Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 3/11/2012
E-mail     Bản in

LƯU QUÝ KỲ Hành trình vượt tuyến
Tôn trọng Hiệp định Gienève, vào lúc 0 giờ ngày 22.7.1954, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ra lệnh ngưng bắn trên toàn chiến trường Việt Nam. Từ ngày 19.8.1954, bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và Nam vĩ tuyến 17 lần lượt chuyển quân ra Bắc tập kết. Trong tâm thức của nhiều người, chỉ trong vòng hai năm tổng tuyển cử, đất nước thống nhất thì Nam - Bắc lại đoàn tụ một nhà. Nhà thơ Xuân Miễn có viết bài thơ Gói đất miền Nam, nói lên tình cảm của bà mẹ tiễn con đi tập kết thật cảm động: "Tiễn ra tận bến tàu/ Đưa con một gói đất nâu/ Vịn vai mẹ dặn:/ “Con về Thủ đô/ Đem dâng cụ Hồ/ Gói đất miền Nam/ Thưa dù núi cách, sông ngăn/ Đồng bào Nam bộ vẫn gần bên Cha/ Tình yêu thắm thiết đậm đà/ Nam là của Bắc, Bắc là của Nam...”

Tuy nhiên, do hoàn cảnh riêng tư của mỗi người, lúc ấy nhà báo, nhà hoạt động cách mạng Lưu Quý Kỳ đã thốt lên: “Thật là khó xử. Mang hai con theo chúng tôi tập kết ra Bắc thì má vợ tôi buồn. Mà để lại chúng trong Nam thì lòng chúng tôi đau như cắt”. Ông Kỳ là một trong những cây bút tiêu biểu của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong thời điểm tập kết ông đã trải qua cương vị chủ chốt ở Nam bộ như giám đốc Sở thông tin, giám đốc Đài tiếng nói, Chi hội trưởng Hội văn nghệ, chủ bút tạp chí Thống nhất - cơ quan Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Nam bộ, chủ bút báo Nhân dân miền Nam - cơ quan của Trung ương Cục. Giây phút bịn rịn người đi kẻ ở, mẹ vợ ông bảo:

- Bây giờ ta đánh thắng Tây rồi, chúng bây ra Bắc, có bạn có đôi có anh em bè bạn, có Cụ Hồ, có Chánh phủ mình... Chúng bay phải để hai đứa nhỏ ở lại với tao cho khuây khỏa tuổi già. Hai năm nữa, chúng bay về...

Vợ ông Kỳ buột miệng:

-Chắc gì hai năm về, hở má?

Thế là bà cụ vặn lại ngay:

-Chúng mày cũng chưa tin là hai năm, vậy mà chúng mày lại nói với tao “Má chịu khó, chỉ  hai năm thôi!”.

Trước lý lẽ này, vợ chồng ông Kỳ đành phải để hai con lại cho bà ngoại. Nước họ mắt ràn rụa. Sau này, ông nhớ lại: “Cùng với các bạn chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam bộ, bước lên xuồng để ra Sóc Trăng, tôi nhìn lên bờ kênh Phó Sinh qua một làn nước mắt. Không phải là thứ nước măt “sinh ly tử biệt” thường tình. Nó là sự pha trộn bao nhiêu thứ tình cảm lớn, nhỏ, vui, buồn, bực, giận. Đó là nước mắt của tình đồng bào, đồng chí, bạn chiến đấu. Trên bờ bao nhiêu người nhìn theo đưa cao hai ngón tay, hẹn hai năm sau”.

Lúc ấy mưa càng nặng hạt. Gió dập duyềnh trên bờ kênh. Nước lao xao như tràn vào be xuồng càng tạo thêm sự lưu luyến, bịn rịn không nguôi...

Bấy giờ, để thực thi nhanh chóng các điều khoản đình chiến, theo thỏa thuận chung thì máy bay Pháp phải chở một số cán bộ sĩ quan của ta từ Bắc vào Nam và ngược lại. Nhưng bất ngờ, chuyến bay từ Sài Gòn đến Sóc Trăng đột ngột bị bốc cháy, vì thế vợ chồng ông Kỳ và các sĩ quan khác phải quay về Cao Lãnh để ra Bắc bằng tàu thủy. Khi đến nơi, ông đã thấy chiếc tàu đổ bộ L.C.M của Pháp đang “há mồm” chờ sẵn tại bến. Đông nghẹt hai bên bờ là hàng vạn đồng bào đưa tiễn, họ phất phới cờ hoa và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Cả một rừng người kiêu hãnh cất lên tiếng hát Chiến sĩ Việt Nam trầm hùng: “Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời / Ngựa phi nơi xa kìa nghe súng vang / Bên trời điệu kèn rộn ràng/ Là trang nam nhi / Quyết chiến sa trường / Sống thác coi thường/  Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai / Bừng nghe dư âm mênh mông / Khúc anh hùng ca reo nơi biên cương / Bao chiến mã lên đường / Giục lòng dân quân thi can trường / Nguyền tranh đấu cho giống nòi...”. Cả ngàn bộ đội ta trong quân phục áo ka ki màu xanh lá cây nhịp nhàng hát theo và lần lượt xuống tàu, chuẩn bị xuôi dòng Cửu Long ra Thái Bình Dương. Bỗng ông Kỳ nghe tiếng gọi với theo:

-Xuống tàu của tụi nó, phải đề phòng kỹ nghen!

Chuyện bất trắc gì sẽ xẩy ra? Đêm ấy, cũng như các đồng đội khác, ông Kỳ không thể ngủ được. Họ ôm súng giữa ngực và chăm chú đọc sách báo với thái độ cảnh giác. Ông Kỳ quan sát thấy trong đám lính Pháp có một người ra vẻ đăm chiêu, bỗng y tách khỏi đồng bọn và lẩn vào chỗ bộ đội như muốn nói một điều gì đó. Thấy lạ, một đại đội trưởng của ta đã nhanh chóng bố trí cho y đến gặp ông Kỳ. Y nói trong vội vã:

-Các anh hãy coi chừng! Trong tàu này có ba người Việt Nam, nhưng không thuộc cánh các anh. Họ ngồi đằng sau mấy cái lỗ tròn để theo dõi các anh đấy!

Ông Kỳ giật mình! Cuộc chiến đấu rõ ràng vẫn chưa chấm dứt.

Khi tàu đến Vũng Tàu, bộ đội ta được chuyển qua tài “Gatscônhơ” của Pháp. Nhưng ngay lúc này, lại diễn ra một sự việc bất thường. Không hiểu sao, bữa ăn hôm ấy bộ đội ta lại thiếu một bữa ăn. Có thể do nhà bếp vô tình (?) hay đây là một sự cố ý của phía Pháp? Đại diện của ban chỉ huy ta gặp đại điện phía Pháp phản đối. Cuộc tranh cãi kéo dài mấy tiếng đồng hồ liền, nhưng điều khiến cho Pháp phải ngạc nhiên là cả ngàn bộ đội vẫn chấp hành kỷ luật, không một ai to tiếng. Thậm chí khi binh lính Pháp  chìa bánh mì, xúc xích, dăm bông... ra mời thì tất cả đều từ chối lịch sự. Tàu “Gatscônhơ” vẫn lặng lẽ hướng ra phía Bắc. Nhiều sĩ quan Pháp bày tỏ sự ngạc nhiên, họ không hiểu vì sao sự việc trên rất dễ xẩy ra “va chạm”, nhưng bộ đội Cụ Hồ vẫn bình tâm, không “manh động” ồn ào...

Ba giờ sáng hôm sau, trong lúc đang ngủ say thì bộ đội ta được đánh thức dậy. Chuyện gì nữa đây? Một chiến sĩ của ta vừa từ trần, vì bệnh đau dày và do vết thương trong chiến đấu. Ông Kỳ nhớ lại: “Chúng tôi chưa qua được cơn đau buồn thì một sự công phẫn đã đến với chúng tôi: bọn chỉ huy Pháp đòi ném xác đồng đội tôi xuống biển! Bọn chúng lấy lý lẽ là luật quốc tế không cho phép để xác chết trên tàu quá hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Còn bốn hôm nữa tàu mới đến Sầm Sơn”.

