Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. LƯU TỘC VIỆT NAM.
Đăng ngày 25/4/2013
E-mail     Bản in

Diễn văn tưởng niệm Thái úy Lưu Khánh Đàm
(LUUTOC.VN) - Trân trọng giới thiệu diễn văn Tưởng niệm Thái úy Lưu Khánh Đàm do Ông Phạm Minh Trọng - Phó Chủ tịch huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đọc trong Lế Húy nhật 955 năm Thái úy Lưu Khánh Đàm tạ thế được tổ chức trang trọng tại làng Lưu Xá, xã Canh Tân ngày 10/3 Quý Tỵ (19/4/2013)


  Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện !
  Kính thưa các vị đại biểu khách quý !
  Kính thưa các bác, các anh chị em, con cháu trong dòng họ Lưu – hậu duệ của Thái úy Lưu Khánh Đàm !
  Thưa toàn thể nhân dân !
 
Theo định lệ hàng năm của làng Lưu xá xưa, cách nay hơn 900 năm; hôm nay, ngày 19/4/2013 – nhằm ngày 10/3 năm Quý Tỵ, được sự đồng ý của UBND tỉnh, UBND huyện Hưng Hà tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm – với những lễ thức truyền thống để tưởng nhớ, tri ân người con ưu tú của xã Lưu Xá, Lưu Gia xưa – thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay: Thái úy Lưu Khánh Đàm – vị khai quốc công thần, có nhiều công lao to lớn trong dựng nghiệp và hưng nghiệp vương triều Lý.

Những ngày qua, Huyện ủy, UBND huyện Hưng Hà; Đảng ủy, UBND xã Canh Tân, cùng Ban liên lạc họ Lưu Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động để tri ân, tôn vinh công lao của “Nhị vị Lưu Thái phó” với dân, với nước, với quê hương như: Lễ cung nghinh an vị tượng Tứ vị Đại vương Thành hoàng làng Lưu Xá; cuộc Hội thảo khoa học “Thái úy Lưu Khánh Đàm và Thái phó Lưu Khánh Điều với sự nghiệp vương triều Lý” do Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện Sử học, Viện nghiên cứu Hán Nôm và UBND tỉnh Thái Bình đang được hoàn tất nội dung.

Hôm nay, lễ tưởng niệm là hoạt động thứ ba trong dịp lễ Giỗ truyền thống Thái úy Lưu Khánh Đàm. Sự có mặt đông đủ các quý vị đại biểu, của nhân dân là nguồn động viên, cổ vũ lớn đối với Ban tổ chức, là thể hiện sự trân trọng với lịch sử, với tổ tiên, với những người có công với dân, với nước, với quê hương.

Thay mặt Huyện ủy – UBND huyện, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý, các bác, các anh chị em, con cháu trong dòng họ Lưu quê nhà hiện đang sinh sống ở khắp mọi miền Tổ quốc, lời chào và lời cảm ơn trân trọng nhất !

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo !
Kính thưa các quý vị đại biểu !
Thưa toàn thể nhân dân !

Theo sử sách và các nguồn sử liệu của người xưa để lại, nhất là những người dân làng Lưu Xá đời nối đời truyền lại từ cách nay hơn 900 năm cho đến ngày nay – thì người mở làng Lưu Xá chính là Huy Triết Công Lưu Nghĩa. Ông người gốc quận Cửu Chân – Thanh Hóa, làm quan dưới thời Tiền Lê ở Châu Đằng – là phần đất thuộc Nam Hưng Yên và Bắc Thái Bình ngày nay.

Lưu Ngữ trải xem phong cảnh các nơi trong Châu Phủ, thấy đất Lưu Xá lúc ấy sông ngòi, gò đống vừa đẹp, vừa tiện lợi “sau sông, trước đầm, sông nước quanh co, thế Rồng chầu Hổ phục, lại có dải đất hình Phượng hoàng, có nước giếng trong như ngọc, dân tình no đủ, phong tục thuần hậu” bèn lập một cung dinh nơi đây, rồi đưa vợ là bà Trần Thị Ngọc định cư tại Lưu Xá. Bà Ngọc đã gần 40 tuổi mà vẫn chưa có con, Lưu Ngữ lại lấy bà Phạm Thị Hồng – con ông Phạm Khuông, một nhà giàu có, hào hiệp, đứng đầu dân địa phương. Lưu Ngữ sống hòa thuận, dù làm quan nhưng không kiêu ngạo, lại chăm làm việc thiện, cứu giúp mọi người nên được dân làng quý mến, nể phục rồi phúc lành đã đến, cả bà Ngọc và bà Hồng đều thụ thai.

