Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. HỘI GÁI - DÂU - RỂ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 17/12/2011
E-mail     Bản in

Tâm sự của Lưu Thị Thanh về cuộc sống hiện tại
Lưu Thị Thanh hạnh phúc trong ngày cưới “Sau khi thi Phụ nữ thế kỷ 21 về được hai tháng, tôi đã mang bầu. Hiện tôi đang sống cùng bố mẹ chồng và tôi luôn được nhiều tình cảm từ bố mẹ chồng. Còn chồng tôi thì luôn biết cách cưng chiều vợ”, Lưu Thị Thanh tâm sự về cuộc sống hiện tại.

Cơ duyên nào đưa chị đến với cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21 vậy?

Tôi đến với cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21 hoàn toàn tình cờ. Đúng vào khoảng thời gian chương trình đăng tuyển thí sinh tham gia, tôi vừa xin nghỉ thi đấu ở đội tuyển cầu mây quốc gia.

Ban đầu, phải thú thật, tôi không hứng thú với việc tham gia chương trình lắm. Phần vì vận động viên chúng tôi khá rụt rè, nhút nhát xuất hiện ở những lĩnh vực khác ngoài thể thao. Phần vì, năm trước tôi có theo dõi cuộc thi, và có nhiều phần thi tôi không thích lắm, nhiều lĩnh vực tôi chưa tham gia, thậm chí, chưa nghĩ đến bao giờ.

Chồng tôi biết vợ nghỉ thi đấu, có lẽ sẽ buồn, nên cứ động viên nộp hồ sơ thi tuyển xem sao. Vậy là, những ngày sau đó, anh đưa đón tôi đi thi qua mấy vòng đầu tiên. Lúc nào anh cũng động viên tinh thần tôi, khiến tôi hào hứng hơn và tự tin hơn.

Càng vào sâu trong giải, tôi càng học được cách khắc phục được những hạn chế của bản thân. Nhiều người nghĩ, có lẽ, tôi sẽ bị loại ở những vòng thi nấu ăn, thi trang điểm… Không ai nghĩ, một vận động viên có thể nấu ăn giỏi giang hay trang điểm thật đẹp! Quả thật, tôi không hề biết trang điểm.

Vậy chị làm thế nào để vượt qua những thử thách như là trang điểm hay nấu ăn chẳng hạn?

Để vượt qua vòng thi ấy, tôi đã phải mày mò học từ các bạn cùng chơi. Khi học được cách vượt qua những hạn chế của bản thân, càng vào sâu tôi càng tự tin. Bản thân tôi cho rằng, ranh giới giữa những người đoạt giải là không nhiều. Hơn nữa, sau khi dành giải nhất, người đoạt giải sẽ phải tham gia nhiều hoạt động tiếp theo của Phụ nữ thế kỷ 21. Tôi đã mang bầu được hơn hai tháng, sẽ không thể tham gia được gì nữa rồi. Nên tôi thấy mình nhận giải nhì là hợp lý.

Nói như vậy, bản thân chị nghĩ như thế nào về giải nhất của Nguyễn Thị Ý Nhi ?

Tôi nghĩ Nhi xứng đáng! Như tôi đã nói, ranh giới giữa những người đoạt giải nhất, nhì, ba là không nhiều. Khi tôi đi thi, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi can ngăn “Mày đi thi làm gì? Nhỡ thua thì ngượng chết!”.

Tôi không nghĩ vậy, tôi tham gia Phụ nữ thế kỷ 21 để trải nghiệm với bản thân mình, tâm lý hoàn toàn thoải mái. Ngay cả nếu bị loại, tôi cũng nghĩ đó là phần nào mình thiếu may mắn. Hơn nữa, cuộc thi này không phải là tất cả. Không phải đoạt giải nhất của cuộc thi, bạn mới là người thành công. Mỗi người đều có con đường riêng để tìm kiếm thành công cho mình. Bạn không thành công ở cuộc thi này, bạn sẽ thành công ở cuộc thi khác.

Tam su cua Luu Thi Thanh ve cuoc song hien tai

 

"Với tôi, việc cân bằng cuộc sống gia đình và sự nghiệp là điều quan trọng nhất!"

Chị có nghĩ, Nguyễn thị Ý Nhi thắng chị là do lợi thế về ngoại hình?

Không hẳn ! Tôi tự tin về ngoại hình của mình. Mọi người đều bảo tôi có những nét riêng, không bị lẫn với ai.

Sau cuộc thi chị cảm nhận mình "thu" được là gì vậy?

Tôi rất ít khóc khi chia tay những bạn chơi bị loại, bởi với tôi, khi đến với cuộc thi Phụ nữ thế kỉ 21 thì điều quý giá nhất là được học hỏi, được giao lưu, và được kết bạn. Đến bây giờ chị em chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, gặp nhau “buôn chuyện”.

Nghe nói, chị được các bạn chơi đặt cho cái tên là Thanh “cơ bản”. Tên ấy có nghĩa là gì vậy?