Trước tình huống bất ngờ này, bộ đội ta sẽ giải quyết như thế nào?

Bằng mọi cách phải giữ lại xác của người chiến sĩ, anh phải được ngủ yên trong lòng Đất Mẹ. Đây không chỉ là “nghĩa tử nghĩa tận”mà còn là chủ trương lớn của Quân đội Nhân dân, vì nhân dân chiến đấu. Ban chỉ huy họp khẩn trương và đề ra ba biện pháp: Thứ nhất, đấu khẩu với chúng và chuẩn bị đội ngũ sẵn sàng chiến đấu; thứ hai, huy động lực lượng bộ đội ta tạo áp lực buộc chúng phải chùn tay; thứ ba, nếu chúng vẫn giữ ý định, xông vào cướp xác thì tùy tình hình mà đối phó, nếu cần, sẽ sẵn sàng nổ súng!

Cuộc thương lượng giữa đôi bên rất căng thẳng.

Nếu Pháp có cái lý là phải tuân theo luật pháp quốc tế và không nên vì một xác chết mà làm bùng cháy lại ngọn lửa chiến tranh; thì bộ đội ta cũng có cái lý bác bỏ lập luận trên, rằng dù luật quốc tế gì đi nữa thì cũng không thể vượt qua tình đồng đội, đã từng sống chết có nhau. Thật vậy, trong chiến tranh công tác thương binh tử sĩ của quân đội ta rất chu đáo,  dù bất cứ một lý do gì, khó khăn gì cũng phải đưa đồng đội về nơi chôn cất tử tế. Sau nhiều giờ “đám phán”, phía Pháp đành phải nhượng bộ. Chúng  bất ngờ khi chứng khiến, chỉ ngay sau đó, người chiến sĩ này đã được yên nghỉ trong chiến quan tài đóng bằng ván, trên phủ lá cờ đỏ sao vàng do những bàn tay khéo léo của đồng đội anh thực hiện.

Dăm ngày sau, tàu “Gatscônhơ” đến Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào lúc 11 g đêm. Tàu thả neo cách bờ chừng năm, sáu cây số. Mọi người ngạc nhiên khi thấy có nhiều thuyên nhỏ, đèn đuốc sáng choang đang lao ra. Thì ra, biết bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, đồng bào đã chủ động hân hoan ra đón. Lúc này một vấn đề khó khăn khác đặt ra trước mắt: đưa bộ đội lên bờ phải thể hiện được tình cảm đoàn kết Bắc Nam, nhưng làm sao đồng thời cũng thể hiện được tình cảm đồng đội với người chiến sĩ vừa mất? Cuối cùng mọi người thống nhất với ý kiến: khi đoàn sà lan đưa bộ đội lên bờ thì chiếc quan tài tiến lên trước, còn bộ đội lần lượt bước theo sau.

Đặt chân lên đất Bắc, trong tình cảm yêu thương ruột thịt của đồng bào miền Bắc, cũng như nhiều bộ đội khác ông Kỳ tự nhủ: “Có thật hai năm không? Nhưng mà tôi nghĩ rằng chuyến tập kết này là chuyến đầu tiên mà cũng là chuyến cuối cùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam ta. Nước ta là một. Nam Bắc phải chung một nhà”.

Đây cũng là suy nghĩ của nhiều người.

21 NĂM: CHIA LY & HỘI NGỘ

7.600  NGÀY MỒ CÔI

Ngoại vừa đi “hóng chuyện” về, kêu hai chị em lại: “Tao nghe nói mai trên Sài Gòn làm lễ mừng chiến thắng lớn lắm. Có cả cán bộ ngoài Hà Nội dzô. Hay thằng Triều chạy xuống đó hỏi thăm tin tức ba má tụi bây coi sao”.

“Trời! Quá xá người, biết ai mà hỏi hở ngoại? Mà hỏi liệu người ta có biết ba má con là ai không?”. Giọng ngoại tôi có vẻ bực mình: “Lớn rồi mà sao ngu quá! Thì cứ nói ba tui là nhà báo tập kết hồi năm 54, tên Lưu Quý Kỳ. Có ba có má mà không biết đi tìm”.

Chị hai tôi nãy giờ im lặng giờ mới cất tiếng, giọng tủi hờn: “Ba má bỏ tụi con mà đi biền biệt. Giờ về, có thương có nhớ thì ba má phải đi tìm tụi con chứ”. “Con Hà đừng nói tầm bậy, cha mẹ nào mà lại không thương con. Biết đâu ba má tụi bây cũng đang đi tìm kiếm nhưng không nhớ nổi nhà mình thì sao”. 
Rồi ngoại chuyển giọng, đổi cách xưng hô, như mọi lần khi bộc lộ tình cảm: “Hai đứa con biết không, từ hôm giải phóng đến giờ không đêm nào ngoại ngủ được. Ngoại cứ thầm cầu Trời khấn Phật sao cho sớm gặp lại ba má tụi con. Ngoại sắp 70 tuổi, cũng gần đất xa trời lắm rồi. 21 năm, ngoại cực khổ biết bao nhiêu nhưng không nề hà, chỉ mong cái ngày gia đình mình sum họp vui vầy là ngoại yên tâm nhắm mắt”.

Giọng ngoại nghẹn lại, nước mắt từ từ chảy ra trên gương mặt nhăn nheo. Cả hai chị em tôi không bảo mà cùng nhào tới ôm ngoại và... khóc.

Không biết ở độ tuổi lớn khôn nào đó chị Lưu Hà và tôi bắt đầu biết lờ mờ về lai lịch của mình. Theo lời ngoại, đâu cuối tháng 9-1954 bà được ba má tôi nhắn xuống Cà Mau gấp. Như thường lệ, bà mua vội một ít quà rồi tất tả ra đi. Mấy ngày ấy trời mưa liên tục và lòng người cũng không ngớt tuôn mưa. Bên dòng kênh Phó Sinh (huyện Sử), chốc chốc má tôi lại ôm chầm lấy mẹ, siết chặt hai con, nước mắt ràn rụa.

clip_image001_a

Bức ảnh chụp hai chị em (đang được bồng) trong khu kháng chiến vài ngày trước khi ngoại xuống đón về - cuối tháng 9-1954. Trong ảnh chỉ có người cha (đứng thứ sáu từ phải sang), còn mẹ không chịu ra chụp vì quá buồn rầu - Ảnh tư liệu.

Ngoại tôi cũng khóc, nhưng là mẹ nên phải ra sức vỗ về con mình: “Nín đi con, hai năm không là bao”. “Nhưng chắc gì hai năm về hở má?”. Má tôi nói và càng tuôn nước mắt. Lưu luyến, bịn rịn mãi rồi cũng đến lúc ngoại cắn răng, gạt nước mắt, tay ôm đứa cháu trai nhỏ 1 tuổi, tay dắt đứa cháu gái 3 tuổi đi lạch bạch xuống xuồng trở về... Và với một người đàn bà tuổi gần 50 như ngoại ngày ấy, hẵn đã phải nhiều vất vả, lo toan  khi phải trở thành một người mẹ đơn thân, cùng hai con bé bỏng.  

Trong khoảng sâu ký ức của mình, tôi chỉ lờ mờ nhớ rằng khi còn bé tối ngủ bao giờ ngoại cũng nằm giữa hai chị em tôi. Bà ru giấc ngủ hai cháu không phải bằng các câu chuyện cổ tích mà thay vào đó là những bài kinh Phật mà bà thường xuyên tụng ở tịnh xá Ngọc Bửu vào các ngày rằm.

Căn nhà gỗ lợp ngói rộng lớn ở ngã ba Thành, thành phố Biên Hòa (nhà hương hỏa bên ngoại) thường xuyên chỉ có ba bà cháu với nhau. Ngoại tôi là người đàn bà đơn côi, có con nhưng lại không chồng. Câu chuyện buồn đời bà, mỗi khi chúng tôi hỏi, bà luôn nạt lớn cho qua chuyện.

