Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. BAN NGHIÊN CỨU LƯU TỘC VIỆT NAM.
Đăng ngày 19/7/2013
E-mail     Bản in

Thái Bình với Nhà nước thời Lý
Theo sách đã dẫn, thời bấy giờ ở Lưu Xá – Hải Ấp, họ Lưu là một họ có thế lực mạnh. Lưu Ngữ vốn quê ở Cửu Chân ( Thanh Hóa), giỏi văn võ, từng theo Lê Hoàn đến với Đinh Bộ Lĩnh từ ngày đầu dẹp loạn. Khi nhà Đinh mất, Lê Hoàn lên ngôi, được phong chức Đô hỏa đầu và được phong ấp tại ngã ba Cửa Luộc. Khi Lê Long Đĩnh ( tức Lê Ngọa Triều) lên ngôi, ông bất bình với bạo chúa, cùng hai con là Lưu Đàm, Lưu Điều liên kết với sư Vạn Hạnh và chi hậu Đào Cam Mộc lo việc thay đổi vương triều, đem ngôi về cho nhà Lý.
 
Tham gia xây dựng vương triều Lý, ngoài Lưu Ngữ được nhìn nhận như một “ khai quốc công thần”, còn có nhiều nhân vật tiêu biểu khác.
Bùi Quang Anh là con trai Bùi Quang Dũng – quan thời Đinh – người ấp Hàm Châu, nay thuộc xã Tân Bình, huyện Vũ Thư. Bùi Quang Anh là quan võ, phục vụ hai triều Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông, được phong chức Anh Dực tướng quân. Ông cùng phụ thân dẹp loạn Ngô Văn Kháng ở Bố Hải Khẩu. Từ năm 1018, Bùi Quang Anh thay cha giữ chức Tiết độ sứ, quản thành Kỳ Bố. Bùi Quang Chiểu là con trai Bùi Quang Anh được ấm phong chức tước từ thời ông nội. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào các năm 1075 – 1077, Bùi Quang Anh tập hợp quân dân vùng Cửa Bố theo Lý Thường Kiệt tham gia đánh phá căn cứ sông Như Nguyệt, góp phần làm nên chiến thắng đánh tan quân Quách Quỳ, Triệu Tiết. Tiếp đó, ông lại được cử giữ chức Bình Nam đại tướng quân đi đánh dẹp Chiêm Thành.

Phục vụ vương triều Lý, trong đội ngũ tu hành ở Thái Bình, nổi bật nhất là Đạt Mạn thiền sư Đỗ Đô. Cũng như các trường hợp Trần Lãm, Bùi Quang Dũng, Lưu Ngữ, Đỗ Đô không phải là người gốc Thái Bình.

Vương triều Lý sau gần hai thế kỷ phát triển qua các triều vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông ( từ 1010 đến 1176), sang thời Lý Cao Tông ( 1176 - 1210) thì bắt đầu suy yếu. Năm 1210, Lý Cao Tông mất, thái tử Sảm lên ngôi, tức Lý Huệ Tông. Tình trạng hỗn loạn lại diễn ra mạnh mẽ hơn với ba tập đoàn tiêu biểu. Đó là Đoàn Thượng ở Hồng Châu ( Hải Dương) từ năm 1207 đến 1214 và còn kéo dài đến đầu thời Trần, Nguyễn Nộn ở Bắc Giang từ 1220 đến 1229, và anh em họ Trần ở Hải Ấp ( Thái Bình) bắt đầu từ sau khi Huệ Tông lên ngôi (1211)

Trước nguy cơ suy sụp của nhà Lý, ở Thái Bình nổi lên anh em họ Đàm ở làng Mỹ Xá,( thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà ngày nay), như một thế lực mạnh ra sức chèo chống, vun đắp bảo vệ nhà nước quân chủ đương thời.

Về họ Đàm, sử sách chép 3 nhân vật đồng thời là 3 anh chị em ruột, đó là Đàm Thị, Đàm Dĩ Mông và Đàm Kính Bang. Sách Toàn thư và lời chua sách Cương mục cho biết Đàm Thị là con gái tướng quân Đàm Thì Phụng. Không thấy sử chép về Đàm Thì Phụng, nhưng qua thông tin vắn tắt có thể biết được anh em họ Đàm xuất thân từ một gia đình quý tộc quan lại cao cấp, và từ đó người con gái đầu của Đàm Thì Phụng là Đàm Thị trở thành vợ của Lý Cao Tông; còn hai em trai là Đàm Dĩ Mông và Đàm Kính Bang đều là nhân vật quan trọng thời Lý Cao Tông.

