Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN TRUNG ::. Quảng Nam.
Đăng ngày 29/1/2012
E-mail     Bản in

Lịch sử Tộc Lưu Văn ở Dưỡng Mông,Quế Xuân 1,Quế Sơn,Quảng Nam
Quá trình hình thành và phát triển Tộc Lưu Văn Làng Dưỡng Mông (*), xã Quế Xuân I, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam Vào khoảng nửa sau thế kỷ XV, chế độ phong kiến tập quyền ở Việt Nam phát triển đến mức thịnh đạt, nước Đại Việt là một quốc gia hùng cường ở Đông Nam Á. Nhà Lê thi hành chính sách đối ngoại mềm mỏng nhưng kiên quyết trên lập trường bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của đất nước. Được nhà Minh ủng hộ, Trà Toàn là vua Chăm-pa lúc bấy giờ cho quên kéo ra đánh chiếm Hóa Châu. Vua Lê Thánh Tông quyết định thân chinh trừng phạt. Sau chiến thắng Trà Bàn năm 1471, vua Lê Thánh Tông cho nhân dân vào Thuận Hóa và Quảng Nam để khẩn đất lập nghiệp. Đây là đợt di dân lớn nhất vùng đất Quảng Nam trong thời lịch sử trung đại Việt Nam.

"Những lớp lưu dân “Bắc địa tùng vương” hồi cuối thế kỷ XV đến Quảng Nam gồm nhiều tộc họ ở các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Cao Bằng…, trong đó Nghệ An là tỉnh có số lượng nhiều hơn cả, chiếm trên 33%"

(Theo Tiến sĩ Trần Công Bá - trích dẫn “Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII” - Luận án Tiến sĩ khoa học lịch sử . Mã số: 5.03.15 năm 1996)

Trong dòng người Nam tiến đó, có Ngài Lưu Quý Công, húy là An, tự là Tứ. Nguyên gốc Ngài là người ở thôn Sung Mỹ, xã Quả Phẩm, tổng Tam Đa, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (trích dẫn theo lời ghi trong Tộc phả tộc Lưu Văn). Cùng thời với Ngài, có các Ngài thủy tổ tộc Nguyễn, Trương, Đinh; họ hợp lực cùng nhau, bất chấp ác dịch, chướng khí, khẩn hoang xây dựng làng mạc và trở thành 4 tộc Tiền hiền: Lưu - Nguyễn - Trương - Đinh của làng Dưỡng Mông, tổng Xuân Phú, huyện Quế Sơn trước đây (nay thuộc xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn).

Các lớp hậu duệ của Ngài đã có nhiều công trạng đóng góp vào công việc xây dựng làng xã, phụng sự đất nước như các Ngài Lưu Văn Tường (đời thứ 7) có công khai khẩn hoang điền; Ngài Lưu Văn Toán, Lưu Văn Vân (đời thứ 8) đều làm đến chức Tham tri hương sự, dời sức dân, khai hoang lập ấp. Riêng Ngài Lưu Văn Vân đã cùng với các Ngài Tiền hiền của làng khai khẩn cho làng được 717 mẫu đất (theo tờ khai Tiền hiền - Trường Viễn Đông Bác Cổ - Khảo cứu về lịch sử các Tiền hiền thuộc xứ Trung kỳ); Ngài Lưu Văn Trí (đời thứ 8) có công được vua Gia Long phong chức Hãn Đức Hầu vào năm Gia Long thứ 15 (1816); Ngài Lưu Văn Thọ (đời thứ 10) ứng khoa Hiền Lương triều Tự Đức, mộ dân lập xã, gây dựng được hai làng Mậu Chánh quận Duy Xuyên và làng Long Phước thuộc tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông (nay là thành phố Tam Kỳ).

Vào vùng đất mới Quảng Nam, khởi thủy từ Ngài Lưu Văn An, đến nay đã sinh hạ con cháu đến đời thứ 16 gồm 3 phái. Từ địa bàn định cư ban đầu làng Dưỡng Mông, đến nay con cháu của Ngài đã làm ăn sinh sống trên mọi miền đất nước kể cả nước ngoài.

Dòng chảy của lịch sử Gia tộc nằm trong dòng chảy của lịch sử quốc gia. Qua bao biến cố thăng trầm của đất nước, con cháu trong tộc luôn có ý thức về nghĩa vụ công dân của mình đối với Tổ quốc, nghĩa vụ con cháu của mình đối với Gia tộc. Nhờ đó truyền thống Gia tộc ngày càng được phát huy, uy tín Gia tộc ngày càng được lưu truyền.