Không có nghề nghiệp gì, nay thêm hai miệng ăn , ngoại càng phải ra sức “lặn lội thân cò”.  Bà chạy chợ khắp nơi , từ miền Đông, xuống miền Tây, rồi men đến biên giới Campuchia  để mua đi bán lại đủ loại hàng hóa từ mắm, khô, cá... cho đến nhan đèn,  xà bông mỹ phẩm… Những ngày ngoại đi vắng, hai chị em tôi cứ lê la “ăn chực, ăn chờ” ở  nhà ông bà Sáu-em của ngoại hoặc một vài nhà hàng xóm tốt bụng.  Những ngày ấy, chị em chúng tôi cứ chạy rong cho đến khuya mới về , vì sợ phải ở trong ngôi nhà vắng vẻ.  Có những  đêm hai chị em nằm thu mình lại trong cái mền phủ kín đầu, thấp thỏm chờ đợi một tiếng guốc vọng vang ngoài cửa.

Tuổi thơ của hai chị em tôi cứ vậy như cây hoang, cỏ dại. Bạ ai chơi đó, bạ đâu ăn đấy. Bảy, tám tuổi tôi đã biết kết bè kết bạn ra vựa trái cây, đứa đi trước lấy tay gạt trái cam, trái quít rơi xuống, đứa sau vờ thản nhiên đi tới dùng chân đá mạnh tới trước cho đứa kia nhặt... 9, 10 tuổi tôi đã lận lưng bộ bài nhỏ xíu đi đánh cắctê kiếm tiền ăn bánh mì, uống xirô... 
Cũng chẳng biết tuổi thiếu niên của tôi rồi sẽ ra sao, nếu như một ngày kia trước sân nhà tôi không đổ xịch một chiếc xe Jeep và bước xuống là một ông đại úy mặc quân phục láng coóng.

 Góc tối đời tôi

Ông đại úy đó chình là một người em họ của ba tôi. Khi về đóng quân ở Biên Hòa ,nghe loáng thoáng có hai đứa cháu họ đang sống cù bơ cù bất nơi đây, ông đã bỏ thời gian dọ hỏi,tìm kiếm.Lần ấy ,ngoại vui mấy ngày liền Không phải vì số tiền  chú gửi lại cho hai cháu ăn quà mà vì nghe chú nói ba tôi còn 3  người em ruột đang sống trong Nam,.Ngoại  bảo:"Ông bà xưa nói Sảy cha còn chú.Tao chỉ mong chú tụi bây – có người là hiệu trưởng sẽ nhận nuôi dạy cho tụi bây học hành tử tế,nên người.".

Sau cuộc gặp chú họ tôi ít lâu thì chú Dũng em út của ba tôi tìm đến nhà.. Hai chị em được chú đưa đi chôi công viên,được chụp hình ,được xem phim và cả được ăn phở - món xa xỉ phảm đối với tôi hồi ấy.Chú Dũng giúp ngoại tôi liên lạc được với chú  Chiểu ,cô Hạnh..Để rồi có một ngày, bà tôi  ôm chặt hai cháu vào lòng, hôn lấy hôn để, thì thầm dặn dò:Xa hai con ngoại cũng đứt ruột đứt gan lắm, nhưng ở đây ngoại chẳng lo nỗi đầy đủ cho hai con.Thôi thì lên đó,hai con liệu đường mà sống. Phải ngoan ngoản,chịu nghe lời  chú thím để mà yên thân ăn  học nghe các con... 5 giờ sáng Sài Gòn  còn mờ tối, hai chị em tôi lếch thếch xách túi leo lên xe đò ,bắt đầu một cuộc hành trình mới .

clip_image002_a

(Lưu Đình Triều  và chị Lưu Lưu Hà cùng chú Dũng ở bờ sông Biên Hòa trước ngày lên Ban Mê Thuộc- nguồn ảnh : báo  Việt Nam News)

Chú tôi là hiệu trưởng của .trường tiểu học lớn nhất thành phố Ban Mê Thuộc và có mối quan hệ rộng.Ông làm giấy thế vì khai sinh cho chúng tôi với hai người chứng hẳn hoi.Tên tôi vẫn thế ,nhưng ngày tháng năm sinh thì không phải  đúng cái ngày  "đình chiến Triều Tiên" và tôi bị lớn hơn tuổi thật của mình một tuổi. Chị tôi cũng mang một ngày sinh hoàn toàn xa lạ, chỉ có năm sinh là đúng.Nơi sinh của chị em chúng tôi cũng không là rừng U Minh hứng chịu nhiều bom đạn trong kháng chiến mà là xã Bình Trước Thành phố Biên Hòa, Ba má tôi đều bị sửa tên, bỏ dấu  Kỳ thành Ky, Lựu thành Lưu và cả hai đều "đã ra"người thiên cổ.

Dẫu sao chuyện ấy với tôi lúc đó không quan trọng.. Điều chủ yếu là hai chị em đã có giấy tờ hẳn hoi để sau này có thể làm căn cước. Cô Hạnh  là giáo viên tiểu học và việc thể hiện tình yêu cháu đầu tiên là kềm cặp ôn tập ,giúp cháu lấy lại những kiến thức căn bản. Hai chị em sau đó đều thi đậu vào trường trung học công lập Ban Mê Thuột và một giai đoạn mới trong đời tôi thật sự mở ra từ sinh hoạt cho đến học hành. Như những đứa con của các gia đình nề nếp, chúng tôi có một cuộc sống rất là tươm tất.Sáng dậy sớm hít hít thở thở cái không khí trong lành của phố núi ngay trước sân nhà ,sau đó là đánh răng rửa mặt. Xấu hổ thật,qua tuổi lên mười rồi, tôi mới cầm đến cái bàn chải đánh răng, mới biết dùng khẳn lông riêng cho vào chậu nước để lau mặt.

Còn hồi ở Biên Hòa? Chỉ cần vài ngụm nước cho vào miệng sàng  qua sàng lại ,nhổ toẹt .rồi lấy tay vốc nước trong lu quẹt sơ qua cái mặt thế là xong).Tôi cũng bắt đầu làm quen với việc ăn sáng trước khi đến trường.cũng như việc ủi quần áo thẳng nếp khi đến lớp.Ngoài giờ đến trường, tôi không còn được chạy rong ngoài đường phố, mà ru rú trong nhà  phụ làm những việc linh tinh ,rồi ôn tập bài vở ,đọc truyện dưới sự chỉ dạy của cô Hạnh. Từ một học sinh lèn nghèn ở tiểu học, tôi đã thành  học sinh giỏi luôn đứng trong  top 5 của lớp. Sự rụt rè,nhút nhát ít nhiều cũng vơi bớt khi tôi được cùng với con trai lớn của chú Chiểu tham gia hướng đạo.Những sáng chủ nhật luôn là những buổi sáng rộn rã lòng tôi. Khu công viên,rừng cây ven thành phố,thác nước...là nơi tôi bù đắp niềm vui cho đời mình bằng những trò chơi tập thể lớn, nhỏ đầy hấp dẫn.Chiều tối chủ nhật ,hai chị em tôi hay được cô Hạnh đắt đi phố , ăn kem, xem phim...

Những lá thư gửi về cho ngoại, thôi dần  lời thở than.. Và mỗi lần gửi thư đi tôi đều hình dung ra gương mặt cùng nụ cười móm mém của ngoại khi đọc thư-bà hẳn là vui lắm khi chúng tôi được ăn học vui chơi tử tế.Thế nhưng như cách nói của ngoại: Phần số của ngoại chắc bị nặng nợ với hai đứa tụi con...",nên giữa năm  đệ ngủ (lớp 8) chi em chúng tôi lại thu xếp đồ đạc quay về sống với bà.Chú Chiểu  bị động viên vào lính.Cô Hạnh  lấy chồng là công nhân ở Sài Gòn....

