Ξ|Ξ   VƯỜN THƠ NHẠC ::. Góc Nhạc - Thơ.
Đăng ngày 25/7/2018
E-mail     Bản in

Đến với bài thơ hay: Nhìn nhau - Lưu Quang Thuận
NHÌN NHAU - CÁI NHÌN ĐỘC ĐÁO VỀ TÌNH YÊU CỦA NHÀ THƠ LƯU QUANG THUẬN


Nhìn nhau

Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy
Nếu mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em
Cầm tay nhau rạng rỡ mắt em nhìn
Cảm ơn mẹ những năm dài vất vả

Ơn biết mấy những hàng khoai, khóm lúa
San sẻ nuôi em những tháng, những mùa
Ơn chiếc nôi tròn em ngủ giấc thơ
Nồi nước lá em xông những ngày đau yếu

Nghe giọng nói dịu dàng trong trẻo
Nhớ ơn sao giếng nước làng quê
Tóc em buông mát rợi cả trưa hè
Nhớ hoa bưởi gội đầu khi mới lớn

Càng ơn những bạn bè thân mến
Mỗi dặm đời mưa nắng bước song song
Giúp cho em óc nghĩ tay làm
Và thấy được trời cao trên trán nhỏ

Đời vun xới cho em nhiều vậy đó
Bỗng một ngày em đến giữa lòng anh
Như bông cúc vàng thắm cả mùa xanh
Vai em mang bao nghĩa lớn sinh thành

Nhìn nhau mãi lại càng ơn cuộc sống.

LƯU QUANG THUẬN

Tự bao giờ, tình yêu là một tặng phẩm vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.

Các nhà thơ thường chỉ ca ngợi tình yêu lứa đôi, hiếm khi viết về tình vợ chồng, có chăng cũng ít bài hay và thành công. Nhưng bài Nhìn nhau của Lưu Quang Thuận (đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-3-1981, một tuần sau ông qua đời đột ngột), giúp cho ta cái nhìn về tình yêu vợ chồng trong sáng, ngọt ngào tươi nguyên, tưởng cõi đời thực - mộng không phân cách mà quy đồng một cái nhìn: là lẽ sống - là tình yêu thương tuyệt đích.

Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy
Nếu mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em

Em - bóng dáng của người bạn, người yêu, người mẹ, người tri kỷ - người bạn đời hoàn hảo. Trong bài “Tự trào”, Lưu Quang Thuận viết:

Vợ ta tròn đóa hoa
Rau dưa mà khéo đẻ
Gái một ả giống cha
Trai mấy thằng giống mẹ

Chân chất, dung dị và nồng nàn… Cái tình của ông dành cho người vợ thật đẹp, làm ta nghĩ đến người vợ của Tú Xương:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng

Mở đầu của bài thơ toát lên một sự gần gũi, chân thành. Lời thơ bật lên tự nhiên tưởng như câu nói bình thường: Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy, nếu mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em, có nghĩa đời anh sẽ không có gì cả nếu anh không gặp được em. Tác giả nhấn chữ “nghèo”, đây không phải là cái sự nghèo cuộc sống thường ngày với rau, cơm, mắm muối; đây là sự nghèo của đời. Con mắt của thơ và của một tâm hồn đa cảm nhìn thấy cái nghèo của đời người là thiếu tình yêu, thiếu phù sa nõn nà của những cảm xúc, rung động… Sự nhạy cảm của trái tim người nghệ sĩ là phát hiện độ chênh vênh, hụt hẫng của cuộc đời. Chữ nghèo nghe sao tha thiết, tha thiết mà mang nhiều dự cảm! Rõ ràng nhà thơ yêu thương vợ mình lắm, mà vợ của nhà thơ chắc cũng ngoan hiền và dịu dàng. Nhà văn Lê Minh Khuê, có lần nói: “Sự dịu dàng, hiền dịu, bao dung, đằm thắm, tận tụy của phụ nữ đã thắp lên cuộc sống trong gia đình”. Như vậy, vai trò của phụ nữ quan trọng xiết bao!

Mỗi cuộc đời, một sự nghiệp đều có sự tiếp sức rất lớn của phụ nữ. Và họ chính là động lực chắp cánh cho tình yêu thăng hoa:

Cầm tay nhau rạng rỡ mắt em nhìn
Cảm ơn mẹ những năm dài vất vả

Nhà phê bình Hoài Thanh khi viết về Lưu Quang Thuận, nhận xét: “Cái nhìn của anh là cái nhìn biết ơn. Có chỗ nhìn rất sâu và rất nên thơ theo cách nhìn từ xưa của dân tộc”. Tình yêu thực sự bền vững khi tình yêu hòa với tình thương thành tình yêu thương; trong đó hàm dưỡng lẽ sống con người biết cảm thông, thương cảm yêu thương cuộc đời mãnh liệt. William Faulkner trong diễn văn đọc trong lễ nhận giải Nobel (1950): “Con người bất diệt không phải vì con người là sinh vật duy nhất có tiếng nói bất tận, nhưng vì con người có linh hồn, có tâm trí, biết thương cảm, hy sinh và chịu đựng”.

Biết ơn em đã cho anh cuộc đời quá đầy đủ và cuộc đời cũng vun xới cho em mọi điều tốt đẹp:

Đời vun xới cho em nhiều vậy đó                                                                                       Bỗng một ngày em đến giữa lòng anh
Như bông cúc vàng thắm cả mùa xanh…

Điểm giao thời của Thơ mới, nhiều bài biết về tình vợ chồng có phần lâm ly thống thiết; “Giọt lệ thu” của Tương Phố, “Linh Phượng lệ ký” của Đông Hồ… nhưng đến “Nhìn nhau” mới có cái nhìn khác hẳn. Nhà thơ viết bài này là cách thể hiện lòng biết ơn đối với người vợ của mình. Ông giữ mãi bài thơ như kỷ vật vô giá, để sau khi ông mất, báo Nhân Dân mới công bố.

Chỉ có cái nhìn tin yêu lạc quan; chỉ có cái nhìn đôn hậu trước cuộc đời sóng gió; chỉ có tình yêu thương sâu nặng bền bỉ của con người, nhà thơ mới dạt dào cảm xúc viết lên những lời thơ mộc mạc chân thành đến như vậy.

Nhìn nhau mãi lại càng ơn cuộc sống.

Vâng, cuộc sống đẹp lắm và cây đời vẫn mãi xanh tươi - như cái nhìn của Krup-cai-a, lúc Lênin mất vẫn trầm tĩnh, bà lặng lẽ đọc “Tình yêu và cuộc sống” của Jack London.

Có thể nói, nhà thơ Lưu Quang Thuận làm thơ không nhiều, sở trường của ông là kịch thơ, nhưng ông đã để lại cho đời, nói như Hoài Thanh "những lời thơ trung hậu" giàu trữ tình và nhân văn.

ĐÌNH QUÂN



Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)