Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN TRUNG ::. Nghệ An.
Đăng ngày 07/8/2014
E-mail     Bản in

Một nhân cách - một dòng họ Lưu
(LUUTOC.VN) - “May mắn và có lẽ do “nhân duyên” với các Liệt Tổ Liệt Tông họ Lưu Việt Nam nên tôi được tiếp cận một số tư liệu về một số dòng họ Lưu Việt Nam và tham dự một số sự kiện lớn liên quan. Ngày 12/7/Giáp Ngọ (tức 07/8/2014) là một ví dụ, được trực tiếp tham dự Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Nhà thờ họ Lưu Đức Đại Tôn, tôi rất tâm đắc lời xưa “Quan xứ Nghệ” với sự thán phục về đối nhân xử thế và sự uyên thâm... của các đồng tộc họ Lưu Đức ở xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An” đó là cảm nghĩ của TS. Lưu Văn Thành - Trưởng ban Nghiên cứu Họ Lưu Việt Nam.
 
Bằng DTLS cấp Tỉnh của dòng họ Lưu Đức - xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
 
Họ Lưu Đức ở xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An là một dòng họ lớn, có Nhà thờ Họ ngự tại xóm 7, thuộc xã Hưng Đạo, trong đó thờ ba Cụ Cao Tổ như sau:
 
1. Khởi Tổ: Tiến sĩ Lưu Đức An
 
Sinh năm 1490; học giỏi, đỗ Tiến sĩ năm 1538 (đời vua Mạc Đăng Doanh); được triều Mạc tin dùng, làm quan đến các chức quan trọng trách như: Giám sát Đô ngự sử đạo Kinh Bắc (1544) [1, tr. 13], Tham nghị Thừa tuyên sứ ty đạo Nghệ An (1545), Hiến sát sứ ty đạo Lạng Sơn (1546), rồi về kinh thăng hàm Triều Liệt đại phu, chức Doãn phủ Phụng Thiên, sau thăng Tự Khanh - quan Tam Phẩm (1547), liệt vào bậc Khanh hầu [2]. Cụ là người cương trực và tận tâm với quốc gia, xã tắc, tạo hậu phương vững chắc cho Nhà Mạc, được nhân dân khen ngợi “cai trị dân vừa có ân vừa có uy”.

Khi làm quan ở Nghệ An, Cụ đã kết duyên với Cụ bà Trắc thất làm vợ ba, người thôn Chi Nê, xã Thái Lão (nay là Khối 7, thị trấn Hưng Nguyên), huyện Hưng Nguyên; sinh được một con trai. Cụ mất ngày 17 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1562) tại nhà riêng ở quê gốc là làng Vũ Nghị, tổng Lễ Thần, huyện Thanh An, phủ Tân Hưng (nay là xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy, Thái Bình); mộ táng tại đồng xứ Cự Trụ, xã Thái Hưng, huyện Thái Ninh (nay là huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình; sau chuyển Nhà thờ về thôn Vũ Công, xã Thái An, huyện Thái Thụy, Thái Bình, cách Nhà thờ cũ khoảng 2 km.
 
Description: Thăm Đền thờ Tiến sỹ Lưu Đức An (thôn Vũ Nghị, X. Thái An, Thái Thụy, Thái Bình)
Nhà thờ TS. Lưu Đức An ở thôn Vũ Công, xã Thái An, Thái Thụy, Thái Bình (chụp năm 2012)
 
2. Cao Tổ Đề lĩnh - Lưu Đức Đôn (Đời thứ 2):
 
Sinh năm 1545 tại xứ Vĩnh (TP Vinh ngày nay), là con duy nhất của TS.Lưu Đức An với bà vợ thứ ba (người Nghệ An). Ngay từ nhỏ được cha mẹ cho theo nghiệp nghiên bút; đã ứng thi trong một khoa thi và đậu đạt [1, tr. 16].

