Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 1/2/2012
E-mail     Bản in

Lưu Quý Kỳ - Người nghệ sĩ tài ba độc đáo
(TT&VH) - Nhà báo Lưu Đình Triều, nhà thơ Lê Minh Quốc trong gần trọn năm 2009 này đã miệt mài làm cuốn Lưu Quý Kỳ - Người nghệ sĩ tài ba độc đáo nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình Lưu Quý Kỳ (31/10/1919). Cuốn sách đã được NXB Trẻ và Công ty Văn hóa Hương Trang ấn hành.
Với những người sinh thành sau năm 1975 như tôi, Lưu Quý Kỳ là ai vẫn chỉ là một câu hỏi. Chỉ biết rằng tại TP.HCM, Đà Nẵng và Quảng Nam có ba con đường mang tên ông. Sau này, khi đã sống bằng nghề báo, gặp gỡ một số đàn anh cầm bút đi trước, tôi mới biết rằng Lưu Quý Kỳ là thân sinh của nhà báo Lưu Đình Triều (báoTuổi trẻ). Ở lĩnh vực quản lý báo chí, nhà báo Lưu Quý Kỳ từng giữ các chức vụ quan trọng, như: Vụ trưởng Vụ Báo chí (Ban Tuyên huấn Trung ương), Phó Tổng thư ký Hội Nhà báo VN. Trong 47 năm làm báo (ông mất năm 1982), ông đã tổ chức được 15 cơ quan báo chí cũng như làm chủ bút rất nhiều tờ báo. 

Nhà báo Phan Quang - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo VN kể nhiều câu chuyện lý thú về nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ - người mà ông gọi bằng anh. Trong đó ông Phan Quang có nhắc đến bài bút ký Đây là tiếng nói Việt Nam của Lưu Quý Kỳ viết sau khi Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc năm 1972. Bài bút ký này được dịch và phát thanh bằng tiếng Nhật, sau đó Công đoàn truyền thanh dân gian Nhật đã quyên góp được 5 triệu yen Nhật trong vòng một tuần nhằm ủng hộ đồng nghiệp Việt. Nhà báo Phan Quang kết luận:“Viết một bài ký mà tạo nên cả một tác động dây chuyền như vậy, chỉ một việc ấy thôi, tôi nghĩ cũng đủ là một vinh dự, một phần thưởng xứng đáng cho cả cuộc đời cầm bút”.

 
Theo Trần Hoài Nhân
 
Cuốn sách tập hợp 45 bài báo, ký của nhà văn, nhà báo Lưu Quý Kỳ, từ bài viết đầu tiên đăng ngày 17-7-1939 nhân kỷ niệm Cách mạng Pháp (1789) cho đến bài viết nhân dịp xuân Canh Thìn (2-1980). 45 bài viết của một người trải qua giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, lại làm việc, công tác tại những bộ phận thông tin truyền thông như báo chí, đài phát thanh, rồi các đơn vị ngoại giao, đối ngoại… nên các bài viết của ông phản ánh sâu sắc những sự kiện, những vấn đề lịch sử tại thời điểm diễn ra.

Không những thế, với bút pháp thiên về chính luận, các bài viết của ông còn thể hiện một ngọn lửa cách mạng luôn hừng hực cháy. Đọc tuyển tập các bài viết của ông, bạn đọc có thể nhìn lại toàn cảnh đất nước thời chiến với một cái nhìn độc đáo của một nhà báo, nhà ngoại giao.

Ngoài các bài viết của Lưu Quý Kỳ, tuyển tập còn có các bài viết của những người bạn, đồng nghiệp nhận xét về ông. Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ, đã nói về ông: “Khen chê dứt khoát, hiểu biết rộng, nắm bắt đúng thời cuộc, phân tích có lý có tình”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng lại có nhận xét rất riêng: “Đọc anh, tôi có thêm một điều bất ngờ, anh là người miền Trung, nhưng hiểu về phong thổ, về địa lý, về sông rạch của Nam bộ rất rành rẽ. Đặc biệt hơn và sâu sắc hơn là hiểu về con người Nam bộ với một tấm lòng ưu ái”.

Là một nhà báo, nhà văn thiên về chính trị, thế nhưng nếu đọc kỹ, giữa ngọn lửa cách mạng rực cháy, sâu trong các bài viết của ông vẫn chứa chất cái lãng mạn của một người nghệ sĩ. Mạnh mẽ trong cách viết của một nhà báo chính luận nhưng cũng không thiếu sự lãng mạn của một nhà văn, không phải ngẫu nhiên mà khi ông mất, nhà văn nhà báo Lưu Quý Kỳ được Ban Tổng thư ký Hội Nhà báo quốc tế ghi nhận: “Mất nhà báo Lưu Quý Kỳ, phong trào báo chí dân chủ quốc tế mất một trong những người đại diện đáng kính nhất”.

Lưu Quý Kỳ-Người nghệ sĩ tài ba độc đáo không chỉ là một cuốn sách tuyển tập báo chí, ở đó bạn đọc còn tìm thấy một ngọn lửa cách mạng, một nhà ngoại giao tài năng và trên hết là một con người sống trọn vẹn cả đời mình cho lý tưởng đã lựa chọn.

