Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. HỘI GÁI - DÂU - RỂ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 3/9/2012
E-mail     Bản in

Tố Uyên - người phụ nữ đầu tiên của Lưu Quang Vũ tâm sự
Khi sắc đẹp, tình yêu, tiền bạc và sự nổi tiếng lần lượt ra đi, nghệ sĩ Tố Uyên nhận ra bà chỉ còn một gia tài duy nhất, đó là sự cô đơn. Thế nhưng, bà đã quen với nó mấy chục năm rồi. Dưới đây là tâm sự của người phụ nữ đầu tiên của Lưu Quang Vũ.
To Uyen nguoi phu nu dau tien cua Luu Quang Vu tam su
Nghệ sĩ Tố Uyên thời trẻ.

 

Nhà tôi ở phố Bùi Thị Xuân. 9 tuổi, tôi bắt đầu biết đến sự nổi tiếng khi vào đội ca múa Cung thiếu nhi Hà Nội, được dẫn các chương trình thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam, lồng tiếng cho phim.

13 tuổi, tôi được chọn đóng vai bé Nga trong Con chim vành khuyên sau khi vượt qua nhiều vòng tuyển chọn, hết thử vai ở trụ sở hãng phim rồi ra bãi sông Hồng diễn thử cảnh nhảy dây. Suốt 6 tháng đóng phim ở Thọ Xuân (Thanh Hóa), tôi được sống trong khung cảnh đầm ấm nên thơ, với bãi dâu xanh mướt, con sông êm đềm.

Ngoài giờ đóng phim, tôi tha thẩn chơi trò bắt chuồn chuồn cắn rốn. Tôi còn được học chèo đò, học bơi... Không khí làng quê và tình cảm yêu thương của các cô bác trong đoàn làm phim lúc đó tạo nên cảm xúc trữ tình, trong sáng để tôi sống với bé Nga.

Không quen đồng ruộng, sông nước, tôi đến với vai Nga bằng nhịp cầu của những rung động trẻ thơ hồn nhiên và trong sáng nhất. Nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy đã rơi nước mắt khi quay cảnh tôi nhảy dây. Vai diễn khó cả về động tác và tâm lý. Trong cảnh này, tôi phải diễn tả nhiều trạng thái tâm lý nên chân nhảy mà vẫn phải tập trung phần diễn ở mắt....
 

Mỗi lần quay phim xong, người lấm lem, mồ hôi bết tóc nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc lâng lâng không gì diễn tả nổi. Đêm tôi cũng mơ đang đóng phim, miệng hét to: "Có giặc, có giặc", rồi thấy mình là con chim vành khuyên bay vút vào trời xanh. Suốt thời gian quay phim, tâm trạng tôi cuốn theo số phận của bé Nga.

Con chim vành khuyên đoạt giải thưởng tại LHP Tiệp Khắc và có mặt tại nhiều LHP quốc tế, khán giả biết đến cái tên Tố Uyên cũng từ đó. Đi đâu tôi cũng được nhắc đến tên, được ngưỡng mộ như chim vành khuyên trong phim. Tôi có dịp gặp gỡ các nhà làm phim tên tuổi của thế giới mỗi lần họ sang VN.

Tôi và Lưu Quang Vũ quen nhau từ thuở nhỏ, khi cùng sinh hoạt trong đội ca múa Cung Thiếu nhi Hà Nội. Lần đầu tiên tôi gặp anh khi xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Nhân dân (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Tôi ngồi khá xa sân khấu khi cố rướn người thì ai đó dúi vào tay tôi chiếc ống nhòm. Tôi quay lại, chưa kịp cảm ơn thì đã thấy một bạn trai cười rất tươi và nhanh nhảu nói: "Đằng ấy cứ dùng đi".

Sau lần ấy, Vũ thường từ Phố Huế băng qua Bùi Thị Xuân đi chơi với chúng tôi. Tôi có chiếc mũ nồi, Vũ có chiếc mũ lưỡi trai, cứ thay phiên nhau, mỗi đứa đội 10 ngày...