Trong bối cảnh đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa tác động sâu sắc; tính dân tộc và tính hiện đại đan xen tồn tại, ảnh hưởng đến mọi người. Vì vậy mỗi Gia tộc, mỗi người Việt Nam cần phải nhận thức lại giá trị căn bản của văn hóa dân tộc, xây dựng những khuôn phép của gia lễ và gia giáo truyền thống của gia đình, gia tộc.

Hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, tiến tới xây dựng xã văn hóa do UBTWMTTQVN phát động. Hội đồng Gia tộc Tộc Lưu Văn, thôn Thạnh Mỹ, xã Quế Xuân 1 một mặt vận động con cháu trong tộc tích cực hưởng ứng cuộc vận động nói trên, mặt khác tiến hành xây dựng quy ước của Gia tộc trên tinh thần nâng cao trình độ kiến thức chung, đặt trên nền tảng luân lý, đạo đức và khoa học tiến bộ; giản dị hóa thủ tục, đồng thời nâng cao việc giáo dục trách nhiệm của gia đình, Gia tộc, tăng cường những hình thức giáo huấn, tập trung vào đạo lý làm người trong một xã hội văn minh, hiện đại.

Thạnh Mỹ, mùa hạ tháng 7 âm lịch năm Canh Dần 2010

Chú thích:

(*): Làng Dưỡng Mông có tên gọi từ xa xưa và trong thời kỳ thuộc địa Pháp làng (xã) Dưỡng Mông thuộc tổng Xuân Phú, huyện Quế Sơn. Giai đoạn 1945 - 1954, nhiễu xã cũ như Phú Trạch, Dưỡng Mông, Xuân Phú, Mông Lãnh, Trà Đình, Hương Quế, Hương An v.v... hợp lại thành xã Quế Xuân. Sau 1954 hai xã Dưỡng Mông và Xuân Phú hợp lại thành xã Dưỡng Xuân. Sau 1954 hai xã Dưỡng Mông và Xuân Phú hợp lại thành xã Dưỡng Xuân. Đến thời kỳ Mỹ - Diệm xã Dưỡng Xuân được đổi lại thành xã Phú Thạnh.

Đến năm 1975 miền Nam hoàn toàn được giải phóng và thống nhất đất nước, làng Dưỡng Môn được đặt theo tên khác và được chia ra nhiều đơn vị hành chính nhỏ (cấp thôn), đó là: thôn Thạnh Mỹ (tức thôn 2 - nơi đặt trụ sở ngôi Từ Đường Tộc Lưu Văn), thôn Thạnh Hòa (tức thôn 1), thôn Dưỡng Mông Đông (tức thôn 3A), thôn Dưỡng Mông Tây (tức thôn 3B), Ô vuông (địa phậ thuộc thôn Phú Lộc, xã Quế Xuân II), Ô Quan (địa phận thuộc làng Mộc Bài, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn).

Các thôn được tính theo đơn vị bằng chữ số như thôn 1, thôn 2,... được nhà nước Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành và tổ chức thực hiện từ năm 1975 đến năm 2005. Từ sau năm 2005 đến nay (2010) được đổi tên thành như sau:

- Thôn 1 được đổi thành thôn Thạnh Hòa
- Thôn 2 được chia thành hai thôn: thôn Thạnh Mỹ và thôn Bà Rén
- Thôn 3A được đổi thành tên thôn Dưỡng Mông Đông
- Thôn 3B được đổi thành tên thôn Dưỡng Mông Tây
- Thôn 4 được đổi thành tên thôn Xuân Phú
- Thôn 5 được đổi thành tên thôn Dưỡng Xuân
- Thôn 6 được chia thành ba thôn: thôn Hòa Dưỡng, thôn Hòa Mỹ Đông và thôn Hòa Mỹ Tây
- Thôn 7 được đổi thành tên thôn Phú Lộc
- Thôn 8 được đổi thành tên thôn Phú Bình
- Thôn 9 được đổi thành tên thôn Phú Nguyên
- Thôn 10 được chia thành ba thôn: thôn Thượng Vĩnh, thôn Tân Mỹ và thôn Phú Mỹ
- Thôn 11 được đổi thành tên thôn Trung Vĩnh
- Thôn 12 được đổi thành tên thôn Phù Sa

Các thôn Thạnh Hòa, Thạnh Mỹ, Bà Rén, Dưỡng Mông Đông, Dưỡng Mông Tây, Xuân Phú, Dưỡng Xuân, Trung Vĩnh, Phù Sa thuộc xã Quế Xuân I.

Các thôn Hòa Dưỡng, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Phú Lộc, Phú Bình, Phú Nguyên, Thượng Vĩnh, Tân Mỹ, Phú Mỹ thuộc xã Quế Xuân II.


Theo luuvantoc.org