Ngày 12 tháng 8 năm Kỷ Sửu 989, vào giờ Dần, bà Ngọc đã hạ sinh được một người con trai; đến giờ Ngọ, bà Hồng cũng cùng sinh được một con trai. Cả hai đều khôi ngô tuấn tú, lanh lợi. Vợ chồng Cụ Lưu Ngữ liền đặt tên cho con, anh là Lưu Khánh Đàm, em là Lưu Khánh Điều. Lưu Ngữ lại được những người thân thích từ Cửu Chân ra, khai mở đất, lập làng Lưu Xá. Qua những ghi chép trên, có thể khẳng định: Lưu Xá, Lưu Gia xưa – thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay chính là nơi đã sinh ra Lưu Khánh Đàm và Lưu Khánh Điều.

Sinh trưởng tại làng Lưu Xá, Khánh Đàm, Khánh Điều vốn thông minh sáng dạ, lại được cha mẹ chăm lo nuôi dạy học tập thành tài: “Thông hiểu những sách cổ, tinh thông lục thao tam lược (những sách về binh pháp). Lưu Khánh Đàm uyên thâm, sâu sắc về văn học, tính nết lại ôn hòa; Lưu Khánh Điều giỏi võ nghệ, tính khí hiên ngang. Cả hai ông đều có chí phò vua giúp nước, giúp dân, che chở cho dân”. Từ làng Lưu Xá, hai ông đã ra đi phò vua giúp nước và suốt cuộc đời, hai ông đã luôn khắc ghi lời cha căn dặn: “Việc thứ nhất: Phải hết lòng phò vua. Việc thứ hai: Muốn được ghi tên mình vào sử sách, chớ có chơi bời du đãng, phải tạm xa rời thân thiết, không nặng gánh gia đình, chỉ biết có vua. Việc thứ ba: Lưu Xá là nghĩa ấp, phải chăm sóc, giữ gìn”.

Kính thưa các quý vị đại biểu !
Thưa toàn thể nhân dân !

Về thân thế, sự nghiệp và công trạng của Thái úy Lưu Khánh Đàm và Thái phó Lưu Khánh Điều với vương triều Lý, với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Xưa, nay nhiều sử sách đã ghi chép về công lao phò vua, giúp nước của hai ông.

- Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” – một bộ sử lớn, viết vào cuối thế kỷ XV ghi nhận: “Đinh Mùi, Thiên Phù Khánh Thọ năm thứ nhất (1127) mùa Đông, tháng 12. Vua không khỏe, gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận di chiếu … (phò Thái tử Dương Hoán lên ngôi Hoàng đế - tức Lý Thần Tông – vị Vua thứ 4 của vương triều Lý).

- Ở một trang khác, sách ghi tiếp: “Mậu Thân (1128) mùa Xuân, tháng Giêng, ngày Tân Sửu, lấy Nội Vũ vệ Lê Bá Ngọc làm Thái úy, thăng tước hầu: “Nội nhân hỏa đầu Lưu Ba, Dương Anh Nhĩ làm Thái phó, tước đại liên ban”. “Ngày Nhâm Dần sai Thái phó Lưu Ba và Giám nghị Đại Phu Mậu Du Đô đến tận nhà đem lễ vật của Nhân Tông ban cho Sùng Hiền Hầu”.

- Các bộ sử khác như: Việt sử lược (viết vào thời Trần), Đại Việt sử ký tiền biên (viết vào thời Nguyễn Huệ), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (viết dưới triều Nguyễn), cũng dành nhiều trang viết về Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều và đều ghi Lưu Khánh Đàm là Thái úy, Lưu Khánh Điều là Thái phó.

Ngoài sử sách, làng Lưu Xá còn giữ được nhiều tư liệu Hán – Nôm viết về hai ông, trong đó có những tấm bia khắc dựng cách nay gần một ngàn năm, được liệt vào hàng “bia tối cổ” ở Việt Nam. Bia Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí cho biết: “Lưu Khánh Đàm giữ chức Quang lộc đại phu suy thành tá Lý công thần nhập nội thị sảnh đô tri tiết Độ sứ đồng tam ty ấp 6.000 hộ, thực phong 3.000 hộ”.