Cuộc tái ngộ Biên Hoà lần này dù sao cũng ít nhiều thuận lợi .Bên ngoại  bán đất hương hỏa.Bà tôi được chia một số tiền kha khá ,đủ xây một căn nhà gạch,gác gổ và còn đủ tiền mua cho hai chị em  chiếc xe gắn máy PC để đi học.(Do chuyển trường ngang giữa niên học nên muốn tiếp tục học công lập ,chúng tôi phải về trường Trung học công lập huyện Dĩ An -cách Biên Hoà 13 cây số ).Cậu ba  mãn hạn quân dịch,về làm giáo viên thể dục,lấy vợ. Chuyện cơm nước,nấu nướng cũng ổn định nhờ bàn tay mợ.Hai chị em  tôi đã có cái nền học tương đối vũng chắc chỉ cần giữ lấy cái nề nếp học ở Ban Mê Thuột là đủ làm học sinh khá.Thời gian này, không biết có phải do gien di truyền không mà tôi rất mê đọc báo.Chiều chiều,tôi hay ra cái sân xi măng bên cạnh đầu hẻm, phụ lồng xếp báo cho sạp báo và sau đó ngồi ngay tại chỗ tha hồ đọc

Lần đầu tiên trong chuổi thời gian đọc báo "ké", một lần ,tôi đã dám  bỏ tiền ra mua riêng một tờ báo đem về nhà đọc to cho cả nhà nghe. Đó là tờ báo Sóng Thần với bài viết  của một nữ ký giả Ý viết về cuộc sống ở Hà Nội, sau chuyến đi thực tế của bà.Trong bài viết ấy cái tên Lưu Quý Kỳ được nhắc tới hai lần. Một nhà báo có tên tuổi, lại là người phụ trách công tác báo chí của Đảng,ở nhà biệt thự (thật  ra là một biệt thự cũ của Pháp ,có hai hộ gia đình cùng ở), lại  có người giúp việc (đúng  ra là một ngừời bà con xa của cha mẹ tôi), đi làm có xe đưa đón... Cả nhà không hề chú ý hay nói đúng hơn là không đủ trình độ hiểu rõ ý định tuyên truyền của bài báo ấy mà chỉ chăm bẩm vào một điều: ba má tôi sống sướng quá. Ngoại lầm bầm: ba má tụi bây được như vậy mà có bao giờ nhớ đến hai đứa con sống nheo nhóc trong này không?

Dẫu sao đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi có chút thông tin về cha mẹ mình, quan trong hơn là biết được hai người  vẫn còn sống.và  còn có thêm hai đứa con gái .Theo dòng thông tin rầm rộ  nói xấu miền Bắc chảy liên tục trên báo chí Sài Gòn hồi ấy,chuyện  về ba má rồi cũng rơi vào quên lãng ,đọng lại chăng là một nỗi niềm băn khoăn trong đầu óc non nớt chính trị của tôi:Vì sao ba má tôi lại đi theo Việt Cộng?...

Kỳ thi Tú Tài I là một kỳ thi căng thẳng hồi ấy,nhưng cả hai chị em chúng tôi đều vượt qua được.Chúng tôi vào học lớp đệ nhất ở trường Ngô Quyền,cách nhà chỉ hơn 1 cây số,.Mùa tựu trường  năm sau ,ngoại  tôi chạy đến hầu hết nhà người quen  khoe rần: “thằng Triều đã vào đại học, con Hà thì đi học làm cô giáo.(để sớm có lương phụ ngoại nuôi em ăn học).Đời tôi vậy là sung sướng lắm rồi” .Bà có ngờ đâu đúng một năm sau đó niềm vui ấy bị tắt nghẻn nửa chừng.

1972, mùa hè đỏ lửa bùng nổ.Trước sự tiến công mạnh mẽ của quân giải phóng,lực lượng quân đội Sài Gòn  hao tổn khá nặng.Chính quyền Thiệu tạm đóng cửa các trường đại học ,hạ  bớt tuổi được hoãn quân dịch của sinh viên. Tôi giờ mới nhận ra bi kịch trong chuyện làm giấy thế vì khai sinh ngày trước.Với cái tuổi giả lớn hơn tuổi thật dù chỉ 1 tuôỉ, cũng đủ buộc  tôi ngưng học.Ngoại tôi lại có những đêm mất ngủ": Ông trời sao quài ác, đẩy thằng Triều vào cảnh cầm súng chống lại cha mẹ mình.?! "Một cuộc  hội ý nho nhỏ diễn ra.Hay là tìm chỗ trốn lính? Nhưng ở đâu bây giờ? Lở bị bắt ,bị đưa ra tòa án binh,bị đưa đi làm lao công chiến trường thì cũng tiêu đời. "Thôi thì đành phải đi và với mắt mũi tèm nhèm như con( hai mắt đều cận 5 độ)chắc tụi nó không bắt con ra trận,cầm súng bắn nhau.đâu". Bà thút thít nói một cách đơn giản mà không lường định hết mọi chuyện. Chỉ trong thời gian huấn luyện ở trường sĩ quan dự bị Thủ Đức., tôi đã nhận ra ngay sự ngộ nhận đó

.Trong trường lềnh khênh người mang kiến,có người còn nặng diop hơn tôi.Lúc đó toàn là dân sinh viên cả mà.Mùa mua năm sau với đôi ve chai khá nặng trên mặt tôi vẫn bị tống về một sư đoàn bộ binh ở miền Tây.Đi qua những ngày nắng cháy da,những đêm mưa ẩm ướt,cho dù thuộc nằm lòng câu của ngoại -nhớ không được bắn vào phe ba má mày,tôi cũng không thể thoát ra ngoài những trận đánh đầy hiểm nguy,những cuộc hành quân vất vả chán chường mà nhiều lúc tôi chỉ mong ước sao cho bị thương khá nặng đủ để giải ngủ ,về đi học tiếp.Nhưng sau một vài lần suýt chết , những vết thương mà tôi nhận lãnh chẳng khác gì  những cú leo trèo,té ngả thuở nhỏ.Dẫu sao chúng cũng giúp tôi cuối năm 1974 có cớ để xin chuyển về ngay Biên Hòa chăm lo cho người giám hộ (tức ngoại) nay đã già.Để rồi vài tháng sau,,khi tin xe tăng quân giải phóng đã về tới Long Thành ,tôi vội  trút bỏ bộ đồ lính ở luôn tại nhà i.Ở- với sự thấp thỏm lo âu về tin đồn một cuộc tắm máu sẽ xảy ra và tôi là một trong những đối tượng.bị nhắm đến . Ở -với niềm hy vọng le lói: rồi sẽ được gọi tiếng ba , tiếng má đầu đời.

Cuộc đoàn tụ một nửa

Sau một buổi sáng chạy lòng vòng trên Sài Gòn hỏi thăm tin tức ba má không kết quả ,tôi trở về nhà ăn qua loa tô cơm nguội ,rồi leo lên võng nằm nghỉ lung tung và thiếp đi lúc nào không hay.Bất chợt một bàn tay đập vào người tôi:Em ơi ,dậy đi ,dậy đi..Hình như ba về rồi  kìa!Tôi bật ngay dậy,chỉ kịp quơ lấy chiếc áo và phóng vội theo chị tôi xuống nhà..

Trên cái sân nhỏ ,bên cạnh giếng nước,dưới gốc cây khế, là một người đàn ông  ,đội  nón cối mặc chiếc áo tetoron 3 túi,sọc nhạt.,dáng cao gầy khắc khổ.Chị em tôi dứng sửng lại  ..Từ lúc đi học, tôi đã biết một năm có 365 ngày. Một ngày có 60 phút ,Nhưng giờ đây tôi mới hiểu ra có những phút dài như  chục năm - chính xác là 21  năm, đọng lại .. Hồi hộp ,ngỡ ngàng..Rồi người đàn ông cất tiếng hỏi chị tôi :"Phải là Lưu Hà không?". Dường như chỉ chờ có thế Chị tôi nhào tới ôm chầm lấy ông, kêu lên thảng thốt :"Ba"!rồi òa khóc ngon lành.