Theo thời cuộc: từ năm 1558 (khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa) đến năm 1583, đất Nghệ An thuộc tập đoàn Lê - Trịnh, liên tục là chiến địa đánh nhau với quân Nhà Mạc [3, tr.582-869], nhân dân rất lầm than,... Cụ Lưu Đức Đôn đã gia nhập quân đội Lê -Trịnh tham gia đánh đổ Nhà Mạc. Vốn có “tài thao lược” nên lập công nhiều và được thăng chức quan “Đề Lĩnh”, được triều đình ban sắc phong thưởng [4]. Cụ cư trú tại xứ Vĩnh, lấy vợ và sinh được ba con trai; mộ Cụ táng ở xứ đồng Chiêm, nay đã được quy tụ vào lăng mộ của dòng họ ở xứ Cồn Múc.

3. Cao Tổ - Lưu Đức Nhân (Đời thứ 3):

Là con thứ ba của Cụ Lưu Đức Đôn, dân gian còn gọi là Ông Gồm. Cụ sinh cuối thập niên 60 của thế kỷ 16. Ban đầu, cả gia đình sống ở xứ Vĩnh, nơi Ông nội Lưu Đức An từng làm việc năm 1545-1546. Hưởng ứng chủ trương của tập đoàn Lê - Trịnh mở rộng lãnh thổ, di cư dân vào khai phá, lập nghiệp về phương Nam, Cụ cùng hai anh từ biệt
 cha mẹ đi vào xã Thiên Lộc, tổng Vĩ Dạ, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa [5] (nay thuộc phường Vĩ Dạ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Khi hay tin cha mất, Cụ một mình trở về quê phụng dưỡng mẹ già.

Cụ có sức khỏe hơn người, lại có kinh nghiệm khai ấp nên đã tiên phong tìm được vùng đất hoang, rào hói chằng chịt nhưng tụ thủy, vượng về phong thủy. Cụ đón mẹ già và kêu gọi cư dân đến cùng phá hoang, lập ấp, lấp bớt hói, rào..., khơi rạch thành hệ thống dẫn thoát nước, làm đường thông thương với bên ngoài. Nơi này ngày càng trù phú, một số dòng họ khác cũng tìm đến làm nơi an cư và trở thành làng, và dân làng đặt tên là làng Rào để nhớ về vùng đất rào, hói ban đầu, sau đó là Làng Hào (vì chữ Hán không có vần “R” nên đọc là “H”). Làng Hào được sát nhập trở thành là 1 trong 4 làng của xã Ước Lễ (nay là xã Hưng Đạo). Cụ mất khoảng giữa thế kỷ 17, mộ táng ở đồng
Đội Rụt. Là người có công lập làng và đền Làng Rào. Theo lưu truyền, Cụ được dân Làng Rào tôn là Hậu Thần và được thờ trong Đền Làng Rào.
 
Đền Làng Rào ở xóm 7, xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên
 
Đền này trước kia là miếu nhỏ, do chính Cụ và dân làng dựng trên cồn Thầy Học (rất linh ứng về nghiệp học và chữa bệnh cho dân) để thờ Bản Thổ phù giúp dân làng. Sau đó, do nhu cầu tín ngưỡng và sự linh ứng nên miếu được di về vị trí như hiện nay (cách Nhà thờ Họ Lưu Đức 200m) và nâng cấp thành đền Làng Rào. Nhà thờ Họ Lưu Đức cũng do Cụ xây cất để thờ Ông nội (Tiến sĩ Lưu Đức An) và cha đẻ (Đề Lĩnh Lưu Đức Đôn), mới đầu là nhà tranh vách đất, sau thời vua Tự Đức (1882) con cháu phát triển đã tôn tạo với khung gỗ, lợp ngói khang trang đến ngày nay. Tháng 6 năm 2014, Nhà thờ Họ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 2424/QĐ.UBND ngày 02/6/2014).
 
 
Nhà thờ họ Lưu Đức - Đại Tôn ở Hưng Nguyên
 
Lăng Mộ Cụ Lưu Đức Nhân (ông Gồm), ảnh chụp từ phía Tây tại đồng Đồi Rụt
 
Tính từ đời Thủy Tổ Lưu Đức An đến nay, dòng họ Lưu ở đây đã phát triển thành 19 đời, với khoảng gần 1.400 nhân khẩu, trong đó có 1/4 là đi thoát ly và công tác khắp các miền Tổ quốc. Tại xã Hưng Đạo, cả 7 thôn đều có con cháu nội ngoại của Lưu Đức Đại Tôn sinh sống. Hơn nữa, ngoài Nhà thờ lớn (Đại Tôn) của dòng họ ở làng Rào, còn có các Nhà thờ Chi họ ở xóm 7 và các thôn khác trong xã Hưng Đạo.
 
