Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. LƯU TỘC VIỆT NAM.
Đăng ngày 29/1/2014
E-mail     Bản in

KHÁI QUÁT VỀ HỌ LƯU VIỆT NAM
(LUUTOC.VN) - Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm [1] ngày mất của Thái sư Lưu Cơ 24 tháng Chạp năm Quý Tỵ (24/01/2014), với mục tiêu giới thiệu và tôn vinh các liệt tổ, liệt tông họ Lưu Việt Nam có công với đất nước, trong đó có Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ với vương triều nhà Đinh, Tiền Lê và Nhà Lý; dựa trên các tư liệu đã sơ bộ thu thập được, BBT LUUTOC.VN trân trọng giới thiệu bài viết khái quát một số nét về Họ Lưu - Việt Nam trong tiến trình lịch sử và đưa ra một số nhận xét sơ lược ban đầu về Họ Lưu Việt Nam của TS. Lưu Văn Thành - Trưởng ban Nghiên cứu Lưu Tộc của dòng họ, đã tập trung nhiều công sức và thời gian để sưu tầm và nghiên cứu.
 
  1. Họ Lưu trong lịch sử Việt Nam:
Họ Lưu là một trong những dòng họ được đề cập trong lịch sử Việt Nam rất sớm. Theo Trúc Khê, Ngô Văn Triện [2], đền Đồng Cổ có từ năm 2569 trước Công Nguyên (TCN), thuộc đời đầu Hùng Vương, tại làng Khả Lao (sau từ đời nhà Trần gọi là Đan Nê, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Lúc đó, ở Khả Lao có ba dòng họ Trịnh, Lưu và Hà sinh sống. Từ vùng đất này dòng họ Lưu đã phát triển lan rộng và chuyển cư sang các địa phương khác.


              Sơ lược di tích có ghi “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (2569 TCN)            
                 
Tiếp theo, trong truyện cổ tích “Sự tích trầu cau” thời Hùng Vương, hơn 2000 năm TCN, cô con gái đạo sỹ họ Lưu, lấy người anh trong cặp sinh đôi họ Cao[3] là học trò của cha cô.

Giai đoạn từ năm 144 đến 705[4], có 11 thứ sử họ Lưu người Trung Hoa sang cai quản Việt Nam. Họ là những người đã đỗ đạt cao và có năng lực với chức sắc quan trọng trong các triều đại Trung Quốc, do vậy có nhiều ảnh hưởng đến các vùng họ cai quản. Đặc biệt, từ góc độ dòng họ, một số quan đô hộ đã lấy vợ người Việt, sinh con cháu tạo nên các chi họ tại địa phương đó, các thế hệ tiếp theo phần lớn được học hành và được đào tạo trong điều kiện tốt hơn, trở thành những người có đóng góp cho người dân đất Việt. Thực tế, không ít quan đô hộ đã trở thành thủy tổ dòng họ Lưu tại Việt Nam, như Thứ sử Vũ Hồn (841-843) được tôn là Thủy tổ Vũ - Võ... Có thể những người tùy tùng đi theo các thứ sử hoặc chính các thứ sử mang họ Lưu đã tạo dựng một số dòng họ Lưu tại một số địa phương, nơi họ sang, như họ Lưu - Dương Quảng (Gia Lâm, Hà Nội) [5], do một quan viên họ Lưu cùng Thái thú Sĩ Nhiếp sang cai quản Giao Châu (187-226) [6; tr.80], rồi ở lại để dạy học; hay như họ Lưu - Nguyệt Áng (Thanh Trì, Hà Nội) từ Bành Thành, Giang Tô sang thời Lê Sơ [7].

Thời kỳ tự chủ của quốc gia Đại Việt (938-1858), gồm: nhà Ngô, Đinh, Lê (Tiền Lê), Lý, Trần, Lê (Lê Sơ), Mạc, Tây Sơn và Nguyễn, Họ Lưu Việt Nam có nhiều danh nhân, công thần khai quốc, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu có Khai quốc công thần gây dựng nhà Đinh là Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ (940-1013) [8; tr.403-411] (Xem Phụ lục 1). Lưu Cơ là người trang Tri Hối, châu Đại Hoàng, Ái Châu (nay thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) là con cầu tự tại Bạch Bát Sơn Thần (thuộc xã Bạch Liên, Yên Mô, Ninh Bình); Ông cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú là tứ trụ triều đình lập lên nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt, do Đinh Bộ Lĩnh làm Hoàng đế. Năm 971, sau khi dẹp xong các sứ quân (Lưu Cơ bình định sứ quân Lý Khuê), yên vị ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng đã tổ chức bộ máy triều đình Đại Việt đầu tiên của Việt Nam, Lưu Cơ đứng tên đầu danh sách các quan trong triều với cương vị Thái sư Đô hộ phủ thành Đại La quan trọng với vai trò cai quản kho người, vựa lúa của Giao Châu đã được Vua Đinh giao cho vị quan đứng đầu triều Thái sư trông coi.

 
"Bạch Bát Sơn thần" (nay thuộc làng Bạch Liên, xã Yên Thành, Yên Mô, Ninh Binh)
tương truyền là nơi cha mẹ cụ Lưu Cơ đến ăn chay cầu tự

 Thái sư Lưu Cơ, cai quản toàn bộ Giao Châu, đóng đại bản doanh ở thành Đại La. Khi nhà Tiền Lê (từ 980 đến 1009) thay thế nhà Đinh, Thái sư Lưu Cơ vẫn được giao trọng trách như cũ, tổng cộng cai quản La Thành gần 40 năm (từ năm 971 đến năm 1010). Ông là người đầu tiên cải tạo thành Đại La - An Nam đô hộ phủ thuộc địa hướng Bắc trở thành một tòa thành quay về hướng Nam, thể hiện sự độc lập, tự chủ của Hoàng đế Đại Việt ở Hoa Lư. Mọi hướng nhìn của cổng thành và dinh thự cũ đều được sửa đổi theo hướng về Nam. Nhờ La Thành được chuẩn bị tốt về hạ tầng nên chỉ trong 2 tháng từ khi có chiếu dời đô, Thái sư Lưu Cơ đã bàn giao cho vua Lý Thái Tổ vào ổn định kinh đô Thăng Long.

