Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Tư vấn - Chia sẻ Kiến thức - Kinh nghiệm.
Đăng ngày 27/2/2015
E-mail     Bản in

Những sai lầm khi cho con ăn bổ sung
Các bà mẹ còn một số hạn chế trong việc thực hành cho con ăn bổ sung như: thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung chưa phù hợp, nhiều bà mẹ cho trẻ ăn bột từ khi 3-4 tháng tuổi.

Ths.BS Lưu Thị Nhất Phương
Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ

Điều này xuất phát từ quan niệm truyền thống, cho rằng cho trẻ ăn thêm chất bột, chất gạo thì mới cứng cáp. Song thật ra, trong bột gạo có chất cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ. Vì vậy, nó chẳng những không tăng dinh dưỡng cho trẻ mà còn gây khó khăn cho việc hấp thụ các chất dinh dưỡng khác. Ngoài ra, còn tình trạng mất vệ sinh, sai quy cách trong chế biến bột gạo, pha sữa bò ở nhiều gia đình. Điều này có thể làm trẻ bị tiêu chảy hoặc mắc một số bệnh đường tiêu hóa khác. Mặt khác, 40% năng lượng cho sự tăng trưởng của trẻ là lấy từ sữa mẹ. Việc cho trẻ ăn bổ sung sớm (làm lượng chất béo tụt xuống còn 1/2), sẽ làm giảm năng lượng cung cấp cho trẻ hằng ngày.

 

Bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương tư vấn cho bà mẹ về dinh dưỡng cho con. 
Ảnh: ĐOÀN LÝ 

Sai lầm thứ 2 của các bà mẹ là cách sử dụng các loại thực phẩm. Một vài bà mẹ không biết sử dụng nguồn chất đạm dồi dào khác ngoài thịt cá, sợ trẻ đầy bụng khi ăn trứng; sợ trẻ ho và tiêu chảy khi ăn tôm, cua hoặc không biết tận dụng các loại đậu, vừng là nguồn đạm thực vật, tuy giá rẻ nhưng cũng rất bổ dưỡng. Hoặc có vài bà mẹ coi trẻ như một người lớn thu nhỏ, người lớn ăn gì thì tập cho trẻ ăn nấy, do vậy, nhiều khi thức ăn không phù hợp, trẻ sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, dinh dưỡng kém.

Sai lầm thứ 3 của các bà mẹ là việc dùng số lượng thực phẩm chưa phù hợp. Nhiều bà mẹ dùng rất ít dầu, mỡ trong bữa ăn của trẻ (vài giọt) vì cho rằng dầu, mỡ khó tiêu hóa, gây tiêu chảy. Thực ra dầu ăn dễ tiêu hóa lại rất giàu năng lượng và giúp tăng cường hấp thu các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K. Có bà mẹ cho trẻ ăn quá nhiều so với tháng tuổi của trẻ như trẻ mới bắt đầu ăn bổ sung đã dùng đến mấy trăm gram thịt/ngày hoặc cả một con cua, con cá hay con lươn. Số thực phẩm này vượt quá khả năng hấp thu của trẻ. Lượng đạm nhận vào cao là yếu tố nguy cơ gây béo phì sau này.

Sai lầm thứ 4 của các bà mẹ là cách pha sữa, chế biến thức ăn cho trẻ chưa phù hợp. Nhiều bà mẹ lo sữa không cung cấp đủ chất cho con mình nên dùng nước suối, nước quả, nước rau... để pha sữa hoặc pha sữa với các thực phẩm khác. Thực tế, các loại sữa bột đã được nghiên cứu để cung cấp lượng dưỡng chất tối đa phù hợp với khả năng hấp thu của cơ thể bé. Nếu trộn thêm bột hay bất cứ thực phẩm nào khác sẽ làm thay đổi công thức tối ưu này. Việc làm sữa trở nên đặc thêm sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và trẻ có thể không hấp thu hết các thành phần trong sữa. Nếu dùng nước suối để pha sữa dẫn đến tình trạng thừa khoáng chất, vì hàm lượng này trong nước suối rất cao. Và khi pha sữa bằng nước quả thì vitamin C trong nước quả có thể làm sữa trở nên khó tiêu. Một số các bà mẹ pha sữa bột cho trẻ không theo đúng công thức hướng dẫn. Do thấy con mình chậm tăng cân, nghĩ rằng cho nhiều sữa, càng đậm đặc thì càng cung cấp cho con nhiều chất dinh dưỡng, nhưng thực tế khi pha sữa đặc hơn sẽ gây khó tiêu cho trẻ, làm tăng gánh nặng cho thận. Chế độ ăn có quá nhiều đạm sẽ dẫn đến tăng áp lực lọc cầu thận, ảnh hưởng đến chức năng thận gây mất nước, toan chuyển hóa và chính là điều gây ra tình trạng mất canxi. Một số bà mẹ thì nếm sữa bột thấy hơi ngọt hơn sữa mẹ, muốn cho con dùng song song vừa sữa mẹ, vừa sữa bình vì nghĩ rằng sữa mình ít, sữa mình nóng, sữa mình chua, nên con chậm lớn, do vậy pha loãng sữa để sữa nhạt hơn nên không cung cấp đủ dinh dưỡng cho con.