Tính tôi bộc trực, ưa nói thẳng. “Cơ bản” có nghĩa là nguyên gốc, không màu mè, không tô vẽ. Tôi là như vậy, sống khá đơn giản. Cuộc sống của tôi gắn với “quần đùi, áo phông”. Đó cũng chính là trang phục mà tôi ưa thích nhất, tôi không thích váy váy áo áo, không thích phấn son này kia… Tôi cũng nghĩ là, nếu một vận động viên để ý quá nhiều đến hình thức bề ngoài thì thành tích sẽ không cao!

Trong thời gian thi Phụ nữ thế kỷ 21, tôi luôn khiến cả bạn chơi và ban giám khảo bật cười, nhiều người còn bảo tôi giống Vân Dung… Nhưng tôi thì không thấy giống.

Sau cuộc thi, thấy Lưu Thị Thanh xuất hiện trong một Clip quảng cáo, rồi tham gia cả Trò chơi âm nhạc… Xem ra, đến thời điểm này, chị là người “vớ bở” nhất?

Không phải như vậy đâu! Tôi đã thi xong Phụ nữ thế kỷ 21 từ tháng 4, tháng 6 đài truyền hình mới phát sóng. Nhưng, tháng 5 tôi đã nhận được lời mời quay quảng cáo. Thực ra đó là hợp đồng tôi đã nhận được từ cuối năm 2006.

Yêu một nữ vận động viên “cơ bản”, thích “quần đùi áo phông”… Chồng chị có bao giờ phàn nàn điều gì?

Chồng tôi là một người rất mực yêu thương vợ. Chúng tôi là đồng hương, cùng ở Thanh Hoá. Anh hơn tôi một tuổi, chúng tôi tình cờ quen nhau trong một buổi sinh nhật, rồi tìm hiểu nhau… Ba năm sau thì cưới. Anh luôn đón xem những trận thi đấu cầu mây của đội tuyển tôi trên truyền hình và cổ vũ vợ nồng nhiệt.

Hiện tại, tôi hài lòng với cuộc sống mình đang có. Tôi không phải là một người tham vọng. Với tôi, việc cân bằng cuộc sống gia đình và sự nghiệp là điều quan trọng nhất. Bởi thế, tôi đã quyết định xin nghỉ thi đấu ở đội tuyển quốc gia hai năm để dành hết thời gian cho gia đình và sinh em bé. Danh tiếng không bao giờ tạo được sức ép cho cá nhân tôi cả. Tôi không bao giờ nghĩ, mình có tý tiếng rồi thì phải thế này, thế kia… Tôi luôn cố gắng, và hài lòng với những gì mình có.

Tam su cua Luu Thi Thanh ve cuoc song hien tai

Lưu Thị Thanh (bên phải) và các bạn tại cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21

 

Những người biết chị, khi nhắc đến Lưu Thị Thanh đều bảo rằng “Để có được những thứ như bây giờ Thanh đã phải vượt qua nhiều cay đắng”. Điều ấy liệu có đúng?

Không có thành công nào tự nhiên đến cả, như người ta vẫn nói, không có con đường nào trải toàn hoa hồng. Tôi sinh ra trong một gia đình gặp nhiều thăng trầm sóng gió. Khoảng thời gian tôi còn nhỏ (từ 1-6 tuổi), gia đình tôi rất nghèo. Sau đó, bố mẹ buôn bán phát đạt, gia đình tôi lại trở nên giàu có, khi tôi 7-9 tuổi. Rồi mấy năm sau đó, bố tôi lại làm ăn sa sút, mẹ ốm nằm viện, gia đình tôi lại rơi vào cảnh nghèo túng.

Tôi quyết định vào đội tuyển cầu mây quốc gia để gia đình bớt được một miệng ăn. Ngày ấy tôi 14 tuổi, ở Hà Nội tập luyện, tôi để dành dụm tiền gửi về nhà để mẹ chữa bệnh, và trang trải việc học cho anh trai…

Ở nhà, mọi người vẫn thường gọi tôi là Tèo, vì tôi bị chậm nói. Lên ba tôi vẫn chưa biết nói, sáu tuổi vào học lớp một cũng chưa nói được… Cả nhà đã nghĩ tôi bị câm, nhưng hoá ra không phải. Gia đình tôi đã cùng nhau đi qua những năm tháng khó khăn cực nhọc, khi bố tôi mất, mẹ và anh em tôi tưởng như không thể cầm cự được. Cay đắng nào rồi cũng qua đi, chỉ cần con người ta có nghị lực.

Giờ, anh trai tôi đã học xong và hiện đang làm việc tại Nhật. Mẹ tôi đã chuyển lên Hà Nội. Gia đình tôi yêu thương nhau bằng những tình yêu đặc biệt, mà tôi thấy khác tất cả những gia đình khác, chính là bởi vì chúng tôi đã cùng nhau đi qua những năm tháng khó khăn, cực nhọc như thế.

Cảm ơn chị về buổi trò chuyện !

 
 
Theo VnMedia