rõ.

Cũng như con trai Lưu Nhân Chú, với nhiều chiến công oanh liệt, Lưu Trung đã được Lê Lợi nhiều lần ban thưởng kim phù và phong nhiều chức sắc lớn. Theo “Gia phả thực lục dòng họ Lưu xã Vân Yên” thì tháng 7 năm Bính Ngọ (1426) Lê Lợi phong cho ông làm Hành quân tổng quản hạ Thái Nguyên xứ chư vệ quân sự; năm Đinh Mùi (1427) ông đươc phong Nhập nội tư mã đại tướng quân, được ban Quốc tính; Mậu Thân năm đầu hiệu Thuận Thiên (1428) Lê Lợi lên ngôi, gia phong cho Lê Trung làm chức: sô khởi nghĩa thứ thủ thiết đột kị quân sự tĩnh mạn tuyên lực minh nghĩa công thần, Trung lượng đại phu, Câu kiểm vệ tướng quân Thượng chí huyện thượng hầu, ban đai Kim ngư và Ngân phù, chức Nhập nội đại tư mã đại tướng quân, Chi quận công, ban cho 100 mẫu ruộng. Phu nhân của Lưu Trung cũng được phong Ôn lương như thần từ huệ trinh tiết đại phu nhân đại phu công chúa… Lưu Trung qua đời vào năm 1459, được truy phong Thái úy.

Cùng với Lưu Nhân Chú, Lưu Trung là một người con ưu tú của đất Vân Yên, Đại Từ, một tướng tài của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, một danh nhân trong lịch sử đất Việt, đã trở thành những hình ảnh mãi mãi không thể phai mờ trong trái tim người dân Thái Nguyên nói riêng và toàn dân tộc Việt Nam nói chung.

 

Hải Việt