Theo bài văn bia “Nhị lưu thần tích” thì “họ tên, huân tích của hai vị được chép sơ lược trong quốc sử, muốn rõ ràng, đầy đủ thì phải xem bài ký ở văn bia này”. Đó là “Triều Thái Tông (1028-1054) Khánh Đàm được sang chức Nội thị rồi dần tiến lên nhờ đức tính cần mẫn mà được vua biết, làm tướng lập công to. Đến cuối đời Nhân Tông (1072-1127) do chức Thái úy được nhận di chiếu, phụng sự trải 4 đời vua, nhiều năm nhận chức Quang lộc Đại phu, rồi thăng tá lý công thần: Nhập Nội, Nội thị sảnh Đô tri tiết độ sứ, Đồng tam ty Bình chương sự. Thượng trụ quốc, khai quốc công, nhậm chức cả nơi xa tại Giang Chấn, động Thương Nguyên, thọ 69 tuổi. Ngày ông qua đời, vua nghỉ thiết triều để cử hành tang lễ, sự kiện này được ghi tường tận ở bia mộ chí. Sau đấy được phong Phúc Thần, dựng Đền ngay ở đấy”.
Về Lưu Khánh Điều, bài ký viết tiếp: “Làm quan đồng triều với ông anh. Vào niên hiệu Thái Ninh (1072-1075) thời Nhân Tông. Quân Tống tới xâm lược, ông liền được phụng mệnh đem quân đi đánh giặc, đại thắng khải hoàn. Buổi đầu niên hiệu Thiên Thuận ông được phong Thái phó. Cuối đời dựng tháp tu ở quê làng, được tặng danh hiệu Báo Quốc. Vì có công lao nên được phong hàm Phúc Thần, được thờ cùng miếu với anh. Bia mộ có chép việc thờ Thái phó, trong đó có ghi vệc ông đánh lui giặc Tống, lời chép ấy là xác thực, …

Cùng với bia ký, Lưu Xá còn giữ được bản Ngọc Phả của Đền thời với tiêu đề “Lưu Đại vương Ngọc Phả”. Bản Ngọc Phả cho biết Lưu Khánh Đàm còn là người sướng xuất việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Theo ông “Long Thành là nơi giàu mạnh, là cái gốc vững bền, đóng đô ở đó thì quốc gia cường thịnh lâu dài, thiên hạ vô địch”. Khi được giao cầm quân đi đánh giặc, ông còn tiến cử với vua những người hiền tài (Nguyễn Huy, Nguyễn Kỳ). Những kẻ đó được người xưa cho là “Hiện kế” (kế giỏi, thực tâm), được vua tin dùng …

Có thể nói: Những ghi chép của sử sách, của Bia ký, Ngọc Phả, Thần tích, sắc phong, … đã khẳng định: Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều là những danh thần thời Lý – những người có công lớn với nước, với dân, được người đương thời kính trọng nể phục, được mãi lưu danh trong sử sách, được nhân dân muôn đời ghi nhớ công ơn. Đặc biệt, Thái úy Lưu Khánh Đàm, với tài năng và đức độ của ông, trên cương vị quan Thái úy, đứng đầu triều đình bấy giờ, bằng uy tín chính trị và sự quyết đoán của mình – thực hiện di chiếu của Lý Nhân Tông, ông đã thực hiện cuộc chuyển giao ngôi báu khá phức tạp vào tháng 12 năm 1127 cho Thái tử Dương Hoán, bấy giờ mới 12 tuổi lên ngôi Vua, đã duy trì được sự ổn định cần thiết giúp cho vua Lý Thần Tông ngồi vững trên ngôi báu trong một thời gian khá dài và cũng giúp cho vương triều Lý có thể tồn tại kéo dài thêm gần 100 năm nữa – nhất là đã giúp cho nhân dân và binh lính Đại Việt thời đó tránh được những cuộc tranh chấp xung đột dẫn đến đổ máu vô ích. Và có lẽ, Trần Thủ Độ cũng là người sinh ra trên quê hương Lưu Xá – Lưu Gia đã học được bài học quý giá của bậc tiền bối đi trước để tiến hành cuộc chuyển giao quyền lực chính trị từ triều Lý sang triều Trần trong hòa bình, hòa hợp, không phải đổ máu – một cuộc chuyển giao ngoạn mục có một không hai trong lịch sử quân chủ Cổ Trung Đại Việt Nam.