Khi chế biến thức ăn, một vài bà mẹ mắc sai lầm "lạm dụng" máy xay sinh tố. Việc xay, nghiền nhỏ thức ăn chỉ tốt cho trẻ trong năm đầu, lúc chưa có răng hay răng còn ít. Sử dụng cối xay sinh tố để xay, nghiền thức ăn cho trẻ kéo dài đến 2-3 tuổi là không tốt, không tạo được cho trẻ cảm giác ngon miệng cũng như ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và hấp thu. Các bà mẹ đã không tập cho trẻ ăn những thức ăn phù hợp trong từng thời điểm (tương ứng với số răng) của trẻ như trẻ 7-8 tháng đã tập cho ăn cơm. Đúng ra thì khi trẻ 6 tháng tuổi, tập ăn bột loãng rồi sệt dần; 7-8 tháng (dưới 5 cái răng): ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc; 9 -15 tháng (5-10 cái răng): các bà mẹ đã phải "cai máy xay sinh tố" bằng cách xay thô dần (thời gian xay ngắn lại) tương tự như cháo hạt nhỏ; 15-24 tháng (10- dưới 20 răng): ăn cháo nấu như bình thường và các thức ăn mềm như phở, bún, nui…; trẻ 2 tuổi mọc đủ răng (20 răng) thì mới ăn cơm (lúc đầu cơm mềm, tán nhỏ, sau chuyển thành cơm nguyên hạt như người lớn).

Một số các bà mẹ hầm xương để lấy nước pha bột hay nấu cháo cho con. Họ quan niệm nước hầm là một thức ăn đặc biệt bổ dưỡng vì họ nghĩ rằng sau khi hầm nhừ một loại thực phẩm nào đó, tất cả những chất bổ tinh túy nhất của thực phẩm đã tan vào trong nước, "phần cái" còn lại chỉ là "xác". Tuy nhiên, các phân tích thành phần dinh dưỡng cho thấy chất đạm (thịt, cá, tôm…) có nấu trong bao lâu thì vẫn chỉ có ở phần xác mà không tan được vào trong nước, chất xơ trong rau củ cũng vậy. Vì vậy muốn nhận đủ các chất dinh dưỡng, phải cho trẻ ăn cả phần cái (xác) của thực phẩm bằng cách băm nhuyễn, cắt nhỏ, nấu mềm… Phần nước hầm có một vị ngọt rất ngon nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng bao nhiêu. Một số bà mẹ chỉ dùng nước luộc rau, ngay cả các loại củ như khoai tây, cà rốt cũng chỉ lấy nước hầm để quấy bột cho trẻ vì họ cho rằng trẻ không ăn được rau và ăn rau dễ rối loạn tiêu hóa.

Nuôi dưỡng chăm sóc trẻ hợp lý ngay từ những ngày đầu đời là hết sức quan trọng, không những bảo đảm cho trẻ được phát triển tốt về mặt thể chất, mà còn phát huy hết tiềm năng phát triển về mặt trí tuệ. Vì thế, các bà mẹ cần trang bị các kiến thức về dinh dưỡng, đừng để vì sai lầm của mình mà ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
                                                                                                                                                                  Ths.BS Lưu Thị Nhất Phương

Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ



Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)