Năm 1010, sau khi bàn giao La thành cho Lý Công Uẩn, Thái sư Lưu Cơ nghỉ hưu. Người đã về thăm quê cũ ở trang Tri Hối rồi lên trang Đại Từ, Siêu Loại (nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên), nơi Người đã đóng quân để trực tiếp bình định sứ quân Lý Khuê ở Siêu Loại, Thuận Thành [9]. Lưu Cơ đã ban phát cho dân Đại Từ đất cánh tác, mỗi suất đinh một mẫu. Tại đây, sau khi Người mất, theo di nguyện của Người dân làng đã lập đền thờ Thành Hoàng - Tuy Lộc Đại vương Lưu Cơ; các triều đại Lê, Lý, Trần... đều ban sắc phong. Khai quốc công thần, Đại vương Lưu Cơ còn được phối thờ tại đền vua Đinh, Phủ Đột - đền Trình (ở Tràng An, Ninh Bình), tại đền Ngọc Sơn (thôn Uy Viễn, Liên Sơn, Gia Viễn, Ninh Bình), miếu thờ Đàm Thái Hậu (thân sinh của Đinh Tiên Hoàng) tại làng Lộc Thọ (xã Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình) [10]; là Thánh Cả - Lưu Thiên Tử thờ trong Đình Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) [11; tr.49-53 và 290-292]. Đặc biệt, Cao Tổ Lưu Cơ là một trong tứ trụ triều đình đang được tạc tượng ở hướng của quảng trường - tượng đài Đinh Tiên Hoàng tại trung tâm TP Ninh Bình và một đường phố (vuông góc với Đinh Tiên Hoàng và Trần Hưng Đạo tại Trung tâm TP Ninh Bình) mang tên Lưu Cơ.

 
Tượng Đại vương Lưu Cơ thờ trong đền Ngọc Sơn, xã Liên Sơn, Gia Viễn, Ninh Bình

Thời Tiền Lê, sau khi Lê Hoàn được phong chức Tĩnh Hải Tiết Độ sứ vào năm 982 (sau là Nam Bình vương) và kết giao yên bình được mặt phía Bắc, Vua Lê Đại Hành đã cất quân chinh phạt Chiêm Thành (Champa). Lúc này, Chiêm Thành là một quốc gia tự chủ gần 800 năm và chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ, thường xuyên đánh phá phía Nam Đất Việt. Vua Lê Đại Hành đánh chiếm được Kinh đô Đồng Dương (Quảng Nam), chém được vua Chiêm là Tỳ Mi Thuế, làm tiêu tan âm mưu cấu kết với nhà Tống xâm lược Đại Cồ Việt [6; tr.140]. Khi chiếm đến tận Bình Định (Vijaya), vua Lê cho lưu lại một đạo quân trú phòng dưới quyền chỉ huy của Quản giáp Lưu Kế Tông để chiếm đóng phần phía bắc Chiêm Thành (từ Hoành Sơn đến Bình Định). Vua Chiêm mới là Indravarman IV bỏ thành chạy trốn vào Nam, cát cứ miền Khánh Thuận (Panduranga).
 
Bà con họ Lưu Danh xã Liên Sơn cùng đoàn NC Họ Lưu VN tại đền Ngọc Sơn

Lưu Kế Tông tự lập làm vua Chiêm Thành [12; tr.123-126] và cử sứ giả mang phẩm vật sang triều cống vua Tống. Trong những năm tiếp theo, người Chiêm tiếp tục chống đối Lưu Kế Tông, nên bị trấn áp, nhiều người Chiêm bỏ chạy di tản sang quy phục Trung Quốc (vùng Hải Nam và Quảng Châu) mỗi ngày một nhiều. Năm 988, người Chiêm Thành nổi dậy chiếm lại miền Bình Định, dựng vua mới là Ku Xri Harivarman II (tên Việt là Băng vương La Duệ). Lưu Kế Tông bị bệnh, mất năm 989. Như vậy, Lưu Kế Tông lên ngôi làm Vua của Chiêm Thành được 3-5 năm. Việc Lưu Kế Tông lên ngôi vua nước Chiêm Thành đó là sự thật đã được chính sử Nhà Tống Trung Hoa [13] và Chiêm Thành đều có ghi lại.
 
Đền thờ Lưu Xá (đền Nhị vị Lưu Đại vương), Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình

Thái bảo Lưu Ngữ [14] là quan nhất phẩm, đại thần nhà Tiền Lê, người có công lớn cho Vương triều Tiền Lê, được Vua Lê ban đất Lưu Xá (nên còn gọi là Lưu Gia) để làm thái ấp. Làng Lưu Xá[1] có bến đò Lưu Gia được lưu danh lịch sử trong bài thơ “Lưu Gia độ” của Thượng tướng - Thái sư Trần Quang Khải. Lưu Ngữ sinh được hai con trai cùng ngày, nhưng khác giờ là Lưu Khánh Đàm và Lưu Ba (Lưu Điều). Hai người có đóng góp lớn cho Vương nghiệp nhà Lý (1009-1225), làm đến chức Thái úy Lưu Khánh Đàm[2] và Thái phó Lưu Ba; được thờ là Khai quốc công thần, Thượng đẳng Phúc thần trong đền Lưu Xá (thuộc xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình). Theo “Lưu Đại vương Ngọc phả” thì trong đền Lưu Xá thờ  “Tứ Thánh nhất tâm”, ngoài Lưu Khánh Đàm và Lưu Ba còn thờ hai Đại vương Lưu Kỳ Công và Lưu Huy Công là hai con nuôi của Lưu Ngữ, có công hợp sức với Lưu Khánh Đàm và Lưu Ba trong việc bảo vệ đất nước, được phong làm Đại tướng. Khu di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật (gồm đền Lưu Xá, chùa Báo quốc và các di tích danh nhân họ Lưu) tại xã Canh Tân đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với diện tích 9,6 ha[3] và đang được khởi động triển khai đầu tư.

Con thứ ba của Lưu Ngữ là đại sư Lưu Lượng [15; tr. 196] được thờ trong cụm di tích đình, đền, chùa Diệc, xã Tân Hòa bên cạnh (di tích cấp Quốc gia từ 1993). Các đời sau tại Lưu Xá có Lưu Thiện là gia thần của vua Lý Cao Tông (1173-1210), Lưu Thiện và Lưu Vũ Nhĩ được ghi trong sử sách cuối triều Lý.