Theo Tường Vân

Lưu Quý Kỳ: Người nghệ sĩ tài ba độc đáo

 

 

Để ghi nhận cống hiến của nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ trong nền báo chí Việt Nam hiện đại, NXB Trẻ ấn hành tuyển tập Lưu Quý Kỳ - người nghệ sĩ tài ba độc đáo, do nhà báo Lưu Đình Triều và nhà thơ Lê Minh Quốc sưu tập tuyển chọn.

Mở đầu tập sách là phần giới thiệu những nét chính trong tiểu sử của Lưu Quý Kỳ. Ông sinh năm 1919 tại Quảng Nam, có truyện ngắn đầu tay Vượt ngục đăng trên báo Tin Văn năm 16 tuổi (1935), ra Huế học và tham gia phong trào cách mạng tư sản dân chủ, thoát ly gia đình và phụ trách công tác tuyên huấn của Chi bộ Đảng ở phố cổ Hội An (1937), sau đó vào Nam làm Tổng thư ký Ban vận động Đông Dương văn sĩ tả phái liên đoàn, Bí thư Liên đoàn Thanh niên dân chủ Nam kỳ, chủ bút tờ báo Mới - cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên dân chủ Nam kỳ. Ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Trà Khê - Quảng Ngãi (1940). 

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông làm chủ bút nhiều báo như Quyết Thắng, Ánh Sáng, Cứu Quốc và Sáng Tạo (khu 4), tạp chí Thống Nhứt và báo Nhân dân miền Nam; làm chủ nhiệm tạp chí Lá Lúa - cơ quan ngôn luận của Chi hội văn nghệ Nam Bộ (do ông làm Chi hội trưởng); Giám đốc Sở Tuyên truyền văn nghệ Nam Bộ... Tập kết ra Bắc năm 1954, ông được cử làm Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền miền Nam, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền quốc tế, Vụ trưởng Vụ báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, trợ lý Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Phó tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chủ bút tuần báo Thống Nhất.

Ông được Đại hội X của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) nhóm tại Matxcơva (Liên Xô tháng 10.1981) bầu vào đoàn chủ tịch ở vị trí Phó chủ tịch OIJ và được OIJ trao huy chương Julius Fucik về Nhà báo cống hiến cho hòa bình và hữu nghị. Trong một chuyến đi công tác nước ngoài ông lâm bệnh và mất lúc 4 giờ 50 ngày 1.8.1982 tại sứ quán Việt Nam ở Bangkok (Thái Lan), Ban tổng thư ký Hội Nhà báo Quốc tế ghi nhận: "Mất nhà báo Lưu Quý Kỳ, phong trào báo chí dân chủ quốc tế mất một trong những người đại diện đáng kính nhất".

Nhà nước truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng nhất, tên của ông được đặt cho ba con đường ở các tỉnh và thành phố: Quảng Nam, Đà Nẵng và TP.HCM. Ông đã tổ chức 15 cơ quan báo chí, xuất bản 27 cuốn sách thuộc nhiều thể loại và chủ đề như Bài thơ Nam Bộ (thơ, 1950), Tác phong văn nghệ nhân dân (lý luận, 1951), Miền Nam yêu quý (bút ký, 1955), Thực tiễn văn nghệ kháng chiến Nam Bộ (bình luận văn học, 1958), Phút im lặng (bút ký, 1961), Nước về biển cả (tùy bút, 1971)...

Trong phần đầu của tuyển tập, nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết giới thiệu: "Lưu Quý Kỳ - người anh trong làng báo Việt Nam" kể lại kỷ niệm về buổi chiều đầu tiên đi nghe Lưu Quý Kỳ diễn thuyết ở vùng giải phóng miền Tây năm 1950 và: "Giờ đây, tôi đang đọc tác phẩm của anh (Lưu Quý Kỳ). Mặc dầu anh đi xa hơn 20 năm rồi, tác phẩm và tên tuổi của anh vẫn nằm trong lòng những người yêu quý. Đọc anh, tôi có thêm một điều bất ngờ, anh là người miền Trung, nhưng hiểu về phong thổ, về địa lý, về sông rạch của Nam Bộ rất rành rẽ. Đặc biệt hơn và sâu sắc hơn là hiểu về con người Nam Bộ với một tấm lòng ưu ái. Mỗi bài viết của anh đều có những chi tiết không thể quên".

Cuối tuyển tập là lời bạt của nhà báo Phan Quang - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ - nhận định về Lưu Quý Kỳ là người "khen chê dứt khoát, hiểu biết rộng, nắm bắt đúng thời cuộc, phân tích có lý có tình. Lời văn chọn lọc, gợi cảm. Ký của Lưu Quý Kỳ thiên về tùy bút chính luận". Tuyển tập khép lại với trích lược một số trang viết trong luận văn tốt nghiệp của Hoàng Thị Hằng: "Lưu Quý Kỳ là tấm gương cho các nhà báo trẻ về mặt hoạt động thực tế sôi nổi và tấm lòng say mê nghề nghiệp. Ông hoạt động báo chí (suốt 47 năm liên tục) từ Nam ra Bắc, tới 20 nước khác nhau trên thế giới. Tất cả là để viết nên những tác phẩm không xa rời thực tế, thuyết phục cao". Điều ấy bạn đọc trẻ ngày nay có thể tìm hiểu thêm qua 45 bài viết của Lưu Quý Kỳ trong tuyển tập dày gần 500 trang này.

Sách do Công ty văn hóa Hương Trang - nhà sách Quang Minh tài trợ ấn loát.

Giao hưởng


 



Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)