Kính thưa các quý vị đại biểu !
Thưa toàn thể nhân dân !

Sinh ra và lớn lên từ làng Lưu Xá, được cha mẹ và làng xóm đùm bọc, cưu mang, được học tập thành tài rồi ra làm quan giúp nước, Nhị vị Lưu công vẫn khắc ghi lời cha dặn: “Lưu Xá là nghĩa ấp, phải chăm sóc, giữ gìn”, dù quyền cao, chức trọng, các ông vẫn gắn bó với quê hương – nơi chôn nhau cắt rốn, luôn quan tâm đến người dân vất vả “hai sương, một nắng, chân lấm, tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn thiếu đói. Các ông đã xin với nhà vua “miễn giảm siu thuế, phu dịch cho nhân dân”. Đó cũng chính là cội nguồn của việc trọng dân, lấy dân làm kế sâu rễ bền gốc, không phải chỉ của triều Lý, mà của các triều đại sau này. Dân gian Thái Bình không biết từ mấy trăm năm nay vẫn lưu truyền cho đến tận ngày nay về chuyện ba sư, một sãi, trong đó có Lưu Khánh Đàm, đã “khai thông sông Luộc, móc ruột sông Sinh, đào phình sông Hóa” đem nước vào làm cho đồng ruộng phì nhiêu, tươi tốt. Thái úy Lưu Khánh Đàm khi sống thì làm quan “thanh – thận – cần” là quan thanh liêm, thận trọng và cần cán – hết lòng phò vua, giúp nước, giúp dân – cuối đời lại trở về quê nhà lập chùa, tu tại làng, đem giáo lý, đạo đức nhà Phật dăn dạy cho dân, mong cho dân làng “tu nhân tích đức, ở hiền gặp lành” – khi mất, ông làm vị thần linh ứng, phù hộ, che chở cho con cháu và muôn dân trăm họ.

Ngày ông qua đời, vì ông có công lớn – khai quốc công thần, vua Lý đã nghỉ thiết triều để về dự lễ an táng và ban tên chùa nơi ông tu hành là Báo Quốc, ban cho ông tước vương, ban mỹ tự là chính trực chiêu cảm và cho xây một tòa tháp cao 9 trượng bên lăng mộ của ông. Dân làng Lưu Xá đã xây Đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng. Hơn 900 năm qua, mặc dù không có dòng họ Lưu nào định cư tại làng, nhưng nhân dân Lưu Xá vẫn đời nối đời trân trọng gìn giữ như một ngôi đền thiêng trong vùng và quanh năm hương khói phụng thờ không bao giờ dứt.

  Kính thưa các quý vị đại biểu!
  Kính thưa toàn thể nhân dân!

  Tự hào là quê hương của danh thần thời Lý – danh nhân lịch sử dân tộc – Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Khánh Điều, con dân cháu làng Lưu Xá, nhân dân xã Canh Tân đã cùng với Đảng bộ và nhân huyện Hưng Hà phát huy truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đóng góp sức người, sức của góp phần cùng cả nước giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Ngày nay, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Hà lại tiếp tục giành thêm nhiều thắng lợi mới to lớn, toàn diện hơn, cả trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tiếp tục tô thắm thêm trang sử vàng của huyện Anh hùng LLVTND – của vùng đất thiêng – địa linh nhân kiệt.

  Kính thưa các quý vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân!

Trong suốt thời gian qua, các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, các văn nghệ sỹ, các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh Thái Bình, Ban liên lạc họ Lưu Việt Nam và dòng họ Lưu trong và ngoài nước đã quan tâm nghiên cứu, phân tích, đánh giá, xây dựng những công trình khoa học, ngày càng làm rõ hơn về thân thế, sự nghiệp cũng như công lao to lớn của Nhị vị Thái phó họ Lưu không chỉ với vương triều Lý mà đối với cả tiến trình lịch sử dân tộc, để đời đời nghi nhớ, vinh danh công trạng của các ông. Vừa qua, các tổ chức, cá nhân đã phát tâm công đức, góp phần tu bổ khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia – nơi phụng thờ nhị vị Thái phó khang trang đẹp đẽ hơn.

