Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. LƯU TỘC VIỆT NAM.
Đăng ngày 18/3/2019
E-mail     Bản in

Kỷ niệm 585 năm ngày mất của Tể tướng Lưu Nhân Chú 3/2019
(GIA ĐÌNH & PHÁP LUẬT) - Nhân ngày húy nhật bậc thánh nhân xưa, cũng là ngày hội đoàn viên của hậu thế, báo trân trọng giới thiệu những trang sử bi tráng của Thượng tướng quân, Tể tướng Lưu Nhân Chú.

Lễ hội Núi Văn - Núi Võ tại đền Lưu Nhân Chú mùng 4 Tết Kỷ Hợi 2019.

 
Trong 2 ngày 16 -17/3/2019, Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam đã hiệu triệu hàng trăm con cháu hậu duệ các Chi tộc họ Lưu trên cả nước, cùng hành hương về Khu di tích lịch sử Núi Văn - Núi Võ ở xã Văn Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), cùng địa phương sở tại tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm 585 năm ngày mất của Thượng tướng quân - Tể tướng Lưu Nhân Chú (1434-2019), đồng thời tiến hành Đại hội toàn quốc Lưu Tộc Việt Nam lần thứ Nhất.
 
Ngày này cũng là dịp để chúng ta cùng nhớ lại những trang sử bi tráng và hào hùng, đánh tan giặc Minh, giải phóng đất nước, những trận chiến thắng vang dội trước quân xâm lược nhà Minh của quân dân Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Thượng tướng quân, Tể tướng Lưu Nhân Chú - một trong những bậc Cao Tổ tiêu biểu của dòng họ Lưu Việt Nam.

Dòng họ Lưu Sĩ ở Văn Yên, Thái Nguyên là dòng họ quí tộc, nhiều đời làm quan Phiên Trấn từ thời vua Trần Anh Tông giao cho cai quản Thái Nguyên, vùng đất trọng yếu ở phía Bắc kinh đô Thăng Long. Theo Gia phả thì Thủy Tổ về dựng đại bản doanh tại Văn Yên ở chân núi Tam Đảo là Thái Nguyên Quản trị Phụ đạo Lưu Công, Thụy Huyền Nghi, được phong tước là Thái Lai hầu đời đời thế tập.

  Đời thứ 2 là Phụ đạo Lưu Nhân Dục, Thụy Khắc Thuần. Đời thứ 3 là Phú Bình hầu Lưu Bá Thịnh. Đời thứ 4 là Thái úy Giới Quận công Lưu Trung và đời thứ 5 là Thái phó Trung Quận công Thượng tướng quân Tể tướng Lưu Nhân Chú.

Năm 1406, mượn cớ khôi phục nhà Trần, 80 vạn quân Minh tràn vào nước ta tấn công nhà Hồ. Vương triều Hồ và nhà Hậu Trần bị diệt vong. Quân Minh cực kì hà khắc, tận vét của cải, cướp - đốt - phá sạch di sản văn hóa, giết đàn ông để đồng hóa dân Việt. Điển hình như năm 1408, quân Minh đã cướp mất 235.000 voi, ngựa, trâu, bò; 13,6 triệu thạch (gần 1 triệu tấn) thóc; 8.670 chiếc thuyền; trên 2,5 triệu quân khí. Đất nước Đại Việt bị lầm than.

Ngài Lưu Trung cùng con trai Lưu Nhân Chú và con rể Phạm Cuống sáng suốt vào Lam Sơn - Thanh Hóa đi theo Lê Lợi ngay từ năm 1409, tham dự Hội thề Lũng Nhai (1416), khởi nghĩa chống giặc Minh. Ba bố con cùng Trịnh Khắc Phục (anh cùng mẹ khác cha với Lưu Nhân Chú) đều trở thành tướng giỏi, lập công lớn, được Thái Tổ Lê Lợi ban chức cao, quốc tính và phong hầu.

Ngài Lưu Nhân Chú là một nhân tài xuất chúng, giỏi về kỵ binh và đánh mai phục. Ngài tham gia chỉ huy hầu hết chiến trận trọng yếu, như trận Khả Lưu ở  Nghệ An (năm 1424), Tây Đô ở Thanh Hóa (1425), chặn địch ở vùng đất Bắc (1426), chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang, chém đầu Chủ tướng Liễu Thăng và vây thành Đông Quan (1427). Ngài cũng rất giỏi trong các lĩnh vực tổ chức lực lượng, ngoại giao (làm con tin để đàm phán đình chiến năm 1427 và đi sứ giảng hòa năm 1428), củng cố chính quyền và xây dựng đất nước.

Ngài Lưu Nhân Chú được Thái Tổ Lê Lợi đánh giá rất cao, năm 1427 đã ban chức là Thượng tướng quân - Tể tướng: “Đứng đầu hàng võ, kiêm coi chính sự trong nước”, tiếp theo năm 1428, được làm Nhập nội kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự, Lũng Quốc công, Á Thượng hầu; Ngài Lưu Trung làm Hành quân Tổng quản hạ Thái Nguyên, Nhập nội Đại tư mã, Thượng trụ quốc, Đại tướng quân, Chi Quận công; Ngài Phạm Cuống làm Nhập nội Thiếu úy, Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Trù Quốc công và Ngài Trịnh Khắc Phục làm Tả kim ngô Thượng tướng quân, Phán Thái tông Chính phủ; Các quí phu nhân cũng được phong là Công chúa và được thờ cùng các Ngài. Hai ngài Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống được ban 500 mẫu ruộng, Ngài Lưu trung được ban 100 mẫu ruộng.