Chúng tôi gặp nhau luôn nhưng vẫn viết thư cho nhau. Lá thư đầu tiên Vũ viết cho tôi, đến nay vẫn còn nguyên. Năm đó, chúng tôi mới 11 tuổi. Có lần Vũ còn gửi cho tôi một bưu ảnh bông hồng đỏ thắm. Tên tôi được viết nắn nót rất đẹp ngay giữa nhụy hoa. Rất tình cờ, chúng tôi thường được chọn lồng tiếng trong khá nhiều phim của Xưởng phim hoạt hình. Sau mỗi buổi lồng tiếng, Vũ đùa bảo tôi được đóng vai người giàu, chắc lớn lên sẽ sung sướng...

Bẵng đi một thời gian, vào một ngày mùa thu, gặp Vũ ở phố Huế một năm sau khi Vũ nhập ngũ, tôi đã vào trường múa VN. 16 tuổi rực rỡ như một đóa hoa nhưng tôi vẫn được nhiều người nhận ra và gọi là bé Nga.

Sau buổi chiều gặp gỡ đó, tối hôm ấy, Vũ vào trường nội trú thăm tôi, rồi sau đó chúng tôi thư đi tin lại. Vũ ngỏ lời yêu tôi trong một lần về phép. Tha thiết và nồng nàn. Vũ nói với tôi trong hơi thở gấp gáp: "Em như một con chim, anh cứ sợ chim bay đi mất". Vở kịch Sống mãi tuổi 17 Vũ viết trong những ngày này.

Tốt nghiệp trường Múa VN, tôi về công tác tại Xưởng phim truyện VN và được mời đóng phim Nổi gió, rồi Biển gọi. Sau đó, Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN thiếu diễn viên, tôi chuyển về đây và thành solite của Nhà hát. Hai lần tôi theo chương trình đi diễn tại tuyến lửa trong năm Mậu Thân 1968, tôi đi nhiều khiến Vũ lo lắng, sợ không còn được gặp nhau nữa.

Trong những lá thư gửi cho tôi, ngoài tình cảm tha thiết, Vũ thường bày tỏ sự trăn trở về cuộc sống, về tương lai của hai đứa.

Ngày 12/7/1968, Vũ viết: ... Uyên của anh, bé Nga của anh! Anh yên tâm chính vì tình cảm và tâm hồn tốt đẹp của em. Vì anh đã tìm thấy anh ở em, em là tấm gương anh soi vào và thấy biết ơn em vì điều dó. Anh biết ơn và anh sẽ trả cái ơn đó bằng tất cả cuộc đời anh. Anh không muốn em chỉ là một người làm văn nghệ như một diễn viên kha khá, anh muốn em (và tin rằng em đã có) điều mà người ta gọi là tài năng của một nghệ sĩ chân chính...

Cuối năm 1969, chúng tôi tổ chức lễ cưới ở số 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Hình như chú rể mặc complete của bố, đèo cô dâu bằng xe đạp không có nhẫn cưới và son phấn màu mè, nhưng chúng tôi ngây ngất trong hạnh phúc.

Tôi sinh con trai đầu lòng không lâu sau đó. Anh Vũ đạt tên con là Lưu Minh Vũ , ở nhà vẫn thường gọi là Kít. Kít bụ bẫm và lớn rất nhanh, đến nỗi ông nội lo lắng, đòi mang đi khám. Có lần tôi và Vũ đi sơ tán, mang cả Kít đi cùng. Chiều chiều, cả nhà cùng dạo quanh ao bèo tím, Vũ cầm tay tôi rồi nghiêng người hái hoa tặng vợ. Tôi sợ, dặn anh cẩn thận kẻo sụt chân vào đám sình. Anh bảo, hai đứa phải nắm chặt tay kẻo trượt chân.

Sau này, Vũ viết kịch bản Hoa cúc xanh trên đầm lầy, có lẽ liên tưởng tới hình ảnh hoa bèo lấp lánh dưới ánh mặt trời hôm ấy. Vai diễn đầu tiên của tôi sau ngày cưới là cô giáo Tày trong phim Cô gái vùng cao. Sau đó là các vai trong Chuyện vợ chồng anh Lực, Những ngôi sao biển, Dòng sông âm vang, Ngày lễ Thánh...

Nghề nghiệp thăng tiến, nhưng tôi không giữ được hạnh phúc vì có người thứ ba. Chúng tôi chia tay nhau khi Kít 3 tuổi, Vũ mặc cảm, không muốn là gánh nặng của vợ. Anh muốn tôi đỡ khổ và có điều kiện để phấn đấu sự nghiệp.