  Nhân dịp này, thay mặt HU - HĐND - UBND - UBMTTQVN huyện Hưng Hà, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành của Trung ương, các đồng chí Lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Cảm ơn các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, các văn nghệ sỹ, các phóng viên báo chí đã quan tâm nghiên cứu, sáng tác, tuyên truyền về “Nhị vị Thái phó” họ Lưu; cảm ơn các nhà hảo tâm, các danh nhân, các tổ chức, các cá nhân đã đóng góp tâm sức, công, của để tu bổ, quy hoạch, xây dựng, phát huy giá trị của khu di tích lịch sử tại Lưu Xá, xã Canh Tân. Cũng nhân dịp này, để tiếp tục tôn vinh công lao to lớn của các danh nhân họ Lưu, trong đó có Thái úy Lưu Khánh Đàm; qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ; đồng thời tạo dựng nơi đây thành điểm du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh hấp dẫn của tỉnh Thái Bình, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hưng Hà đề nghị:

Thứ nhất: UBND tỉnh Thái Bình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sớm phê duyệt dự án quy hoạch chi tiết cụm di tích lịch sử các danh nhân họ Lưu tại xã Canh Tân và có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để các hạng mục sớm được tu bổ, tôn tạo và xây dựng, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân địa phương và du khách trong, ngoài nước.

Thứ hai: Thái úy Lưu Khánh Đàm không chỉ có công với vương triều Lý, với lịch sử dân tộc, mà ông còn có công với quê hương Thái Bình.

Vì vậy, năm 2011, UBND huyện đã có quyết định đổi tên các trường học Mầm non, Tiểu học, THCS Canh Tân được mang tên Thái úy Lưu Khánh Đàm. Tới đây, con đường trục huyện từ thị trấn Hưng Nhân qua xã Canh Tân sang xã Cộng Hòa mới được đầu tư xây dựng sẽ được đặt tên đường Lưu Khánh Đàm.

Nhân dịp này, một lần nữa chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Thái Bình và UBND thành phố Hà Nội nên chọn một con đường để đặt tên là đường Lưu Khánh Đàm.

Nhân dịp này, chúng tôi cũng kính mong trên 400 các bác, các anh, chị em, con cháu của gần 80 dòng tộc họ Lưu – hậu duệ của Thái úy Lưu Khánh Đàm hiện đang sinh sống ở khắp mọi miền tổ quốc, hôm nay đã về với cội nguồn tổ tiên Lưu Gia quê nhà, sẽ tiếp tục giáo dục cháu con, cùng với niềm vinh dự tự hào trong dòng tộc của mình có người cao tổ tiên tiêu biểu nhất có công lớn không chỉ trong dựng nghiệp, hưng nghiệp vương triều Lý, mà với cả lịch sử dân tộc Việt Nam – hãy sống, lao động, học tập, công tác, phụng sự quốc gia dân tộc theo gương của liệt tổ Thái úy Lưu Khánh Đàm. Đồng thời luôn hướng tâm về tham gia xây dựng khu di tích Nhị vị Thái phó – liệt tổ họ Lưu ngày càng khang trang, uy linh, cũng như xây dựng Lưu Xá quê nhà ngày càng giàu đẹp văn minh hơn.

Kính thưa các vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân!

- Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà xác định: Các giá trị lịch sử văn hóa là nguồn cội sức mạnh, là nguồn lực vô giá để xây dựng và bảo vệ vững chắc quê hương đất nước.

Tự hào về quê hương, về các danh nhân, danh tướng đã làm rạng danh non sông đất nước, các thế hệ cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ luôn trân trọng, nâng niu, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa vật chất, tinh thần vô giá mà các thế hệ tiền nhân đã để lại cho vùng đất này – vùng đất địa linh nhân kiệt – sẽ quyết tâm, nỗ lực đẩy mạnh phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa – xã hội, thực hiện có hiệu quả phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Xin kính thỉnh Thái úy – Khai quốc công Lưu Khánh Đàm cùng Tam vị Đại vương hiển linh chứng dám ! Xin được trân trọng cảm ơn các vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân đã có mặt đông đảo trong buổi lễ trọng thể hôm nay.

Xin trân trọng cảm ơn!
 
 
PHẠM MINH TRỌNG


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)