Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. DI TÍCH, SỬ LIỆU LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 1/6/2015
E-mail     Bản in

Đường phố mang tên danh nhân: Lưu Quang Thuận
TỔNG ĐÀI DỊCH VỤ CÔNG – 05113 881 888, 1900 94 96 kính gửi đến Quý anh/chị thông tin về danh nhân Lưu Quang Thuận.

Lưu Quang Thuận và vợ con

Danh nhân Lưu Quang Thuận là một nhà viết kịch, nhà thơ hiện đại Việt Nam. Ông là cha của nhà viết kịch, nhà thơ nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Tại Đà Nẵng quê hương Ông, chính quyền thành phố đặt tên một con đường mang tên nhà thơ Lưu Quang Thuận có chiều dài 280m, nối từ đường Trần Văn Dư đến đường Hồ Xuân Hương, thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Nhân kỷ niệm 93 năm ngày sinh của Ông (14/7/1921), Tổng đài Dịch vụ công xin gửi đến Quý anh/chị thông tin về danh nhân Lưu Quang Thuận.

Lưu Quang Thuận bắt đầu viết văn từ năm 1934. Năm 1937, Ông vào Sài Gòn dạy học và làm báo. Ông tham gia hoạt động Việt Minh từ năm 1946, là người sáng lập Nhà xuất bản Hoa Lư, Tạp chí Sân khấu và là Giám đốc Việt Nam thư ấn cục của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Chiến khu Việt Bắc. Năm 1948, Ông gia nhập Việt Minh và hoạt động trong Đoàn kịch Chiến thắng cho đến khi chuyển về Đoàn Văn công Nhân dân Trung Ương năm 1951. Từ năm 1954 đến 1964, Ông làm việc tại Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, Báo Văn nghệ. Từ năm 1965 cho đến khi mất, Ông công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Ông qua đời đột ngột ngày 21/2/1981 khi đang xem biểu diễn tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội.

Về sự nghiệp văn thơ, sáng tác, năm 1942, Lưu Quang Thuận sáng tác và công diễn vở kịch đầu tay Chu Du đại chiến Uất Trì tại Đà Nẵng. Tiếp đó là các vở: Yêu Ly (1942), Lê Lai đổi áo (1943), Lữ Gia (1943), Phượng Từ thôn (1944) Kiều Công Tiễn (1945), Nữ hoàng Ba Tư (1945), Người Hoa Lư (1945), chủ yếu là kịch thơ viết về đề tài lịch sử. Ngoài ra, Ông cũng xuất bản một số tập thơ như Tóc thơ (1942), Việt Nam yêu dấu (1943), Lời thân ái (1957), Mừng đất nước (1960), Cám ơn thời gian (1982). Những đóng góp chính của Ông là sân khấu chèo với hai vở chèo Tấm Cám (1958) và Mối tình Điện Biên (1959) đã đạt những thành công nhất định. 

Nhìn chung, các tác phẩm sân khấu và thơ của Lưu Quang Thuận đều thấm đượm tình yêu non sông, nòi giống, lòng tự hào dân tộc và tinh thần chống ngoại xâm. Giới chuyên môn đánh giá hai tác phẩm chèo Tấm Cám và Mối tình Điện Biên của Ông là những mốc son trong nghệ thuật chèo hiện đại Việt Nam. Không những được rất nhiều đoàn chèo dàn dựng, vở chèo Tấm Cám còn được chuyển thể thành phim. Sự nghiệp sáng tác kịch bản sân khấu của Ông đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Tài liệu tham khảo chính: Vũ Ngọc Khánh, Từ điển văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 1993.


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)