Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Tư vấn - Chia sẻ Kiến thức - Kinh nghiệm.
Đăng ngày 17/1/2012
E-mail     Bản in

Một vùng quê không ma tuý
Ma tuý là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, tệ nạn ma túy là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiễm HIV/AIDS. Ma tuý đã len lỏi đến nhiều miền quê vốn yên bình, làm đảo lộn cuộc sống người dân, băng hoại giá trị đạo đức và thuần phong mỹ tục của nhiều miền quê. Thế nhưng ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình nhiều năm nay vẫn là một địa bàn không có ma tuý, Yên Mô vẫn là mảnh đất yên bình. Vậy do đâu ma tuý không có đất tồn tại ở huyện Yên Mô? Đảng bộ và nhân dân Yên Mô đã làm gì để ngăn chặn có hiệu quả ma tuý xâm nhập địa bàn?
 

Yên Mô là huyện thuần nông với diện tích 114,4 km2, dân số 32.400 hộ, 120.638 người. Do còn độc canh cây lúa, nên sau thời vụ hàng chục ngàn người dân ở Yên Mô đi làm ăn xa, đó là cơ hội thoát nghèo nhưng cũng là điều kiện để các tệ nạn xã hội xâm nhập địa bàn. Nhận thức rõ điều đó, nhiều năm nay, huyện uỷ, UBND huyện Yên Mô đã chỉ đạo đề ra nhiều biện pháp đảm bảo ANTT trong đó có nhiệm vụ xây dựng huyện thành địa bàn không có ma tuý, vận động nhân dân thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn không có ma túy”.

Các cấp, các ngành, đoàn thể ở Yên Mô đã tổ chức phát động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn ma tuý, trong đó điểm mấu chốt là đa dạng hoá các tổ chức quần chúng tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng chống ma tuý tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Hội Phụ nữ ngoài việc tuyên truyền giáo dục hội viên nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác phòng chống ma tuý và tệ nạn xã hội, đã thành lập các Câu lạc bộ phòng chống ma tuý từ gia đình. Hoạt động của câu lạc bộ giúp chị em có kiến thức để phân tích cho chồng con hiểu rõ tác hại của ma túy, trao đổi cách nuôi dạy con trong môi trường tốt tránh xa ma túy và các tai tệ nạn xã hội.

Đoàn thanh niên tổ chức các buổi sinh hoạt, trao đổi tọa đàm về tác hại của ma túy, cách phòng ngừa và chủ động tuyên chiến với tội phạm và tệ nạn ma túy không để ma túy xâm nhập vào lớp trẻ.

Các Câu lạc bộ phòng chống ma túy của Hội Nông dân được thành lập và duy trì sinh hoạt với các hình thức như thi văn nghệ phòng chống ma túy, thi hái hoa dân chủ trả lời các câu hỏi liên quan đến ma túy. Thường xuyên thông báo tình hình và tác hại của ma túy, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức cảnh giác phát hiện, tố giác hoạt động của tội phạm ma túy, chủ động phòng ngừa không để con em mắc vào tệ nạn ma túy.

Ngành Giáo dục chỉ đạo các trường gắn với buổi chào cờ hàng tuần tổ chức truyền thông về tác hại của ma túy, từng kỳ học yêu cầu học sinh ký cam kết không liên quan đến ma túy. Nội dung về phòng chống ma túy được đưa vào chương trình giảng dạy. 100% trường học xây dựng các tổ học sinh tự quản, thiếu niên sao đỏ để kiểm tra giám sát, hoạt động của học sinh phát hiện những biểu hiện không lành mạnh để nhà trường có biện pháp giáo dục kịp thời. Vào các dịp nghỉ hè, nghỉ tết các trường tổ chức bàn giao học sinh cho đại diện chính quyền, công an xã và các đoàn thể quản lý thể hiện sự kết hợp giáo dục đồng bộ giữa gia đình - nhà trường và xã hội.

Với vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt, y tế huyện Yên Mô đã chủ động khảo sát, nắm chắc tình hình địa bàn, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, cùng các cấp, các ngành ngăn chặn từ xa không để ma túy xâm nhập địa bàn.

Ở Yên Mô, mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” đã được hình thành ở tất cả các xã, thị trấn, đây là cách làm rất phù hợp đối với địa bàn nông thôn, vai trò của mỗi dòng họ đối với công tác an ninh trật tự được phát huy. Các cụ cao tuổi trong dòng họ luôn giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống, nề nếp gia phong, xây dựng nếp sống lành mạnh, giản dị. Ông bà dạy bảo con cháu, bố mẹ giám sát con, anh chị kiểm tra các em, bà con trong dòng họ cùng có trách nhiệm chung coi con cháu hàng xóm như con cháu mình, thường xuyên dạy bảo điều hay, lẽ phải… do vậy những biểu hiện sai trái được phát hiện kịp thời có biện pháp ngăn chặn không để phát sinh phức tạp.

Mô hình tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự cũng được hình thành từ nhiều năm nay, tổ tự quản giúp tăng cường đoàn kết giữa xóm với xóm, hộ với hộ, mô hình nhân dân tự quản là bức tường hiệu quả ngăn chặn không để tệ nạn ma túy xâm nhập. Mỗi tổ nhân dân tự quản có từ 10 đến 15 hộ, tính tự quản rất cao, khi trong địa bàn xuất hiện đối tượng lạ hoặc xảy ra những dấu hiệu khác thường đều được nhân dân phát hiện.

Phát huy sức mạnh của toàn dân trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, vai trò nòng cốt của đảng viên ở Yên Mô được thể hiện rất rõ với mô hình “Đảng viên phụ trách hộ”. Mỗi đảng viên được giao phụ trách từ 10 đến 15 hộ, trước hết nếu gia đình cán bộ đảng viên nào có người vi phạm trật tự xã hội, tệ nạn ma túy thì đảng viên đó phải chịu hình thức kỷ luật, hộ do đảng viên phụ trách có người liên quan đến ma túy thì đảng viên đó không hoàn thành nhiệm vụ. Từ việc làm đó đã nâng cao trách nhiệm của đảng viên, nắm tình hình, quản lý địa bàn gương mẫu chấp hành chính sách pháp luật nên mà người dân thêm tin tưởng và ủng hộ các đồng chí đảng viên cùng cam kết hứa với cấp ủy, chính quyền, dòng họ không sử dụng các chất ma túy, không làm trái pháp luật.

Có thể nói từ những mô hình và cách làm đa dạng ở Yên Mô đã có tác động và hiệu quả trong việc phòng ngừa ma túy xâm nhập địa bàn. Từ trước đến nay ở Yên Mô phát hiện 7 người nghiện ma túy đều từ nơi khác chuyển đến, số này được quản lý chặt chẽ và giao trách nhiệm cho gia đình, đoàn thể, dòng họ quản lý, giáo dục, đến nay 3 người đã cai nghiện thành công.

Với nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, từ nhiều năm nay địa bàn huyện Yên Mô luôn bình yên, an ninh trật tự ổn định, tình hình sức khoẻ của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao, đời sống ngày một nâng lên, người dân thuận hòa, đoàn kết, yên tâm lao động sản xuất.

Từ kinh nghiệm của huyện Yên Mô cho thấy phòng chống ma túy không khó, cái khó nhất chính là quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và vào cuộc của các ngành, đoàn thể và mỗi người dân. Tin rằng, từ mô hình phòng chống ma túy của huyện Yên Mô sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác.

 
 
Theo Lâm Thanh (Ninh Bình)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)