Bao lần tôi đã nằm tưởng tượng ra  cảnh hội ngộ này và nghĩ rằng lúc ấy tôi  sẽ hét vang cái tiếng gọi mà tôi  khát thèm hàng chục năm trời"Ba ơi!Má ơi!".Rồi tôi cũng sẽ oà khóc như bao ngày xưa đã khóc vì nỗi khổ thiếu mẹ vắng cha..Vậy mà lạ thay giờ đây có điều gì đó như chặn ngang cổ họng, tôi chỉ biết chạy tới ôm lấy cánh tay ba ,mân mê,lòng xốn xang,mừng mừng ,tủi tủi..

Chúng tôi  đưa ba vào nhà ,ngồi chưa  nóng chỗ thì ngoại  từ đâu chạy vê, chẳng kịp tháo chiếc nón lá trên đâu ra đã ôm lấy ba , nức nở :Chín ơi (tên gọi của ba tôi trong chiến khu) về thật rồi đó... hả con.- Dạ thì con lại về như đã hứa với má đây.Nén xúc động ba cố chuyển sang giọng vui vẻ :Nhà mình sum họp rồi lẽ ra má phải mừng vui chứ sao lại khóc..Ngoại đưa tay gạt nước mắt:Tại má sung sướng quá .Chín ơi, 21 năm qua ,giấy tờ của hai đứa con mày ghi là cha chết mẹ chết.Giờ mày về đây là coi như mày sống lại và hai đứa con mày không còn là con mồ côi. Bất chợt ,ngoại buông ba tôi ra,mắt nhìn thẳng, cất tiếng hỏi bằng giọng hoài nghi và lo sợ: "Ủa mà sao con về một mình vậy. Má con Hà thằng Triều đâu?". Ba tôi chắc hiểu nỗi lo vu vơ của ngoại cười tươi:"Dạ,con có công tác nên vào trước.Nhà con rồi sẽ vô sau. Má yên tâm đi ,cả nhà mình dần dần  sẽ đoàn tụ đầy đủ". Rồi ba mở chiếc sắc cốt đeo bên mình,lấy ra chiếc máy ghi âm nhỏ :Bây giờ má nghe con gái má nói chuyện nhé

Má ơi .Con Hai của má đây...(Tiếng thút thít) Hơn 20 năm rồi má vẫn mạnh khoẻ hở má.Còn 2 đứa con của con ...(Khóc, chựng lại một lúc) Lưu Hà ,Đình Triều đang  có  nghe má nói không tụi con?Bao năm qua,lúc nào lòng ba má vẫn hướng về tụi con...(Thút thít)Má luôn nhớ hồi má đang sanh Lưu Hà ,giặc ném bom ,người ta khiêng cả 2 mẹ con chạy xuống hầm ,chẳng kịp cắt cuống rún cho con...Còn Đình Triều cái ngày ba má đi con còn chưa biết nói ...Mà thôi các con ơi bây giờ nước nhà mình là một rồi ,cả nhà mình sẽ ở bên nhau…

..Em là Lưu Tuyết Hà em út của chị Hai, anh Ba.Em đang học lớp 7. Còn chị Lưu Thu Hà nữa,đang đi học ở Bungari rồi..Ngoài này lúc ăn cơm ba má cứ hay nhắc anh chị suốt .Ba má lo không biết trong đó anh chị có được ăn uống đủ chất không ,vì hồi sanh anh chị trong rừng nên anh chị thiếu chất lắm...À,tụi em cũng có xem ảnh anh chị hồi nhỏ đấy.Từ hôm giải phóng đến giờ anh chị biết bài hát nào mới chưa. Em và con Thảo -con chú thím Tân đang sống cùng nhà mình vì chú thím đi công tác dài hạn ở nước ngoài mà-hay hát lắm.Để bọn em hát cho anh chị nghe nhé....Sài Gòn đó quê ta ơi trong biển lửa vẫn ngời ngời. Ta đi như sóng căm hờn dâng trào xô lên trên xác quân thù hung bạo.Giành một mùa xuân tươi sáng khắp miền Nam (Sài Gòn quật khởi - nhạc Hồ Bắc)

Tim tôi như thắt lại."Một quân thù  đang đứng cạnh ba đây. Ba có biết không?Có căm hờn nó không?Từ giờ phút đó niềm vui hội ngộ trong tôi tụt giảm hẳn.Nỗi lo âu ,phập phồng , thấp thỏm.trào dâng...

 clip_image003_a

15-5-1975, giờ phút hội ngộ đầu tiên sau 21 năm xa cách giữa cha với hai con cùng họ hàng bên ngoại.
Trong ảnh: Bà ngoại, chị Lưu Hà (từ trái sang), cha và con trai (từ phải sang)

Ba  kêu đưa đi một vòng trong nhà ,xem nơi ăn chốn ở của hai đứa con ba ra sao?Khi chị Hà chỉ chiếc ghế bố đang xếp dựng ở vách nhà và giới thiệu đó là chỗ ngủ của tôi,ba buột miệng:"Chà thiếu úy mà ngủ như vầy sao?" Tôi điếng người.Hóa ra ba tôi đã biết mọi chuyện.Làm sao ba biết lẹ thế.Từ đầu đến giờ nào có ai đề cập đến chuyện tôi đi lính đâu.?Định chọn lúc thuận tiện hỏi thử ba điều ấy thì đã đến ba  phải về Sài Gòn dự một  cuộc họp. Ba hẹn ngày mai sẽ xuống đón hai chị em  lên ở với ba vài ngày.

Cứ ngỡ chỗ ở của ba  là một doanh trại bộ đội nào đó hóa ra lại là khách sạn Continental--một nơi nổi tiếng sang trọng của Sài Gòn cũ mà cả hai chị emchưa hề một lần đặt chân đến.Ba giải thích vì đi trong đoàn,có cả những nhà báo nước ngoài nên bố trì ở đấy cho thoải mái .Mang tiếng là ở với ba ,chứ 4 ngày liền,ngoại trừ các bữa ăn chung ,còn ba tôi đi suốt..Ba đưa chúng tôi một đống sách báo và bảo xem để biết thêm về miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên được sống trong một căn phòng lớn đầy đủ tiện nghi,nên chúng tôi cứ như nhà quê ra tỉnh.Hết sờ mó bàn ghế lại thử tắt bật đèn chùm ,máy lạnh. Có buổi hai chị em tò mò kéo ngăn bàn làm việc ra và nhìn thấy những tấm danh thiếp của ba. Chị tôi đọc, kêu lên Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam ,Vụ trưởng vụ báo chí Ban tuyên huấn Trung ương,vậy là chắc ba cũng làm lớn em há. Làm lớn mà chi chị khi có đứa con sĩ quan ngụy thì càng khó ăn khó nói.Xì!.Em cứ mặc cảm hoài.Do hoàn cảnh đẩy đưa chứ có phải em muốn đi lính đâu.Ba có tiên liệu  thì hồi đó dắt tụi mình theo luôn đi...

Những ngày sống bên ba có lẽ sẽ là những ngày hạnh phúc trọn vẹn đối với tôi ,nếu như trong lòng tôi không nặng chịch khối đá lý lịch.Và rồi chính ba tôi là người đã gợi thẳng chuyện lính tráng của tôi ra trước. Đấy là một tối 3 cha con nằm chơi trên chiếc giường lớn.Ba  giữa ,hai chị em hai bên. Ba kể nhiều chuyện về má và hai đứa em mà tôi chưa hề biết mặt. Ba hỏi chuyện chị Hà đi làm cô giáo có thích không? Rồi như bất chợt:

- Triều đeo lon thiếu úy từ lúc nào vậycon?Dạ mới hơn nửa năm?

Là thiếu úy chắc phải bắn súng giỏi lắm hả?

Chị tôi chen ngang: Nó là sinh viên nên khi bị tổng động viên đương nhiên người ta đưa nó đi học sĩ quan. Cận thị như nóthấy đường đâu mà bắn giỏi hở ba?

-Hai đứa con hồi đó ở trong này có biết ba má là dân cách mạng nòi không?

- Dạ,có nghe ngoại kể và có lần con đọc báo thấy người ta viết về ba ở Hà Nội.