Trong ba người con họ Đàm thì Đàm Thị và Đàm Dĩ Mông gắn bó với nhà Lý, còn Đàm Kính Bang lại giao du thân mật với họ Trần ở Hải Ấp đang là một trong ba thế lực mạnh đối đầu tranh giành quyền lực trước sự suy sụp của vương triều Lý.

Đàm Dĩ Mông tham gia xây dựng nhà nước quân chủ từ năm nào không rõ, nhưng hẳn là sớm vì có nguồn gốc là con trai tướng quân Đàm Thì Phụng và em gái là Đàm Thị - vợ nhà vua Lý Cao Tông. Năm 1186, Đàm Thị được sắc phong làm An Toàn nguyên phi, 4 năm sau (1190) Đàm Dĩ Mông được phong chức Thái phó phụ chính. Về hành trạng của Đàm Dĩ Mông, sách Việt sử lược chép: năm 1192, nhà vua xuống chiếu sai ông đem phủ binh Thanh Hóa đi đánh dẹp ở Cổ Hoành ( Hoằng). Cũng năm này, ông đánh dẹp Hồ Đô ở Diễn Châu ( Hà Tĩnh). Năm 1194, đánh dẹp ở châu Chân Đăng ( Lâm Thao) bắt được thủ lĩnh là Hà Lê. Hẳn là do có công lao dẹp loạn, năm 1197, ông được phong tước Liệt hầu.

Trong thời buổi loạn lạc, lòng người ly tán, nhân thấy có nhiều kẻ “ trốn việc quan đi ở chùa”, tụ tập làm càn, Đàm Dĩ Mông tâu với nhà vua: “ Đương nay số tăng đồ và số dịch phu ngang nhau. Chúng tự kết bè lũ lập càn người chủ, tụ họp từng bọn làm nhiều điều ô uế. Chúng làm bại tục thương giao, dần dần thành thói quen, nếu không cấm đi để lâu tất ngày càng thêm tệ”. Lời tâu của Đàm Dĩ Mông được nhà vua chuẩn y. Ông triệu tập tăng đồ trong xứ lại ở nơi kho thóc, độ vài chục người có danh tiếng làm tăng, số còn lại đánh dấu vào tay bắt hoàn tục”.

Năm 1203, xảy ra sự kiện chúa Chiêm là Bố Trì đem hơn 200 chiếc thuyền chở vợ con đến ngụ ở biển Cơ La ( Kỳ La, Hà Tĩnh), muốn cầu cứu vì bị chú là Bố Điền đánh đuổi. Việc tâu về triều, nhà vua sai Phụ quốc thái phó Đàm Dĩ Mông và Khu mật viện sự Đỗ An đi lo liệu. Đàm Dĩ Mông đến Cơ La, Đỗ An nói không thể tin ở Bố Trì được – “ một lỗ kiến có thể làm vỡ đê, một tấc khói có thể cháy nhà”. Đỗ An bàn với Đàm Dĩ Mông nên suy nghĩ kỹ. Dĩ Mông nói với quan coi châu Nghệ An là Điện tiền chỉ huy sứ Đỗ Thanh và Châu mục Phạm Diên phải phòng bị. Thanh, Diên không nghe, nói “ kẻ kia gặp nạn mà đến cầu cứu nên thương xót, không nên nghi ngờ”. Đàm Dĩ Mông giận rút quân về. Thanh, Diên sợ, tổ chức đem quân đánh Bố Trì để làm kế tự toàn. Mưu đồ bị tiết lộ, Bố Trì lập kế hoạch đánh phá, quân của Thanh, Diên bị tan vỡ. Bố Trì thả sức cướp bóc rồi về. Sau sự việc này, Đàm Dĩ Mông bị giáng làm Đại liêu ban; năm 1207, lại được phục chức làm Phụ chính.
 
QUANG BÌNH Theo Địa chí Thái Bình


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)