 
                                                               Lễ Hội Núi Văn - Núi Võ tại Đền Lưu Nhân Chú ở Đại Từ, Văn Yên, Thái Nguyên

Cao Tổ Lưu Nhân Chú đã được Lịch sử ghi rõ ràng là cùng Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn phò Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, đánh thắng đuổi quân Minh, giải phóng dân tộc sau 10 năm kháng chiến, lập nên triều đại nhà Lê của Đại Việt do Lê Thái Tổ ở ngôi Hoàng đế. Từ Văn Yên, Thái Nguyên bố con Lưu Trung - Lưu Nhân Chú tham gia ngay từ khi tập hợp lực lượng ban đầu (1409). Lưu Nhân Chú đã tham gia Hội thề Lũng Nhai (1416), nên được gọi là Lũng Quốc công. Cả gia đình Lưu Nhân Chú, gồm bố là Lưu Trung, anh trai (cùng mẹ khác cha) Trịnh Khắc Phục và em rể là Phạm Cuống đều là khai quốc công thần triều Lê, nằm trong danh sách 51 vị tướng của cuộc kháng chiến, lập nhiều chiến công, được phong hầu và ban quốc tính [17; tr.167-184].

Lưu Nhân Chú là thiên tài quân sự, đã tham gia chỉ huy đánh trận ở mọi chiến trường như ở Thanh Hóa, Nghệ An, Ai Lao, Đất Bắc, Biên giới... điển hình là các trận: Khả Lưu (Nghệ An - 1424), Tây Đô (Thanh Hóa - 1425), chặn địch ở vùng đất Bắc (1426), Chi Lăng (1427), Xương Giang (1427)... Trận Xương Giang - Chi Lăng, tiêu diệt toàn bộ viện binh của quân Minh do Liễu Thăng cầm đầu, tướng giặc Liễu Thăng bị chặt đầu. Năm 1428, Lưu Nhân Chú được Lê Lợi ban chức Tể tướng, nhưng vẫn giữ chức nhiệm coi nắm binh quyền, Vinh quốc công. Lưu Trung làm chức Nhập nội Tư mã - Đại tướng quân, Chi Quận công. Phạm Cuống làm Nhập nội Thiếu úy, Thượng tướng quân Thượng trụ quốc, Trù Quốc công. Trịnh Khắc Phục làm Tả kim ngô Thượng tướng quân Phán Thái tông Chính phủ. Năm 1484, Lưu Nhân Chú được vua Lê Thánh Tông giải oan và truy tặng là Thái phó Trung Quận công, Lưu Trung là Thái úy Giới quận công; hàng năm vẫn tổ chức Lễ Hội Núi Văn - Núi Võ để tưởng nhớ đến những Danh nhân họ Lưu ở Thái Nguyên. 

 
Hàng bia đá khắc tên các Ông Trạng, Thám, Tiến sĩ
trong Văn Miếu Quốc Tử Giám (ảnh năm 1991)

Trong Lịch sử Văn hiến đất nước, năm 1075 (đời vua Lý Nhân Tông) bắt đầu tổ chức kỳ thi đại khoa toàn quốc để tuyển chọn nhân tài - “Nguyên khí Quốc gia”, chọn trí thức Nho học tài giỏi, bổ sung quan chức cao cấp cho triều đình [18]. Tính đến kỳ thi cuối cùng (1919), Họ Lưu Việt Nam có 26 Tiến sỹ Nho học (Xem Phụ lục 02), trong đó có 04 người đỗ đầu là Lưu Diễm đỗ Đệ nhất giáp (năm 1232) [6; tr.270], Lưu Miễn đỗ Đệ nhất giáp khoa (1239), Lưu Thúc Kiệm đỗ Đệ nhất giáp khoa (1400) và Trạng nguyên Lưu Danh Công  (1670). Những Danh nhân văn hóa Họ Lưu này có đóng góp công lao to lớn cho đất nước, để lại nhiều danh tiếng muôn đời cho con cháu họ Lưu. Các cụ được phong chức Thượng thư, Đông Các đại học sỹ, Hiến sát sứ, đi sứ phương Bắc... là những quan chính trực, thanh liêm v.v. ví như TS Lưu Quỹ, làng Nguyệt Áng, đỗ khoa thi Ất Mùi (1835) đã cùng Nguyễn Bỉnh Đức dâng 10 sách lược trị nước, đều là những điều tâm đắc làm cho dân giàu, nước thịnh [19; tr.68-74].

Các nhà khoa bảng cả nước nói chung, của họ Lưu nói riêng đã tạo ra nhiều vùng đất phát triển cho các thế hệ sau này, như họ Lưu - Vĩnh Trị (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có 3 Tiến sỹ (trong đó có 2 Trạng nguyên Lưu Diễm và Lưu Miễn), họ Lưu - Trạm Lộ (Thuận Thành, Bắc Ninh) có 3 tiến sỹ (trong đó có 1 Trạng nguyên là Lưu Thúc Kiệm), họ Lưu - Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) có Trạng nguyên Lưu Danh Công, họ Lưu Đức - Vũ Nghị (Thái Thụy, Thái Bình) có TS Lưu Đức An đã lập ra các dòng họ Lưu tại Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghệ An...), họ Lưu - Nguyệt Áng (Thanh trì, Hà Nội) có 3 Tiến sỹ một nhà (Lưu Tiệp, Lưu Định và Lưu Quỹ)...

Kế tiếp là hai anh em Tướng quân Cần Vương Lưu Điệt và Thượng thư Bộ lễ Lưu Đức Xứng (quê ở Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) [19, tr. 133-134] (là con của TS Thượng thư Lưu Văn Bình - đỗ Tiến sĩ năm 1853). Tuy chỉ đỗ Cử nhân, nhưng Lưu Đức Xứng đã tham gia viết nhiều bộ sách lớn, như “Đại Nam nhất thống chí”, Quảng Bình đăng khoa mục”, “Hội điển của triều Nguyễn”. Ngoài ra, còn có nhiều nho sỹ họ Lưu (Cử nhân, Sinh đồ, Tú tài...) đã cống hiến cho triều đình và cho nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Khắp đất nước Việt Nam đều có người của các dòng họ Lưu sinh sống. Trong đó nổi bật tập trung ở một số địa danh nổi tiếng, như Thanh Hóa (điển hình là ở huyện Yên Định, có thể là nơi đất cổ của Họ Lưu và Thiệu Hóa, quê của Thái bảo Lưu Ngữ và Hoằng Hóa quê của 2 Trạng nguyên Lưu Diễm và Lưu Miễn...); Bắc Ninh (Thuận Thành, quê của Trạng nguyên Lưu Thúc Kiệm...); Thái Bình (Hưng Hà, quê của Nhị vị Lưu đại vương, Thái Thụy, quê của Thượng thư - TS Lưu Đức An, Quỳnh Phụ...); Hà Nội (Thanh Trì, quê của Trạng nguyên Lưu Công Danh, của gia đình ba Tiến sỹ ở Nguyệt Áng, Gia Lâm, Từ Liêm, Ba Vì...); Nghệ An (Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Yên Thành...); Vĩnh Phúc (Phúc Yên, Thanh lãng...); Phú Thọ (Việt Trì), Nam Định, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Cà Mau... và có một bộ phận hậu duệ Họ Lưu VN hiện đang sinh sống tại nhiều quốc gia hải ngoại như: Pháp, Mỹ, Hàn Quốc v.v... (có Việt kiều là nhân tài người Họ Lưu ở Quảng Bình đã có lần từng làm chức vụ cố vấn cho Thủ tướng Canada).