- Biết vậy mà sao con còn để tụi nó đẩy con cầm súng chống lại ba má.Sao con không vào vùng giải phóng  như nhiều sinh viên khác  hoặc trốn lính?

-Dạ hồi đó con có biết ai là ai đâu mà vào ..Ngoại và tụi con có lần bàn chuyện trốn lính mà cũng chẳng biết trốn nơi nào cho chắc ăn, không bị bắt.

Ba chép miệng,thở dài một cái :

- Thật ra là do con không có bản lĩnh và thiếu ý chí thôi.Chứ cái gì mình đã biết sai rồi thì nếu quyết tâm sẽ không bao giờ chịu  làm điều đó chứ..

Ba kể như tâm sự lúc Đà Nẳng vừa được giải phóng ,ba vào,chú Dũng gặp ba ,kể chuyện thằng Triều là sĩ quan ngụy,ba đau lòng lắm. Về Hà Nội ba dấu má mấy ngày rồi mới nói thiệt. "Má con khóc suốt mấy ngày liền đó.Thôi,thương ba,thương má,từ rày về sau con cố ra sức học tập,rèn luyện tu dưỡng đạo đức lối sống. chuộc lại lỗi lầm..."

Học tập gì ?Rèn luyện như thế nào?Tôi tự hỏi tôi với lòng dạ ngỗn ngang .

Một tháng sau đó câu trả lời xem ra rõ hơn.Tôi nhận được lệnh tập trung đi học  cải tạo,mang theo 15 ngày lương thực.Cùng lúc,ba tôi trở vào Sài Gòn lần hai.Tuy nhiên, lạ là lần này ông không xuống Biên Hòa mà nhờ người chuyển  cho chị em một cái thư có kèm 40 đồng tiền Bắc.Thư xin lỗi ngoại ba bận công tác, chưa thể về thăm ngoại liền được.Ba  bảo chị Hà xuống ở với ba cho vui. "Riêng Triều thì cứ ở Biên Hòa lo chuẩn bị cho việc đi học tập cải tạo nghe con..Khi con về ,cả nhà ta sẽ có một cuộc sum họp toàn vẹn ,ý nghĩa hơn...".

Còn những gần một tuần nữa mới tới ngày đi cải tạo ,sao ba không cho tôi xuống sống chung vài ngày cho vui?Ba không thật sự yêu thương tôi hay đó là một trong những cách giúp tôi tập rèn luyện ý chí, bản lĩnh ?Ừ mà nếu ba không thương yêu ,thì làm gì ba cho tôi những 40 đồng-một số tiền khá lớn lúc đó chỉ để tiêu xài trong 15 ngày? (sau tôi mới biết mình ngộ nhận chuẩn bị  15 ngày lương thực chứ đâu có nói là học bao lâu đâu)...Những câu hỏi cứ quay cuồng trong tôi cho đến ngày tôi lên đường đi học tập cải tạo.Đấy là một sáng hè không có nắng vàng rực rỡ trong mắt tôi.Một mình  lặng lẽ tôi xách   túi đến nơi tập trung với sự liên tưởng giờ này chắc chị Hà đang vui vẽ bên ba và có thể có cả má với em tôi. Hương vị  hạnh phúc ngọt ngào ấy tôi chỉ nếm được một nửa!...

Dẫu sao mặc lòng,tôi tự nhủ mình cần phải thẳng thắng đối mặt với thực tế khi  bước vào khúc quanh của đời mình dù có bằng bước chân cô đơn.

Cái cảm giác cô đơn ấy,mãi đến hai năm sau tôi mới  thật sụ giũ bỏ khi ngồi quây quần vui vẻ với cả nhà,có cả Thu Hà vừa đi học ở Bungari trở về.Sâu xa hơn là sự đoàn tụ toàn vẹn như lời thư ba viết mà tôi đã dần cảm nhận ra:sau đó và tự gọi  tên theo cách của tôi: sự đoàn tụ phần hồn.Đó là  một tối  tháng 8 - 1978, cả người tôi nổi đầy gai ốc khi đưa tay thề nguyện dưới lá cờ Đoàn.Vâng, tôi đã đặt được bước chân đầu tiên của mình lên dấu chân mà ba má tôi đã đ

Đứa con bên kia chiến tuyến

Năm 1954, ông Lưu Quý Kỳ - nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí (Ban Tuyên huấn Trung ương), Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam rời miền Nam tập kết ra Bắc. Trong thế sự rối ren lúc ấy, ông buộc lòng để lại 2 đứa con ở miền Nam và thầm mong 2 năm sau sẽ quay trở lại. Nhưng sự bội ước của chính quyền Ngụy và Mỹ đã khiến cho ngày trở về kéo dài đến 21 năm. Một trong hai người con ấy là nhà báo Lưu Đình Triều.

Cha mẹ tập kết ra Bắc để anh và một người chị ở lại miền Nam. Chuyện gì đã diễn ra sau đó cho tới ngày 30/4?

- Hai mươi mốt năm tất nhiên là nhiều chuyện. Tôi tạm gói gọn thành câu chuyện dài 7.600 ngày mồ côi. Nói mồ côi vì trong tờ khai sanh của tôi hồi ấy ghi rõ "cha chết, mẹ chết". Ngoại tôi xuống Cà Mau (khu căn cứ kháng chiến) đón hai cháu về nuôi ở Biên Hòa. Bà là một phụ nữ đơn thân, nghèo khó, chỉ chạy chợ kiếm sống qua ngày. Có thêm 2 cháu nhỏ bà càng cực nhọc, vất vả hơn. Lúc xuống miền Tây mua khô, cá... về bán. Lúc lên chợ Gò Dầu, Tây Ninh mua nhang, dầu Miên, xà bông về bỏ mối, kiếm ít tiền lời. Những ngày ngoại đi vắng, hai chị em dựa vào sự đùm bọc của họ hàng bên ngoại cùng bà con lối xóm. 
Như cây hoang, cỏ dại, những năm tháng tuổi thơ của tôi cứ lần lượt trôi qua.  Bạ ai chơi đó, bạ đâu ăn đấy. Bảy, tám tuổi tôi đã theo bạn bè trong xóm ra chợ  "đá cá lăn dưa" (ăn cắp vặt)... Lớn hơn chút nữa đã biết lận lưng bộ bài nhỏ xíu đi đánh cắc-tê kiếm tiền ăn bánh mì, uống xirô...

Nghe sặc mùi hư hỏng như thế vì sao anh vẫn vào được đại học?

- Đúng là tôi có thể trở thành một kẻ lêu lổng bụi đời nếu như không may mắn gặp được các cô chú bên nội. Chú tôi là hiệu trưởng, cô tôi là giáo viên của trường tiểu học lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột. Cô chú đã đón hai chị em lên đấy. Một giai đoạn mới trong đời tôi thật sự mở ra từ sinh hoạt cho đến học hành. Tôi bắt đầu làm quen với việc đánh răng, ăn sáng trước khi đến trường, cũng như ủi quần áo thẳng nếp khi đến lớp. Ngoài giờ học, tôi không còn được chạy rong ngoài đường phố mà ru rú trong nhà phụ làm những việc linh tinh, rồi ôn tập bài vở, đọc truyện dưới sự chỉ dạy của cô…

Thế nhưng như cách nói của ngoại "phần số của ngoại chắc bị nặng nợ với hai đứa con...". Chỉ ba năm sau, chú tôi bị động viên vào lính, còn cô lấy chồng là công nhân ở Sài Gòn, chị em  tôi lại thu xếp đồ đạc quay về Biên Hòa. Cảnh cũ, điều kiện sống như cũ, nhưng trong chúng tôi có một thay đổi lớn là sức học căn cơ hơn. Và năm 1971 tôi bước chân vào Đại học Luật. Hồi ấy ngoại tôi mừng đến chảy nước mắt. Bà có ngờ đâu niềm vui ấy rồi bị tắc nghẽn nhanh chóng. 

