Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. NHÂN TÀI LƯU TỘC.
Đăng ngày 21/11/2012
E-mail     Bản in

Công trình đề phòng “giặc lửa”
Là Trưởng Khoa Điện – Điện tử tàu biển của Trường đại học Hàng hải, PSG-TS Lưu Kim Thành dành nhiều thời gian và tâm sức thực hiện và bảo vệ thành công đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện và báo cháy”, góp phần kịp thời cảnh báo và ngăn chặn nguy cơ cháy trên tàu. Với đề tài này, ông được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2011.
Chia sẻ về đề tài, PGS-TS Lưu Kim Thành cho biết, hiện trên các con tàu đang tồn tại một nghịch lý: trọng tải của tàu ngày càng lớn, tầm hoạt động không hạn chế trong khi số lượng thuyền viên luôn có xu hướng giảm. Chính vì thế, việc phát hiện sự cố cháy và chữa cháy gặp nhiều trở ngại. Để bảo đảm an toàn cho các thuyền viên, con tàu và hàng hóa trên tàu, cần thiết có hệ thống tự động báo cháy và chống cháy hoạt động chính xác, tin cậy. Ngành đóng tàu nước ta đóng được nhiều tàu trọng tải lớn nhưng đa phần thiết kế và hệ thống thiết bị của tàu đều nhập ngoại. Vì vậy, việc sửa chữa, tự hoán cải, nâng cấp phát triển không dễ. Rõ ràng việc nội địa hóa hệ thống thiết bị trên tàu, trong đó có hệ thống báo cháy, là rất cần thiết.

PGS-TS Lưu Kim Thành.
PGS-TS Lưu Kim Thành.

Xuất phát từ thực tế đó, năm 2009, PGS-TS Lưu Kim Thành cùng các cộng sự nghiên cứu, thiết kế và từng bước đưa vào thử nghiệm hệ thống báo cháy tự động dựa trên công nghệ mạng AS-i. Hệ thống gồm các cảm biến (khói, nhiệt, nút ấn…), cơ cấu chấp hành (còi, đèn, van khí CO2, van xả sương mù…) và trạm trung tâm được liên kết với nhau bằng công nghệ mạng AS-i, cho phép các phần tử trong hệ thống liên kết với nhau qua cáp hai sợi duy nhất, vừa phục vụ truyền tin, vừa cấp nguồn cho các phần tử trong hệ thống. Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống, PGS-TS Lưu Kim Thành và các cộng sự nghiên cứu, chế tạo 3 hệ thống phát hiện và báo cháy với 3 trung tâm điều khiển và các trạm trung gian gồm: hệ thống báo cháy toàn tàu, hệ thống báo khói hầm hàng và hệ thống cứu hỏa phun sương. 3 hệ thống này được kết nối với nhau linh hoạt, mở rộng phạm vi ứng dụng của toàn bộ hệ thống phát hiện và báo cháy gồm tàu thủy, các tòa nhà, kho tàng, nhà máy xí nghiệp và một số công trình khác.

Trong quá trình nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm hệ thống, nhóm nghiên cứu phải đặt hàng và mua một số linh kiện từ Đức. Đây là khó khăn duy nhất khiến cho việc nghiên cứu, chế tạo hệ thống mất nhiều thời gian. PGS-TS Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu khoa học cấp Bộ đánh giá, đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện và báo cháy” do PGS-TS Lưu Kim Thành làm chủ nhiệm đã thiết kế, chế tạo thử nghiệm thành công hệ thống với giá thành thấp, tạo cơ sở quan trọng để thực hiện nội địa hóa thiết bị phát hiện và báo cháy trên tàu thủy nói riêng, phục vụ các công trình khác nói chung. Đề tài được đánh giá xếp loại xuất sắc.

Điều PGS-TS Lưu Kim Thành trăn trở nhất lúc này là làm thế nào để hệ thống phát hiện và báo cháy sớm được chế tạo, sản xuất hàng loạt, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.
Trong hệ thống tự động phát hiện và báo cháy có các modul địa chỉ hóa (dùng cho các cảm biến khói, cảm biến nhiệt, các nút nhấn và cơ cấu chấp hành). Khi có một cảm biến nào tác động, modul lập tức báo động cháy và chỉ rõ địa chỉ, vị trí lắp đặt cảm biến tương ứng giúp xác định nhanh chóng khu vực nguy hiểm, phục vụ cho công tác phòng và chữa cháy. Các modul này có kích thước nhỏ, do vậy có thể gắn vào bên trong hộp của cảm biến nên vẫn bảo đảm sự gọn nhẹ của hệ thống. Việc lắp đặt các modul địa chỉ hóa giúp cho hệ thống cảm biến thông thường hoạt động không khác gì hệ thống cảm biến thông minh trong khi giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với thiết bị nhập ngoại. Cùng với đó, hệ thống phát hiện và báo cháy được điều khiển bằng phần mềm CodeVision AVR C Compiler cho phép viết các chương trình trên ngôn ngữ lập trình C rất rõ ràng và dễ hiểu. Đây là ngôn ngữ lập trình mạnh và còn có cơ chế tự động mã hóa chương trình giúp người lập trình giảm bớt khối lượng công việc.
 
Theo Thành Lê