Họ Lưu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh có rất nhiều gương mặt tiêu biểu, như Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (tên thật là Lưu Văn Thi, quê Hà Nam), Uỷ viện dự khuyết BCH TƯ Đảng CSVN, nguyên Thứ trưởng Bộ QP; Bà Lưu Phương Mai, nguyên Quyền Bộ trưởng Bộ LTTP; Viện sỹ, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, nguyên Bộ trưởng Bộ TTVH của Chính phủ CMLT CHMNVN, Đại biểu Quốc hội - Chủ nhiệm UBVHGD của QH nước CHXHCN Việt Nam; Nhà ngoại giao Kiệt xuất, Luật gia Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng ban Biên Giới của Chính Phủ (hàm Bộ trưởng và đang hưởng thọ tuổi 101); GS TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch HĐ Di sản Quốc Gia, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ VHTTDL); Ông Lưu Văn Mẫn, nguyên Phó Chánh VP TƯ Đảng CSVN;  TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội DSVH Thăng Long, Hà Nội, nguyên PCT UBND Hà Nội; Ông Lưu Minh Hiệu, nguyên PCT UBND tỉnh Thái Bình.

 
Mừng thọ tuổi 100 Cụ LƯU VĂN LỢI (từ trái sang: TS. Lưu Văn Lượng - TS. Lưu Văn Thành
GS. Lưu Văn Đạt - LG. Lưu Văn Lợi - Ô. Lưu Văn Sửu - Ô. Lưu Thế Đài) 

Về KHKT, họ Lưu có hàng trăm GS, PGS, TS, điển hình nhất là GS TS Jane X. Luu (tên Việt là Lưu Lệ Hằng, sinh năm 1963 tại Sài Gòn, quê ở Nam Định, sang Mỹ năm 1975). Giáo sư và người thầy dạy (Giáo Sư David C. Jewitt, giám đốc Viện NC Thiên Thể, ĐH UCLA), với Công trình “Ðịnh danh các vật thể ngoài Hải Vương Tinh” (Trans-Neptunian Objects) đã được giải thưởng “Shaw Thiên Văn học 2012” của Hồng Kông (gọi là giải “Nobel” châu Á) và Công trình khám phá “Vành đai Kuiper” được giải “Kavli Thiên Văn học 2012” của Na Uy, tổng trị giá 2,0 triệu USD. Tên GS TS Jane X. Luu được đặt cho một ngôi sao 5430Luu.

Ngoài ra, còn có GS Luật sư nổi tiếng Lưu Văn Đạt (Nguyên PCT kiêm TTK Hội Luật Gia Việt Nam, UV Đoàn Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, MTTQ Việt Nam); GS TSKH Lưu Duẩn (ĐHCN Sài Gòn) được giải “Thực phẩm toàn cầu” của IUFoST World Congress tại Braxin 2012...; hai đại biểu Quốc hội khóa XIII (Lưu Thị Huyền, Chủ tịch MTTQ huyện Gia Viễn, Ninh Bình; Lưu Thành Công, PGĐ Sở GDĐT Vĩnh Long). Họ Lưu Việt Nam có 12 sỹ quan cấp tướng, trong đó có 04 Trung tướng (Lưu Đức Huy, Lưu Phước Lưng, Lưu Sỹ Hiệp và Lưu Bá Xảo); Nhiều văn nghệ sỹ ni tiếng như GS Lưu Hữu Phước, nhà thơ Lưu Trọng Lư, hai cha con nhà biên kịch Lưu Quang Thuận + Lưu Quang Vũ, nghệ sỹ Piano Lưu Hồng Quang...; Hoa hậu Lưu Diễm Hương... và rất nhiều doanh nhân đang hoạt động phát triển kinh doanh hàng ngày.


Viện sỹ, Nhạc sỹ, Bộ trưởng Lưu Hữu Phước,
người sáng tác bài hát “Giải phòng Miền Nam - Quốc ca CHMNVN

 
Trong kháng chiến thắng đế quốc xâm lược, họ Lưu có rất nhiều đóng góp, điển hình là Anh hùng LLVT Lưu Viết Thoảng (quê Bắc Giang, trong Chiến thắng Điện Biên Phủ); Anh hùng LLVT - Đại tá Lưu Huy Chao (quê Thanh Hóa, phi công bắn rơi 6 máy bay Mỹ và yểm hộ cho đồng đội hạ 11 chiếc khác), Anh hùng Lưu Quí An (quê Mê Linh, Hà Nội) và nhiều con em họ Lưu Việt Nam đã hy sinh xương máu trên chiến trường, là thương binh và nhiều người mẹ họ Lưu đã trở thành Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nhiều người lập chiến công hiển hách được tặng thưởng nhiều huy, huân chương các loại.  

         Trong công cuộc xây dựng đất nước có nhiều đồng tộc họ Lưu tiêu biểu, như AHLĐ Lưu Đình Thành, họ Lưu Đình - Đan Nê, Thanh Hóa...
   
 1. Một số nhận xét ban đầu về họ Lưu Việt Nam:
 
Họ Lưu Việt Nam là một phần cùng các dòng họ khác tạo nên dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết (Ngọc phả Hùng vương) thì Họ Lưu Việt Nam là một trong “trăm họ bách tính” của Quốc Tổ Lạc Long Quân và Mẫu Tổ Âu Cơ [20]. Người họ Lưu theo mẹ Âu Cơ lên núi. Nếu Lạc tướng Lưu Lang (trong số 100 con của Lạc Long Quân - Âu Cơ) mang họ Lưu thì họ Lưu đứng thứ 78.