Năm 1972, trước sự tiến công mạnh mẽ của quân giải phóng, lực lượng quân đội Sài Gòn hao tổn khá nặng. Chính quyền Thiệu tạm đóng cửa các trường đại học, hạ bớt tuổi được hoãn quân dịch của sinh viên. Tôi giờ mới nhận ra bi kịch trong chuyện làm giấy Thế vì khai sinh ngày trước. Với cái tuổi giả lớn hơn tuổi thật dù chỉ một tuổi cũng đủ buộc tôi ngưng học.

clip_image003

Gần gũi chan hòa với chỉ huy hải quân trong dịp ra công tác 20 ngày tại Trường Sa - ảnh N.C.T

Ngoại tôi lại có những đêm mất ngủ: "Ông trời sao quái ác, đẩy thằng Triều vào cảnh cầm súng chống lại cha mẹ mình?!". Loáng thoáng trong vài lần trò chuyện giữa ba bà cháu có nhắc đến chuyện trốn lính. Nhưng rồi với một chàng trai mới lớn sống không lý tưởng, không quen cân nhắc thận trọng trước những vấn đề lớn và sợ chuyện tù đày, tôi rơi vào tư tưởng yếm thế: thôi kệ, đến đâu thì đến (!).

Sau một thời gian huấn luyện ở Trường sĩ quan dự bị Thủ Đức, dù  cận thị gần 4 diop tôi vẫn bị tống về một sư đoàn bộ binh ở miền Tây. Đi qua những ngày nắng cháy da, những đêm mưa ẩm ướt, những cuộc hành quân vất vả chán chường mà nhiều lúc tôi chỉ mong ước khùng điên là được bị thương nặng đủ để giải ngũ, về đi học tiếp.

Sau một vài lần suýt chết, những vết thương mà tôi nhận lãnh lại chẳng khác gì những cú leo trèo, té ngã thuở nhỏ. Nhưng dẫu sao chúng cũng giúp tôi cuối năm 1974 có cớ để xin chuyển về ngay Biên Hòa chăm lo cho người giám hộ (tức ngoại) nay đã già. Để rồi vài tháng sau khi nghe tin xe tăng quân giải phóng đã về tới Long Thành, tôi vội trút bỏ bộ đồ lính, ở luôn tại nhà.

Ngày thống nhất đất nước cũng là ngày sum họp gia đình, tâm trạng của anh lúc đó như thế nào?

- Những ngày đầu sau giải phóng tôi sống trong tâm trạng hai chiều. Vừa chán nản, vừa hy vọng.  Trong tôi lóe lên tia sáng cuối đường hầm là mình sắp nhìn thấy những người ruột thịt nhất của mình. Suốt hai chục năm, phải nói thật lòng là tôi thèm lắm - thèm thèm lắm - cái tiếng gọi "ba ơi, má ơi" và luôn nặng trĩu mặc cảm về cách nói của một số người: cái thằng không cha không mẹ! Khoảng một tuần sau giải phóng,  tôi "liều mạng" chạy xuống Sài Gòn, lân la dò hỏi về ba tôi, nhà báo Lưu Quý Kỳ… Nhưng cũng có những lúc tôi hoang mang lo sợ mình là thiếu úy ngụy nên có khi sẽ trở thành đứa con bị chối bỏ trong mắt ba má tô i- những người cách mạng lâu năm.

Có một  chiều, tôi cùng những bạn học cũ, đứa là viên chức, đứa là lính gom tiền lại mua bia về nhậu lần cuối. Cái cách tuyên truyền của chế độ cũ khiến tất cả chúng tôi đã ngoài tuổi 20 rồi mà vẫn cả  tin rằng với chính quyền mới sẽ không có vui chơi, giải trí gì cả, nói chi đến chuyện bia bọt. Trong cuộc nhậu thực tế không là lần cuối đó, cả đám thay nhau hé lộ những tin đồn quái chiêu đủ dạng. Nghe cho đã, để rồi kết thúc, cả đám chia tay nhau với lời từ biệt bi thương "mai rồi đời mình sẽ tiêu".

Mười lăm ngày sau khi đất nước thống nhất, một chiếc Commăngca đổ kịch trước đầu hẻm nhà ngoại. Tôi đã chạy đến cầm lấy cánh tay ba, mân mê, nhưng không dám ôm lấy ông và cũng chẳng tiếng "ba ơi" nào bật ra trong nước mắt như bao lần tôi đã nằm tưởng tượng .

Lúc đó, trong tôi mặc cảm và nỗi lo sợ đang trào dâng, lấn át cả niềm vui, hạnh phúc của sự hội ngộ…

Cha, mẹ của anh đã nói gì khi biết anh tham gia vào quân đội Sài Gòn?

- Lúc đầu, ba tôi chẳng hề chạm tới khối đá lý lịch đang nặng trĩu trong tôi. Để rồi, có một tối, khi ba cha con đang trò chuyện chơi, bất chợt ba hỏi  tôi là đeo lon thiếu úy từ khi nào? Trước đó hai chị em  có biết ba má là dân cách mạng nòi không? Khi nghe tôi trả lời có lần đọc được  bài viết của một nữ ký giả Ý có nhắc đến ba  ở Hà Nội, ba hỏi gặng, đã biết vậy mà sao con vẫn cầm súng chống lại ba má? Sau khi nghe tôi nói đã từng bàn với ngoại chuyện trốn lính mà cũng chẳng biết trốn nơi nào cho chắc ăn, không bị bắt, ba thở dài một cái và hé lộ rằng lúc Đà Nẵng vừa được giải phóng, ba vào, gặp chú Dũng - em út của ba, chú kể chuyện tôi  là sĩ quan ngụy, ba đau lòng lắm. Về Hà Nội ba giấu má mấy ngày rồi mới nói thiệt. Má tôi khóc suốt cả tuần... Ông kết thúc câu chuyện bằng lời dặn dò: "Thôi, thương ba, thương má, từ rày về sau con cố ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức lối sống, chuộc lại lỗi lầm".

Sau này khi tôi đang học cải tạo, ba tôi vào Sài Gòn công tác, được trưởng trại mời lên  bàn chuyện bảo lãnh. Ông từ chối và muốn rằng tôi có thời gian học tập, rèn luyện như những người khác. Ông cũng từ chối sự ưu ái được thăm con không theo quy định mà chỉ viết một lá thư nhờ chuyển. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in là mình đã cầm lá thư, chạy ra vườn rau, lặng lẽ vừa đọc thư, vùa khóc. Tôi giận, thầm  trách ba tôi đã không thương  tôi, lại bỏ tôi "bơ vơ" như thuở nào… Tôi đã xé lá thư ấy để rồi mãi sau này mới cảm nhận ra rằng đó là một cách thương con, rèn con của riêng ba tôi.

Đâu là bước rẽ quan trọng để anh hòa nhập với chế độ mới?

- Với tôi, 30.4.1975 là ngày đổi đời. Một bước ngoặt lớn mở ra về quan hệ gia đình, về sự nghiệp. Hai mươi hai tuổi, coi như tôi đặt lại bước chân vào đời lần 2.

Nghĩ về một bước rẽ quan trọng nhất, thật tình tôi có sự băn khoăn trong xác định. Ba tuần sau ngày giải phóng, một mình lặng lẽ tôi xách túi đến nơi tập trung cải tạo với với bao dấu chấm hỏi về tương lai. Dẫu sao mặc lòng, lúc ấy, tôi tự nhủ mình cần phải thẳng thắn đối mặt với thực tế khi bước vào khúc quanh của đời mình dù có bằng bước chân cô đơn. Những ngày tháng học cải tạo, là thời gian giúp tôi có nhận thức đúng đắn hơn về đất nước, về cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc, về những điều sai trái tôi đã làm - dù là bị ép buộc. Trong trại, tôi có điều kiện hiểu thêm về những người cộng sản, thông qua một anh quản giáo tên Lợi. Có những tối, anh xuống lán của tôi ngồi tâm sự nhiều về đời anh, từ chuyện học hành cho đến chuyện yêu đương… Anh cũng mạnh dạn bảo lãnh cho tôi được ra khỏi trại để gặp em gái tôi từ Hà Nội vào thăm. Những giọt nước mắt chia sẻ của anh khi nhìn thấy hai anh em tôi ôm nhau khóc ròng trong lần đầu trùng phùng, đã đeo bám dai dẳng trong đầu tôi. Cả chục năm sau đó, tôi vẫn nhớ và viết về nhân vật này, một bộ đội trẻ, đảng viên, người giúp tôi có cái nhìn đầy đủ hơn về tình người.