Hiện nay, họ Lưu Đức ở xã Hưng Đạo là một trong đại tộc tiêu biểu của huyện Hưng Nguyên vừa có truyền thống nề nếp văn hóa, vừa có truyền thống hiếu học, như có 1 PGS, 3 tiến sĩ, nhiều cử nhân, kỹ sư, bác sĩ và quan chức Nhà nước, doanh nhân thành đạt... Dòng họ cũng phát triển thành một số Chi họ ở một số địa phương, như họ Lưu ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, họ Lưu ở Quỳ Hợp, Nghệ An... Họ Lưu Đức ở xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên đã xác định là một nơi đặt nền móng của Thủy Tổ Lưu Đức An (người gốc ở làng Vũ Nghị, tổng Lễ Thần, huyện Thanh An, phủ Tân Hưng, nay là xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy, Thái Bình) ở Nghệ An.

Mặt khác, họ Lưu Đức ở xã Hưng Đạo cũng đã giao lưu, kết nối với các dòng họ Lưu ở Nghi Lộc, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu,... và đang đối chiếu để tìm hiểu về khả năng quan hệ huyết thống với các dòng họ Lưu này. Ngoài ra, vấn đề tiền duệ xa hơn trở về trước của Thủy Tổ Lưu Đức An vẫn còn để ngỏ..., chưa được tìm hiểu. Đây là một nội dung nghiên cứu rất hấp dẫn và vô cùng ý nghĩa, nếu triển khai thành công thì sẽ là một việc tri ân rất ý nghĩa với các bậc Tổ tiên.  

Kèm theo là một số ảnh về sự kiện Nhà thờ Lưu Đức đại tôn đón nhận Bằng Di tích Lịch sử ngày 07/8/2014:
 
Hoạt cảnh văn nghệ (Màn sử thi) về các Cụ Tổ họ Lưu Đức ở Hưng Nguyên
Đại diện Lãnh đạo xã Hưng Đạo và dòng họ Lưu Đức tặng hoa cảm ơn đoàn Văn nghệ
 
Đoàn đại biểu Lưu Tộc Việt Nam và Họ Lưu ở các địa phương về dự Đại lễ
 
Ông Phạm Quốc Việt, Phó Chủ tịch huyện Hưng Nguyên phát biểu chào mừng
và giới thiệu về Họ Lưu Đức, Hưng Nguyên
 
TS. Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc sở VHTTDL Nghệ An phát biểu chúc mừng
 
Lễ trao - nhận Bằng DTLS cho đại diện huyện Hưng Nguyên và dòng họ Lưu Đức Đại Tôn
 
Ông Hoàng Văn Phi, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hưng Nguyên phát biểu chúc mừng
 
TS. Lưu Văn Thành - Phó Ban thường trực Ban Liên Lạc  Lưu Tộc Việt Nam phát biểu
 
Đoàn rước Bằng DTLS cấp Tỉnh về Nhà thờ Họ Lưu Đức - Đại Tôn
Đoàn các dòng họ Lưu: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh về dự Đại lễ
Đoàn các dòng họ Lưu - Thái Bình (quê gốc của TS. Lưu Đức An)
 và các dòng họ Lưu từ Hà Nội, Nghệ An về dự Đại lễ
Ghi chú:

Tài liệu tham khảo:
  1. Di tích Lịch sử Nhà thờ Họ Lưu Đức Đại Tôn,xóm 7, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, của Hội đồng Gia tộc họ Lưu Đức Đại Tôn, 7-2014; tr. 13: Đạo Kinh Bắc gồm: Hà Tây cũ và các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.
  2. Văn Bia chữ Hán còn lưu ở Thái Bình, ghi thân thế sự nghiệp của Ông Tổ Lưu Đức An đã được thầy giáo Thái Huy Bích dịch và Bản dịch đã được đăng trên Thông tin KHCN Nghệ An, số 7, 2013 với tiêu đề “Tấm bia đá thời nhà Mạc viết về Tiến sĩ Lưu Đức An (1490-1562) - có kèm theo dưới đây.
  3. Đại Việt sư ký toàn thư - trọn bộ; Nxb Thời Đại – 2011.
  4. Gia phả họ Lưu Đức, bản dịch của Ông Lưu Xuân Đài, Chủ tịch HĐGT họ Lưu Đức Đại Tôn, xóm 7, xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Thái Bình.
  5. Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Thừa Thiên; Nguyễn Đình Đầu, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1997 (Theo tra cứu của Ông Lưu Danh (TP HCM, gốc Huế) thì tại làng Vĩ Dạ không còn họ Lưu, nhưng bên cạnh có nhiều địa danh mang tên họ Lưu, như: Lưu Bảo, Lưu Bảng, thuộc TP Huế, thôn Lưu Khánh thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên).
  1. Văn bia về thân thế sự nghiệp của Ông Tổ Lưu Đức An (dịch nghĩa):
“Thừa tuyên sứ thừa tuyên sứ ty đạo Lạng Sơn, Triều liệt đại phu Lưu Đức An. Quê quán xã Vũ Nghị, huyện Thanh An, phủ Tân Hưng (nay là xã Thái An, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Thân phụ là Lưu Dẫn, phong ấm Tham chính hiển cung đại phu. Thân mẫu là Vũ Thị Tiết, phong ấm Lệnh nhân.

Ngày 7 tháng 11 năm Bính Dần, niên hiệu Đoan Khánh 2 (1516), Ngài theo cha đến học ở đất Thần Khê. Ngài học giỏi nổi tiếng. Năm Tân Mão, niên đại Đại Chính 2 (1531) Ngài đỗ Tiến sĩ, được phong hàm Cẩn sự Tá lang, chức Hàn lâm viện Kiểm thảo. Năm Quảng Hòa thứ 3 (1543) được phong hàm Cẩn sự lang, giữ chức Giám sát ngự sử đạo... Năm Quảng Hòa thứ 4 (1544) được phong hàm Cẩn sự tá lang, giữ chức Giám sát ngự sử đạo Kinh Bắc. Năm Quảng Hòa thứ 5 (1545) vinh phong Tán trị, giữ chức Tham nghị Thừa tuyên sứ ty đạo Nghệ An...

Năm Quản Hòa thứ 6 (1546) trở lại làm Hiến sát sứ Hiến sát sứ ty đạo Lạng Sơn. Năm Quang Bảo thứ 3 (1556) thăng hàm Triều liệt đại phu, giữ chức Doãn phủ Phụng Thiên. Năm Quang Bảo thứ 4 (1557) thăng Tự Khanh. Năm Quang Bảo thứ 6 (1559) thăng Thừa tuyên sứ ty đạo Lạng Sơn, vâng lệnh triều đình thực hiện đóng cửa với Phương Bắc, cai trị dân vừa có ân, vừa có uy. Ngoài 60 tuổi vẫn hăng hái làm việc. Tháng Giêng năm Thuần Phúc thứ nhất (1562), từ Lạng Sơn Ngài vội về kinh dâng Biểu mừng Nguyên đán, sau đó trở về quê quán Thanh Lan vào 7 tháng Giêng và lâm bệnh nặng. Ngày 17 tháng Giêng, sau khi dặn dò con cháu, Ngài qua đời, hưởng thọ 72 tuổi. Ngày 21 tháng 12 tháng 12 mai táng tại xứ Cự Trụ, xã Vũ Nghị.


Ngài có ba người vợ: Vợ cả là họ Vũ, ấm phong Lệnh nhân, sinh được 4 con: 2 nam, 2 nữ; hai người thiếp: 1 người họ Trần sinh được 6 con: 4 nam, 2 nữ... một người nữa không rõ họ”.
                                                                                 TS. Lưu Văn Thành (Ảnh: Lưu Xuân Hà)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)