Hiện nay, người họ Lưu Việt Nam sống trải rộng khắp mọi miền Tổ quốc. Tất cả 63 tỉnh, thành (từ địa đầu Móng Cái, đến mũi Cà Mau) đều có các dòng họ Lưu định cư, làm ăn. Nơi có mật độ các dòng họ Lưu dày nhất có lẽ là huyện Yên Định, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì gồm 16 dòng họ. Các dòng họ phía Bắc (tính đến tỉnh Quảng Bình) sinh hoạt dòng họ ổn định hơn. Hầu hết, các dòng họ giữ được quan hệ huyết thống gắn bó và sinh hoạt giỗ chạp họ thường niên. Phần nhiều các dòng họ đã và đang tôn tạo nhà thờ họ, hoặc ít nhất có bàn thờ họ chung. Các dòng họ phía Nam do có các cuộc Nam tiến trong lịch sử nên việc co cụm sinh hoạt dòng họ bị tản mạn. Số lượng các dòng họ tập trung và có nhà thờ họ thưa hơn. Tuy nhiên, các nơi có nhà thờ họ thì thông thường được xây dựng to và rộng hơn. Việc nghiên cứu các dòng họ cần có thời gian để triển khai sâu và rộng hơn.

Họ Lưu Việt Nam chủ yếu là người bản xứ. Nếu chứng minh được người Họ Lưu có mặt tại Đan Nê, Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hóa từ trước năm 2569 TCN thì đó là nơi phát tích đầu tiên của Họ Lưu Việt Nam. Từ đó, họ Lưu phát triển di chuyển, lan tỏa ra. Điều này cũng có thể lý giải một thực tế họ Lưu có mặt ở huyện Yên Định đông nhất. Ngoài ra, còn có các nguồn gốc họ Lưu khác, đó là do biến động quá trình lịch sử, như một phần các dòng họ khác phải cải sang họ Lưu hoặc để tránh những thảm họa tàn sát của thời cuộc hoặc do họ Lưu vùng đó, thời đó đang rất thịnh vượng nên các người thuộc dòng họ khác muốn mang tên Họ Lưu. Ngược lại, một số chi họ Lưu cũng phải đổi sang họ khác, như họ Lưu - Phạm (xã Kim đường, Ứng Hòa, Hà Nội), Lưu - Nghiêm (làng Viên, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội)... Điển hình nhất là vào thời kỳ Nhà Trần thay Nhà Lý, toàn bộ người họ Lý ở các vùng có ảnh hưởng trực tiếp của nhà Trần, bắt buộc phải người họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn [6; tr. 270] (họ Nguyễn - Lý). Để bảo tồn dòng họ, có hai chi phái họ Lý đã phải di sang sống bên Cao Ly (Hàn Quốc)[4]. Họ Lưu là công thần của vương triều Nhà Lý nên cũng bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều người bị giết cùng với vua tôi Nhà Lý, hoặc phải ly hương hoặc bị cải sang họ khác.

Có những làng xưa là đất của họ Lưu, hoặc gắn bó với các quan thần họ Lưu, nhưng nay không còn bất kỳ người họ Lưu nào còn sinh sống ở đó, như làng Lưu Xá (Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình), làng Đại Từ (Đại đồng, Văn Lâm, Hưng Yên), xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), quê của Thái bảo Lưu Ngữ… Đối chiếu một số gia phả, thì thấy một hiện tượng rất riêng là có những gia phả không ghi lại nguồn gốc tổ tiên dòng họ Lưu của mình. Các thế hệ trước kia đã thận trọng dấu tung tích nhằm bảo tồn dòng họ, ví như họ Lưu - Tường Lai (Yên Thành, Nghệ An)... Điều đó chứng tỏ Cao Tổ của dòng họ Lưu đó là những người nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng nhất định trong xã hội nên phải tránh rủi ro bị truy tìm hoặc bị triệt tiêu.

Ban Nghiên cứu họ Lưu VN mới đi điều tra điền dã được ba cố đô: Phong Châu, Tây Đô (Thanh Hóa) và Hoa Lư. Nhiều dòng họ Lưu có nhà thờ lâu đời (rải rác ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành) và có một số di tích tâm linh (đền, đình) thờ các danh nhân lịch sử họ Lưu. Đặc biệt, đoàn được các nhà sử học tin tưởng giới thiệu những kết quả nghiên cứu dày công của họ có liên quan đến họ Lưu và danh nhân họ Lưu Việt Nam. Tất cả các nơi đoàn đến gặp mặt và tìm hiểu đều còn lưu giữ nhiều tư liệu rất quí, cần có sự tin cậy và đặt vấn đề nghiêm túc thì họ mới cởi mở cho tham khảo. Chính nhờ vậy bước đầu đã phát hiện được 21 danh thần tiêu biểu của họ Lưu Việt Nam, được các triều đại trước kia ban sắc phong (Phụ lục số 1).

Ngoài ra, có một số chi nhánh họ Lưu có nguồn gốc khác xuất hiện ở Việt Nam, như có một số thái thú Trung Hoa sang cai quản Việt Nam, đã hình thành chi họ Lưu tại các địa phương do họ cai quản. Con cháu của họ tiếp tục định cư tại Việt Nam trở thành một dân tộc tiểu số (người Hoa) tại một số địa phương. Họ thông thạo về thương mại, bốc thuốc, dạy học và cũng tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm (kể cả giặc phương Bắc) bảo vệ đất nước. Ngoài ra, do hậu quả của cuộc nội chiến bên Trung Quốc, nhiều người Hoa từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc đã vượt qua đường biên giới phía Bắc sang định cư ở một số tỉnh phía Bắc (theo triền hai dãy núi Tam Đảo và Đông Triều). Một số qua đường biển vào định cư ở một số tỉnh phía Nam (người Minh Hương). Trong số hơn 800 nghìn người Hoa đang định cư tại Việt Nam [21], chỉ có một số người mang họ Lưu, phần lớn còn lại mang nhiều dòng họ khác.

Hiện nay, thông tin về các dòng họ Lưu toàn quốc còn tản mát. Bài viết này mới mang tính chất cung cấp thông tin ban đầu, cần thu thập nhiều hơn tư liệu từ các nguồn tư liệu của các dòng họ, cần tra cứu nhiều tư liệu lịch sử từ nhiều nguồn khác nhau. Từ đó, mới có thể có bức tranh tổng thể về Họ Lưu Việt Nam, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các dòng họ lại với nhau. Do vậy, tiếp tục cần có thời gian, công sức và nguồn tài chính để phối hợp với các nhà nghiên cứu chuyên môn, của các dòng họ Lưu ở các địa phương để làm sáng tỏ những vấn đề còn tồn nghi. Từ đó, có thể tiến hành phân tích, đánh giá về họ Lưu một cách tổng thể trong sự phát triển chung của đất nước và tổng hợp các mối liên hệ giữa các dòng họ Lưu thành Cây Phả hệ Lưu Tộc Việt Nam.  