Chuyện vừa học cải tạo ra, xin đi làm để rồi trở thành người biên chế của nhà nước cũng là một ngã rẽ quan trọng. Rồi chuyện tôi thi đậu vào lớp đại học báo chí của trường Tuyên huấn T.Ư cũng là một bước rẽ quan trọng không kém

Nhà báo Lưu Đình Triều

Hai lần … Mẹ

Hai mươi năm đầu của cuộc đời, tôi chưa được một lần gọi “Mẹ”. Rất nhiều, thật rất nhiều, thời niên thiếu tôi đã ném những ánh mắt ghen tị vào bạn bè, khi họ hạnh phúc trong vòng tay chăm sóc của mẹ. 10 tuổi, tôi đã đứng trước gương, dùng kéo cắt ngắn đi những sợi lông mi. Người ta nói lông mi dài dễ “mít ướt”. Mà hồi ấy, tôi hay khóc, khóc không thành lời, mỗi khi chạnh lòng, tủi thân vì sao mình không có mẹ (lẫn ba). May mà những lần ấy, tôi chóng được an ủi, vỗ về, bởi vòng tay của ngoại.

Sau này, lớn lên, tôi mới được biết rằng, trước ngày chia đôi đất nước, ngoại tôi đã lận lội xuống tận rừng U Minh, “tha” tôi, 10 tháng và chị tôi hơn 2 tuổi, về Biên Hòa nuôi. Còn ba mẹ tôi lên tàu tập kết với lời hẹn hai năm sẽ về. Cho đến giờ, tôi vẫn không hình dung ra nổi, những tháng ngày ấy, bà tôi chật vật, vất vả đến dường nào, khi tái nhập lần thứ hai vai trò làm mẹ với hai đứa cháu nhỏ. Sau này, thỉnh thoảng bà chỉ nhắc lại với ai đó một cách âu yếm về tôi: cái thằng này, hồi nhỏ quậy lắm. Tắm nó trong thau, nó không chịu yên. Có lần nó đạp lên lọi ngón tay của bà. Cái ngón tay trỏ ấy, hàng chục năm sau, còn mang nguyên đường dáng của một đoạn thẳng bị cong ở giữa. Lớn, lập gia đình rồi có con, đôi lúc tôi lại băn khoăn tự hỏi, ngoại làm sao tay xách, nách mang hai đứa bé, mỗi khi chúng khóc la, bệnh tật? Tôi chỉ có thể tự trả lời câu hỏi bằng một lời đáp chung chung: với tấm lòng của người mẹ, ngoại tôi đã vượt qua những vất vả, khó khăn của một người đàn bà đơn côi sống cùng hai đứa bé.

Ông tôi mất đã lâu. Vừa nuôi nấng chúng tôi, bà vừa phải sớm hôm “lặn lội thân cò”. Lúc thì xuống miền Tây, mua khô,  mua cá… về bán lại. Lúc thì lên chợ Gò Dầu, mua nhang, dầu Miên, xà bông … về bỏ mối, kiếm ít đồng tiền lời nuôi cháu. Những ngày bà chạy chợ, hai chúng tôi chỉ ăn uống qua ngày dựa vào sự đùm bọc của cậu, dì, bà con lối xóm. Người ta nói, trông chờ đến sốt ruột là con trông chờ mẹ đi chợ về. Còn tôi và chị tôi, có những đêm ngày trông bà, còn da diết hơn những đứa trẻ khác trông mẹ đi chợ về: có những đêm mưa, hai chị dem nằm cuộn tròn, lấy mền phủ kín đầu, trong ngôi nhà vắng lặng, vì sợ ma. Chị tôi chưa đủ lớn, nhưng cũng phải ra vẻ bảo mẫu, vỗ về thằng em, khi nó cứ thút thít, “Chị ơi, sao ngoại lâu về vậy?”.

Đi qua những đêm mưa trống trải, đi qua những ngày nắng luông tuồng vì vắng bà, rồi chúng tôi cũng lớn lên và cũng được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ đồng trang lứa khac. Bây giờ, nhiều bậc cha mẹ hay thở than về gánh nặng học phí của con mình. Bà tôi ngày ấy thì sao nhỉ? Tôi cố nhớ và tự hỏi. Dường như bà chẳng hề thở than về chuyện tiền sách, tiền vở … Lắm khi, đầu niên học, bà chỉ lặng lẽ ngồi vuốt từng tờ bạc cho phẳng phiu, đưa chúng tôi chạy mua đỡ vài quyền tập, với lời an ủi: “Từ từ, ngoại đi bán hàng có tiền sẽ mua đủ tập cho cho hai đứa”. Ngoại tôi là người ít học. Có lẽ vì thế mà bà cảm nhận sâu sắc sự thua thiệt của người kém chữ. Không chỉ dạy được cho cháu, bà động viên: "Tụi con ráng học, để sau này còn làm thầy giáo. Tụi con lười học, sau lại phải đi làm cu li, chạy chợ như ngoại khổ lắm". Một lần tình cờ giở tập tôi ra, thấy con số ba và lời phê cô giáo “lười, không chịu làm bài cẩn thận”, bà nổi giận, quất tôi mấy chổi lông gà, rồi sau đó bà ôm cháu mà khóc … Cái ngày chị tôi bước chân vào sư phạm, tôi vào đại học, bà không nén được nổi mừng vui, gặp ai bà cũng nói ngay: "Con H. nó sắp thành cô giáo, còn thằng Tr. đã là sinh viên, đời tôi thế là mãn nguyện rồi".

Bà đã còn mãn nguyện hơn, khi sau ngày giải phóng, ba mẹ tôi từ Bắc trở về. Lúc ấy bà chỉ nói gọn lỏn như không: “Giờ xong phần tao rồi, tao giao hai đứa nhỏ (chúng tôi đã lớn mà bà vẫn coi là hai đứa nhỏ) cho tụi bây đó!”. Giọng bà nhẹ tênh, tựa lời câu hát “Như là nghìn gian khổ, chưa hề đi qua…”. Ngày gặp lại mẹ, tôi ngỡ mình sẽ khóc như những ngày xưa đã khóc vì nỗi khát khao về mẹ. Nhưng lạ thay, tôi chỉ biết ôm chầm lấy mẹ và .. cười. Những giọt nước mắt lăn trên má, những giọt nước mắt chảy ngược vào tim, dường như tích tụ lại và chỉ òa vỡ vào cái buổi chiều tối ở Hà Nội, tôi nghe tin ngoại đã qua đời.

Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ mà thôi... Với riêng tôi, đời có những hai mẹ. Tôi không muốn cân phân so sánh, nhưng trong tận dáy sâu lòng mình, ngoại vẫn là người mẹ mà tôi trao gởi nhiều yêu thương tha thiết nhất. Đôi khi giữa dòng đời cuồng động tuôn chảy, bất chợt nhìn thấy trên đường một người đàn bà nào đó, da mặt nhăn nheo, áo quần lam lũ, dáng đi tất tả đến khổ sở, là tôi lại chạnh lòng nhớ về ngoại. Nhớ với nỗi day dứt tiếc nuối, mình chưa kịp một lần mua được một bữa cá thác lác về nấu tô canh cải bẹ xanh để ngoại ăn cho đã miệng !

LƯU ĐÌNH TRIỀU

(nguồn: Bật một que diêm của Lưu Đình Triều)

ldt

(Từ  trái qua phải: Nhạc sĩ  Vũ Hoàng, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, Lê Minh Quốc, nhà báo Lưu Đình Triều, Nguyễn Minh Nhựt)

 

Theo leminhquoc.vn