Về sự tin dùng, bố đẻ Trịnh Khắc Phục là cháu của Mẹ Lê Lợi (bà Trịnh Ngọc Thương), Lê Lợi có lần nhận Lưu Nhân Chú là con nuôi”, rất tin dùng.
Năm 1434, Tể tướng Lưu Nhân Chú mất do bị đồng Tể tướng Lê Sát ám hại. Nhưng ngay đời vua sau, năm 1437 Ngài được vua Lê Thái Tông minh oan và vua Lê Thánh Tông năm 1484 truy phong là Thái phó Trung Quận công; Ngài Lưu Trung là Thái úy Giới Quận công; Ngài Phạm Cuống là Trụ Quốc công.

Hiện nay, người họ Lưu sống ở hầu hết các huyện của Thanh Hóa. Mối liên hệ giữa các chi họ Lưu với nhau còn chưa rõ. Tuy nhiên, cũng có vài ánh xạ có thể gợi mở sự gắn kết giữa một số họ Lưu ở Đông Sơn, Thọ Xuân với Lưu Trung - Lưu Nhân Chú. Ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân đã từng có một Từ đường thờ “Lưu Thái phó Quận công”. Thanh Hóa có nhiều danh nhân họ Lưu nổi tiếng, nhưng chỉ có Ngài Lưu Nhân Chú là Thái phó Trung Quận công, phải chăng đây là đền thờ Tể tướng Lưu Nhân Chú? 

Khu Di tích lịch sử Núi Văn - Núi Võ là di tích Lịch sử Quốc gia từ năm 1981, mà trung tâm là đền Lưu Nhân Chú, đã được Nhà nước đầu tư tôn tạo khang trang tại chân Núi Võ, xã Văn Yên - Đại Từ, - Thái Nguyên. Đền thờ Tể tướng Lưu Nhân Chú và các Cao Tổ quan Phiên Trấn họ Lưu, thân phụ mẫu và quan thần, tướng sĩ của Tể tướng. Mả Tổ họ Lưu của họ Lưu của Thái Nguyên nằm ở núi Miễu, bên cạnh xã Văn Yên.

Dòng họ Lưu Sĩ trong thời Lê Sơ con cháu đều được phong tước hầu. Ví như Thái ấp ông cha để lại rất rộng, gồm cả vùng Tây Nam Thái Nguyên và vùng lân cận, ví như năm Chính Hòa (1676) số ruộng là 356 mẫu (trước đó là 1.100 mẫu), kéo dài từ Đại Từ về huyện Đông Anh. Trước Cách mạng Tháng 8, các xã trong khu vực đều thờ ba Ngài Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống là Thành Hoàng làng và các bà công chúa, các hiền thần họ Lưu. Thêm nữa, khi trinh phạt quân Minh tại Bắc Ninh, Tướng Lưu Nhân Chú đã thu nạp một tướng họ Lưu ở Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, là con em của Trạng nguyên Lưu Thúc Kiệm.

Hàng năm Lễ hội Khai Xuân Núi Văn - Núi Võ tổ chức vào Mùng 4 Tết Nguyên Can để tri ân Tể tướng Lưu Nhân Chú và các quan Phiên Trấn Quản trị Phụ đạo các đời trước. Tên Ngài Lưu Nhân Chú được đặt cho nhiều đường phố trong nước và trường PTTH xã Ký Phú, giáp với xã Văn Yên.

Hậu duệ của Tể tướng Lưu Nhân Chú hiện nay mang họ Lưu Sĩ, chủ yếu đang sống sát đền Lưu Nhân Chú với 728 nhân khẩu, trong đó có 473 đinh, con cháu ngày càng phát triển, đã có 01 Tiến sĩ là ông Lưu Sĩ Cống, 2 bác sỹ, 1 nhà báo, 36 kỹ sư và cử nhân, 3 giáo viên, 24 người tốt nghiệp Cao đẳng, nhiều người tham gia kinh doanh, trong đó có 1 người thành đạt bên Liên bang Đức. Trong các cuộc kháng chiến đánh Pháp, Mỹ và Tàu, hàng trăm con cháu họ Lưu Sĩ đã nhập ngũ, trong số họ có 9 Anh hùng liệt sĩ và nhiều người là thương binh được Nhà nước ghi công.

Dòng họ đã xây dựng Quỹ khuyến học từ năm 2014; Hiện tại, Quỹ có 16 triệu đồng, có 13 cháu học giỏi được thưởng. Bà con họ Lưu Sĩ đoàn kết, phấn đấu xứng đáng với truyền thống của Tổ Tiên.

Việc tổ chức Đại hội toàn quốc Lưu tộc Việt Nam vào dịp tưởng niệm 585 năm ngày mất của Thượng tướng quân - Tể tướng Lưu Nhân Chú và 560 năm ngày mất của Đại tướng - Thái uý Lưu Trung là vô cùng ý nghĩa, tạo điều kiện cho bà con vừa được trực tiếp tri ân các Danh nhân họ Lưu ở Thái Nguyên, vừa để bà con được gặp mặt, giao lưu trực tiếp trong một sự kiện trang trọng và ý nghĩa bậc nhất, bởi đây là lần đầu tiên Lưu tộc Việt Nam tổ chức Đại hội Lưu tộc Việt Nam. Chúc buổi Lễ Tưởng niệm thật ý nghĩa và Đại hội thành công rực rỡ!
TS. LƯU VĂN THÀNH