PHỤ LỤC
Phụ lục 01:     QUAN ĐẠI THẦN, DANH TƯỚNG HỌ LƯU THỜI XƯA
               (Xếp theo lịch thời gian; Không kể các Tiến sỹ thi đỗ Đại khoa)
TT HỌ VÀ TÊN QUÊ QUÁN CHỨC QUAN THỜI GIAN
   1  Lưu Cơ  Ninh Bình  Thái sư Độ hộ phủ
 Khai quốc công thần, quan đứng đầu triều đình 
 Nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý
   2  Lưu Kế Tông    Giáp Quân, sau là Vua Chiêm Thành (984 – 989)  Nhà Tiền Lê  
   3  Lưu Ngữ  Thanh Hóa  Thái bảo  Nhà Tiền Lê
   4  Lưu Khánh Đàm  Thái Bình  Thái úy
 Khai quốc công thần
 Nhà Lý
   5  Lưu Ba (Lưu Điều)  Thái Bình  Thái phó
 Khai quốc công thần
 Nhà Lý
   6  Lưu Lượng  Thái Bình  Đại sư (Quốc sư)  Nhà Lý
   7  Lưu Vũ Xứng    Gián nghị Đại phu  Nhà Lý
   8  Lưu Trung  Thái Nguyên  Đại tướng (Cha của Lưu Nhân Chú)
 Khai quốc công thần
 Nhà Lê Sơ
   9  Lưu Nhân Chú  Thái Nguyên  Tể tướng
 Khai quốc công thần 
 Nhà Lê sơ
  10  Lưu Quận Tri  Nam Định  Tổng Minh Đô  Nhà Lê sơ
  11  Lưu Xuân Tín  Hải Dương  Thượng thư Bộ Công  Nhà Lê sơ
  12  Lưu Văn Tiên  Quảng Bình  Đại tướng quân, Chánh nhất phẩm  Nhà Lê, Mạc
  13  Lưu Thế Tán  Thanh Hóa  Thượng tướng quân;  Phương Quận Công  Nhà Lê Trung Hưng
  14  Lưu Thế Chân  Thanh Hóa Thượng tướng quân  Nhà Lê Trung     Hưng
  15  Lưu Thế Canh  Thnah Hóa Thượng tướng quân  Nhà Lê Trung Hưng
  16  Lưu Đình Thưởng  Thanh Hóa  Quận Công  Nhà Lê Trung Hưng
  17  Lưu Đắc Thái  Ninh Bình  Phấn dũng tướng quân  Nhà Lê Trung Hưng
  18  Lưu Bá Vinh  Ninh Bình  Đại tướng   Nhà Lê Trung Hưng
  19  Lưu Bá Vĩnh  Ninh Bình  Thiên Hộ tướng quân  Nhà Lê Trung Hưng
  20  Lưu Điệt  Quảng Bình  Tướng quân Cần Vương  Nhà Nguyễn
  21  Lưu Đức Xứng  Quảng Bình  Thượng thư Bộ Lễ, tướng quân Cần vương [22]  Nhà Nguyễn
 
Phụ lục 02:   DANH SÁCH CÁC NHÀ KHOA BẢNG LƯU TỘC VIỆT NAM
TT HỌ VÀ TÊN NĂM SINH NĂM ĐỖ QUÊ QUÁN HÀM VỊ GHI CHÚ
1

LƯU DIỄM

(Có tài liệu viết tên là Lưu Bính)