Anh vẫn thương vợ, nhớ con nhưng cuộc sống gặp không ít khó khăn và ai cũng có những phút giây bất lực trước những thử thách và cám dỗ. Không hiểu sao, tôi vẫn luôn nghĩ có ngày anh sẽ trở về với tôi và Kít.

Lúc nghe tin Vũ mất, tôi lặng đi, không tin đó là sự thật. Bao nhiêu năm trôi qua, mỗi lần nhắc đến phút giây hãi hùng ấy, tôi vẫn khóc. Tôi viết tặng anh những câu thơ trong nước mắt: Bao điều ước mơ không là ảo ảnh/Hãy nói lên những điệp khúc của con người/Để chiều nay bản nhạc không tắt/Để em còn mãi mãi có anh.

Tôi nổi tiếng và được chế độ lương cao, tránh sao được thói ghen ăn ghét ở. Giữa lúc đang sung sức với nghề, tôi bị điều sang Fafilm VN. Chăm chỉ với công việc thuyết minh phim, đọc lời bình... tôi lại tìm thấy niềm vui trong công việc mới. Cuộc đời nhiều vinh quang nhưng sự ganh ghét, đố kỵ luôn rình rập và đánh gục tôi. Tôi không tự bảo vệ được mình, đành gửi lòng vào những vần thơ.

Tôi viết về thế hệ của mình, những con người vất vả gian nan tủi nhọc và vươn tới vinh quang từ trong cay đắng. Tôi viết về tôi, người đàn bà hồng nhan bạc phận, hạnh phúc như một ngôi sao mai, đến sớm rồi vụt tắt. Tôi viết về anh và những lời nhắn gửi cho con, cho cả thế hệ trẻ sau này.

Nghệ sĩ Tố Uyên và con trai Lưu Minh Vũ.

Nghệ sĩ Tố Uyên và con trai Lưu Minh Vũ.

Bao tâm sự giằng xé, chất chứa, quặn thắt và cả ngọt bùi đều được hoá giải thành những vần thơ. Mỗi đêm, tôi ngồi trước trang giấy, đối diện với chính mình. Tôi viết cho anh khi đã nằm xuống: Mình đã hát tiếng hát những con tàu/Để báo trước những điều chưa dự định/Về một vầng trăng, về một áng mây/Đành phải chịu sự nồng cay của gió/Em nói mãi những hy vọng cùng thất vọng/Sao nghe cồn cào xao động những ngày yêu.

Khi một mình vác gạch, chở cát xây nhà, đôi vai tôi càng trĩu nặng. Bao nhiêu người nhà cao cửa rộng từng muốn đón mình về, giờ đây mình lại tự xây nhà. Đôi khi sự cô đơn thiêu đốt, khiến tôi cảm thấy dường như mình không thể chống chọi nổi. Tôi muốn chắt chiu từ những đau khổ và đổ vỡ của chính mình nhưng không thể. Tôi đã đặt niềm tin vào con người nhưng rồi tôi vẫn trở về với nỗi buồn lặng lẽ. Với con dao để trong cuốn vở, có lúc tôi đã nghĩ đến cái chết...

Tôi nghiệm ra cuộc đời có thể trở thành bi kịch hay hài kịch chỉ trong khoảnh khắc. Tôi không muốn đổ lỗi cho số phận nhưng có lẽ số tôi không sung sướng như anh Vũ từng ước đoán.

Bây giờ, tôi tham gia công tác tại Hội khuyến học Việt Nam. Thi thoảng tôi vẫn nhận được lời mời đóng phim nhưng cánh cửa điện ảnh đã khép lại từ lâu. Tôi từng có một thời "nổi gió" trên màn ảnh và tôi muốn giữ mãi hình ảnh đẹp ấy.

Ban công nhà tôi có một mảnh vườn nhỏ. Tôi còn nhớ lời anh Vũ dặn: "Khi nào em buồn thì em cứ ra với thiên nhiên". Mỗi chiều hoàng hôn, một mình với mảnh sân nhỏ, những câu thơ anh viết tặng tôi vọng về: Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh/Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật/Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất/Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về.

 

Theo TTGĐ


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)