1232

(22t)
(*)
Xã Vĩnh Trị, huyện Hoằng Hóa (nay là thôn Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa), tỉnh Thanh Hóa Đỗ đệ nhất giáp (tương đương Trạng Nguyên), khoa thi Thái học sinh  Nhâm Thìn (cùng đỗ đệ nhất giáp với Trương Hanh) [6; tr.270] Còn có ghi là Lưu Bính. Đỗ đời vua Trần Thái Tông. Làm quan đến chức Đông các đại học sĩ. Em của Lưu Miễn, Viễn tổ của Lưu Thành
2 LƯU MIỄN 1239 Xã Vĩnh Trị, huyện Hoằng Hóa (nay là thôn Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa), tỉnh Thanh Hóa Đỗ thứ nhất, Đệ nhất giáp (tương đương Trạng nguyên) khoa thi Thái học sinh, năm Kỷ Hợi Đỗ đời vua Trần Thái Tông. Làm quan đến chức Tả tư mã, An phủ sứ lộ Thanh Hóa, tước Minh tư; có công trong việc đắp đê các nơi ở Thanh Hóa. Anh của Lưu Diễm, viễn tổ của Lưu Thành
3 LƯU THÚC KIỆM 1400 Làng Trạm Lộ, huyện Gia Bình, phủ Thuận An (nay là xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) Đệ nhất giáp (tương đương Trạng nguyên) khoa thi Thái học sinh, năm Canh Thìn  Đỗ đời vua Hồ Quí Ly. Cùng năm thi với Nguyễn Trãi (đỗ Đệ nhị giáp khoa). Làm quan đến Hàn lâm trực học sĩ. Do giỏi văn biện nên được giao soạn thảo văn bản với các nước.
4 LƯU CÔNG NGẠN 1463 Xã Khúc Lễ (có nơi chép xã Do Lễ), H. Thủy Đường, phủ Kinh Môn(nay là H. Thủy Nguyên), Hải Phòng Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Quí Mùi Đỗ đời vua Lê Thánh Tông. (Bia số 3-Văn Miếu)
5 LƯU HY 1478 Xã Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai (nay xã Văn Yên, thị xã Hà Đông), tỉnh Sơn Tây (Hà Nội)  Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, khoa Mậu Tuất Đỗ đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ 
6 LƯU HƯNG HIẾU 1456 1481
(22t)
Xã Lương Hà, huyện Vĩnh Linh (nay là huyện Vĩnh Lộc), tỉnh Thanh Hóa Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ đệ nhị danh (Bảng nhãn), năm Tân Sửu Đỗ đời vua Lê Thánh Tông. Đã từng được cử đi sứ. Làm quan đến chức Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, chưởng Hàn lâm viện sự. Tác phẩm còn 9 bái thơ chép trong TVTL
7 LƯU NGẠN QUANG 1457 1481
(25t)
Xã Viên Khê (nay là thôn Thanh Oai, xãĐông Anh), H. Đông Sơn, Thanh Hóa. Trú quán xã Ngọc Bôi, Đông Sơn, Thanh Hóa. Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Tân Sửu Đỗ đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Tả thị lang. 
8 LƯU DI QUYẾT 1481 Xã Như Phương, huyện Tế Giang (nay là thôn Phượng Thượng, xã Long Hưng), huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Tân Sửu Đỗ đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ
9 LƯU TÚC 1487 Xã Vũ Di, huyện Bạch Hạc (nay là thôn Vũ Di, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường), tỉnh Vĩnh Phúc Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Đinh Mùi Đỗ đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Thượng thư. Không chịu ra làm quan nhà Mạc, tử tiết
10 LƯU THƯ NGẠN 1490 Xã Đa Nghi, huyện Vĩnh Lại (nay là huyện Vĩnh Bảo), Hải Phòng Đệ nhất tiến sỹ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa), khoa Canh Tuất Còn có ghi là Lưu Ngạn Thư. Đỗ đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm viên thị chế
11 LƯU DỊCH 1463 1490 (28t) Xã Nại Châu, huyện Kim Thành (nay vẫn là Kim Thành), tỉnh Hải Dương Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, năm Canh Tuất Đỗ đời vua Lê Thánh Tông. Là hội viên hội Tao đàn. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo
12 LƯU THẮNG ÂN 1493 Xã Trạm Lộ, huyện Gia Định (nay thuộc xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, năm Quý Sửu Đỗ đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đô cấp sự trung. Cháu của cụ Lưu Thúc Kiệm
13 LƯU HÃNG 1476 1505 (30t) Xã Tu Lễ, huyện Sơn Minh (nay là thôn Tu Lễ, xã Kim Đường), huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (Hà Nội)  Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp), năm Ất Sửu Đỗ đời vua Lê Uy Mục. Làm quan đến chức Đông các 
14 LƯU VĂN NGUYÊN 1473 1505
(33t)
Xã Nhân Mỹ, huyện Từ Liêm (nay thuộc thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm), Hà Nội Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp), năm Ất Sửu Đỗ đời vua Lê Uy Mục; Cha là Lưu Hịch
15 LƯU KHÁI CHUYÊN 1518 Xã An Đê, huyện Đường An (nay thuộc huyện Bình Giang), tỉnh Hải Dương Đệ nhất tiến sỹ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa), năm Mậu Dần Đỗ đời vua Lê Chiêu Tông. Làm quan đến chức Hình bộ Hữu thị lang, về trí sĩ
16 LƯU DOÃN TRUNG 1526 Xã Vương Xá, huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh Đệ nhất tiến sỹ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa), năm Bính Tuất Đỗ đời vua Lê Cung Hoàng. Làm quan nhà Lê đến chức Thị Lang. Nhà Lê mất, không chịu ra làm quan nhà Mạc.
17 LƯU HỊCH 1526 Xã Nhân Mỹ, huyện Từ Liêm (nay thuộc thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm), Hà Nội Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp), năm Bính Tuất Đỗ đời vua Lê Cung Hoàng. Làm quan đến Hàn lâm hiệu lý. Con của cụ Lưu Văn Nguyện 
18 LƯU ĐỨC AN 1538 Xã Vũ Nghị, huyện Thanh Lan (nay là thôn Vũ Công, xã Vũ Thụy, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, năm Mậu Tuất Đỗ đời vua Mạc Đăng Doanh. Làm quan đến chức Thừa chính sứ 
19 LƯU ÚC 1552 1577 (26t) Xã Qui Tức,huyện An Lão (nay là thôn Qui Tức, thị xã Kiến An), TP Hải Phòng Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, năm Đinh Sửu Đỗ đời vua Mạc Mậu Hợp. Trước làm quan nhà Mạc, sau theo nhà Lê, làm quan đến chức Thị lang, từng đi sứ sang nhà Minh
20 LƯU ĐÌNH CHẤT 1566 1607 (42t) Xã Quỳ Chử Hóa (nay là thôn Quỳ Chữ, xã Hoàng Quỳ), huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa Đỗ Đình Nguyên, Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp), năm Đinh Mùi Đỗ đời vua Lê Kinh Tông. Đã từng đi sứ sang nhà Minh. Làm quan đến chức Tá lý công thần, Tham tụng, Hộ bộ Thượng thư, Thiếu bảo, tước Lộc quận công. Khi mất được thăng Thiếu sư. Tác phẩm hiện còn 19 bài thơ chep trong TVTL.
21 LƯU DANH CÔNG 1644 1670 (27t) Xã Phương Liệt, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Phương Liệt, quận Đống Đa), Hà Nội Đệ nhất tiến sỹ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên), khóa thi năm Canh Tuất Đỗ đời vua Lê Huyền Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm thị độc. Thọ 32 tuổi.   
22 LƯU THÀNH 1665 1712 (48t) Xã Vĩnh Trị (nay là thôn Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang), huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, năm Nhâm Thìn Đỗ đời vua Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Đông các hiệu thư
23 LƯU TIÊP 1742 1772 (31t) Xã Nguyệt Áng (nay là thôn Nguyệt Áng, xã Đại Áng), huyện Thanh Trì, Hà Nội Đỗ khoa Sĩ vọng; Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, năm Nhâm Thìn Đỗ đời vua Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị độc, Đốc trấn Cao Bằng
24 LƯU ĐỊNH 1746 1775 (30t) Xã Nguyệt Áng (nay là thôn Nguyệt Áng, xã Đại Áng), huyện Thanh Trì, Hà Nội Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, năm Ất Mùi Đỗ đời vua Lê Hiển Tông. Em của Lưu Tiệp. Đỗ cùng cụ Ngô Thì Nhậm (đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm 30t)
25 LƯU QUỸ 1811 1835 (25t) Xã Nguyệt Áng (nay là thôn Nguyệt Áng, xã Đại Áng), huyện Thanh Trì, Hà Nội Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, năm Ất Mùi. Sinh năm Tân Mùi, cử nhân năm Tân Mão (1831) Đỗ đời vua Minh Mệnh. Cháu nội cụ Lưu Tiệp, cháu họ Lưu Đĩnh. Thị giảng học sĩ. Lúc đầu làm Tri phủ Nam Sách, Hải Dương, rồi được về Kinh thăng bổ Giám sát ngự sử. Là người thẳng thắn. dám tâu việc can ngăn vua, đổi giữ chức Bình khoa chưởng ấn cấp sự trung. Nawmn Thiệu Trị 1 (1841), dâng sớ trình 10 sách lược trị nước, lại có điều trần về việc hải giới ở Bắc Kỳ, được thăng hàm Hàn lâm viện thị giảng học sĩ, sung Sứ quán Toản tu [19; tr.74]
26 LƯU VĂN BÌNH 1802 1853 (52t) Xã Cao Lao, huyện Bố Chính (nay là thôn Cao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch), tỉnh Quảng Bình Đỗ Phó bảng khoa Quí Sửu. Sinh năm Nhâm Tuất. Giám sinh Đỗ đời vua Tự Đức. Làm quan đến chức Hình bộ viên ngoại lang. Cha của Lưu Đức Xứng, ông nội của Lưu Vĩnh Kiến
Ghi chú: (*) Chữ số trong dấu ngoặc trong cột “NĂM ĐỖ” là tuổi đỗ Tiến sỹ.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Công văn xác nhận số CVTS/2013-047 ngày 19/12/2013 của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (thuộc Hội Nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam) theo đề tài nghiên cứu chuyên đề về Tuy Lộc Đại vương Lưu Cơ thời nhà Đinh, Tiền Lê của Hội đồng Khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam và Ban Biên soạn Tủ sách Hà Nội 1000 năm.
  2. www.cuocsongviet.com.vn/Họ Trịnh Thanh Hóa và Bản giới thiệu “Sơ lược Di tích đền Đồng Cổ”, di tích Lịch sử - Văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia.
  3. Lĩnh Nam chích quái, Tác giả Trần Thế Phát, do Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, Q. I
  4. http://quankhoasu6.blogspot.com/2012/08/quan do ho Trung Hoa ở Viet Nam (106 TCN-905).
  5. Gia Phả họ Lưu - Đề Trụ, xã Dương Quảng, Gia Lâm, Hà Nội.
  6. Đại Việt sử ký toàn thư (Trọn bộ), Nxb Thời đại, 2011.
  7. Lưu Tộc bi ký (Văn bia tại nhà thờ họ Lưu làng Nguyệt Áng), lập năm 1938 và Nguyệt Áng Lưu thị gia phả (bản chữ Hán), lưu tại Viện NC Hán Nôm.
  8. Hà Nội thời tiền Thăng Long; Tác giả Ts. Nguyễn Văn Việt, Nxb 2010.
  9. Đại vương ngọc phả lục (Phả đình thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) - Bản dịch năm của Nguyễn Đức Toàn; Bản sao chép chữ Hán lưu tại đình Đại Từ thờ Tuy Lộc Đại vương Lưu Cơ là Thành hoàng làng.
  10. http://vtc.vn/394-349760/phong-su-kham-pha/ly-ky-ngoi-mo-me-de-vua-dinh-tien-hoang-o-thai-binh.htm” - Phóng sự và khám phá “Ly kỳ ngôi mộ mẹ đẻ vua Đinh Tiên Hoàng ở Thái Bình” của Nhà Sử học Đặng Hùng (thì Lưu Cơ là một trong bốn tướng cùng Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Sát Công được phối thờ trong Miếu Lộc Thọ - “Miếu thờ Quốc Mẫu Thiềm Nương Hoàng Thái Hậu” và được thờ là bốn Thành hoàng làng Lộc Thọ, xã Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình.
  11. Bát Tràng - Làng nghề, làng văn; Chủ biên PGS. Ts. Bùi Xuân Đính; Nxb Hà Nội 2013.
  12. Le Royaume de Champa; Tác giả M. Georges Maspero, Paris et Bruxelles – Les editions G. Van Oest, MDCCCCXXVIII.
  13. www.vinhanonline.com/index.php?...vua-chiem-thanh/05 052009.
  14. Lưu Đại vương Ngọc phả (Bản dịch ngày 06/12/2009 của Nguyễn Tiến Đoàn), bản tiếng Hán lưu tại đền Lưu Xá (đền Nhị vị Lưu Đại vương).
  15. Phạm Minh Đức, Bùi Duy Lan “Đất và người Thái Bình”, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội, 2010.
  16. Hoàng Văn Lâu, Viện Nghiên cứu Hán Nôm “Về mộ chí Thái phó Lưu Khánh Đàm”, Thông báo Hán Nôm học 1996 (tr.165-171).
  17. Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú (Kỷ yếu Hội thảo khoa học); Sở VH-TT Thái Nguyên và Viện Sử học Việt Nam; Sở VHTT Thái Nguyên, 2001.
  18. Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, Nxb Văn học, 1993.
  19. Nguyệt Áng làng khoa bảng; Đảng ủy-HĐND-UBND xã Đại Áng; Nxb Hà Nội, 2011.
  20. “Hùng Vương Kim Ngọc bảo dám thực thục” do Cụ Lê Đức Đỗng, Nguyên Chủ tịch UBKCHC xã Lâu Thượng (huyện Hạc Trì, nay là TP Việt Trì) tỉnh Phú Thọ sưu tầm và dịch xong 13/7/1974.
  21. hppt://dantocviet.vn/Content.aspx?sitepageid=370, trang tin của Bộ VHTTDL.
  22. Lê Văn Sơn “Lê Mô Khải danh tướng thời Cần Vương, Nxb Thuận Hóa, 2002.
 
                                                                                   TS. LƯU VĂN THÀNH
 
 
 

[1]- Cả nước hiện nay phát hiện có 20 làng xã mang tên là Lưu Xá.
[2]- Có một điểm tồn nghi về năm mất của Thái úy Lưu Khánh Đàm: Theo Lưu Đại vương Ngọc phả [14] thì Thái úy Lưu Khánh Đàm mất năm 1058; nhưng theo chính sử: Toàn Thư [6; tr.229] là năm 1131 và theo mộ chí [16; tr.165-171] thì là 1161. Điều này cũng đã được đề cập trong Lý lịch di tích của đền.
[3]- Quyết định số 2785/QĐ-UBND tỉnh Thái Bình, ngày 13/12/2013.
[4]- Chính sử Việt Nam trước kia không hề nói về Hoàng tử Lý Long Tường di cư sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, gần đây GS Phan Huy Lê đã nghiên cứu và viết về hai họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc là Họ Lý Tinh Thiện từ thế kỷ XII và Họ Lý Hoa Sơn (Lý Long Tường) từ thế kỷ XIII.
TS. LƯU VĂN THÀNH


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)