Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Tư vấn - Chia sẻ Kiến thức - Kinh nghiệm.
Đăng ngày 4/2/2012
E-mail     Bản in

Bí quyết của người giàu nhất Trung Quốc 2008
Trong khi hàng chục tỉ phú khác ở Trung Quốc rớt hạng trong bảng tổng sắp năm 2009 của Forbes công bố, thì Lưu Vĩnh Hưng và các anh em họ Lưu của ông vẫn sống khỏe. Bí quyết của họ là bám mạnh vào thị trường nội địa trước khi hướng tới thị trường quốc tế.
 
Người giàu nhất Trung Quốc : ông Lưu Vĩnh Hưng

Đứng đầu danh sách là tỉ phú Lưu Vĩnh Hưng với tổng tài sản trị giá 3 tỉ USD. Không được may mắn như ông Lưu, 20 tỉ phú khác, bao gồm bà hoàng giấy tái chế Trương Nhân, người từng đứng đầu bảng tổng sắp nay đã rớt khỏi danh sách. Giấy Cửu Long, công ty của bà Trương, đã mất 95% giá trị và giờ chỉ còn khoảng 295 triệu USD. Người giàu nhất năm ngoái, tỉ phú bất động sản Dương Huệ Nghiên đã mất trắng 14 tỉ USD. Bà rớt xuống vị trí thứ 3 trong bảng tổng sắp với tài sản chỉ còn 2,22 tỉ USD. Đứng thứ hai trong danh sách là ông Hoàng Quang Dụ, người sáng lập Gome, chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất Trung Quốc. 

Đi lên từ tay trắng

Trong bối cảnh nhiều đại gia sút giảm tài sản, việc ông Lưu Vĩnh Hưng, chủ tịch kiêm đại diện của Tập đoàn Hy vọng, vẫn ăn nên làm ra được cho là một hiện tượng cá biệt. Nhưng xét tới quá trình làm giàu, có thể thấy ông Lưu đã tiến một cách vững chắc khi chủ trương phát triển dựa vào thị trường nội địa.

Năm 1982, khi Trung Quốc bắt đầu quá trình cải cách và mở cửa, Lưu Vĩnh Hưng và các anh em của ông, những con người có xuất phát điểm nghèo khó ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, bắt đầu bàn bạc kế sách thoát nghèo. Chính quyền trung ương khi đó đã ban hành nhiều chính sách nhằm giúp đỡ nông dân. Dựa vào đó, anh em nhà Lưu quyết định rằng mục tiêu phát triển của họ sẽ từ vùng nông thôn đi lên nhằm tận dụng sự trợ giúp của chính phủ. Họ chọn nuôi chim cút. Loại chim này có chi phí sản xuất thấp và bắt đầu đẻ trứng trong vòng 35 ngày, qua đó có thể mang lại thu nhập nhanh. 

Quyết là làm, mấy anh em bán sạch đồng hồ, xe đạp, những tài sản quý nhất của họ lấy 1.000 NDT (khoảng 120 USD) và dùng số tiền để lập một trang trại nuôi chim cút đẻ trứng và mở công ty có tên Hy vọng. Thưở ban đầu khó khăn, người em Lưu Vĩnh Mỹ đã phải ngủ cạnh chuồng để canh chim còn Lưu Vĩnh Hưng thì dậy từ 4 giờ sáng mỗi ngày để đi bán trứng ở Thành Đô và các quận gần đó.

Năm 1985, mấy anh em họ Lưu quyết định bỏ việc tại các cơ quan nhà nước để tập trung cho hoạt động kinh doanh gia đình. Đây là một quyết định dũng cảm bởi công việc nhà nước khi đó mang lại thu nhập ổn định và an toàn. Sự dũng cảm của họ đã được đền công khi hoạt động buôn bán chim cút và trứng mang lại chút ít lợi nhuận. Nhà của mấy anh em dần trở thành trung tâm bán chim cút. 

Năm 1986, anh em nhà Lưu bắt đầu nghiên cứu thức ăn gia cầm sử dụng các phương pháp và kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống của Trung Quốc. Loại thức ăn gia cầm mang thương hiệu Hy vọng của họ dần được chấp nhận ở địa phương. Kể từ đó, hoạt động làm ăn của họ bắt đầu đi lên.

Năm 1991, công ty Hy vọng được đổi thành Tập đoàn Hy vọng. Anh em nhà Lưu bắt đầu kinh doanh thêm thức ăn gia súc. Từ năm 1993, họ mở thêm nhiều đại lý tiêu thụ ở các tỉnh trên toàn quốc. Năm 1995, lần đầu tiên lợi nhuận của Hy vọng đạt mức 300 triệu NDT. Để đơn giản hóa việc quản lý, tập đoàn được chia thành 4 tập đoàn nhỏ hơn do 4 anh em quản lý. Kể từ đó tới nay, anh em nhà Lưu đã lập hơn 100 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tại Trung Quốc. Vì thành tích kinh doanh, tập đoàn Hy vọng đã được xếp vị trị thứ 1 trong số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước và số 1 trong 100 công ty chế biến do tư nhân sở hữu lớn nhất nước. Bản thân Lưu Vĩnh Hưng hiện còn kinh doanh thêm nhiều lĩnh vực, ngoài các sản phẩm thức ăn cho gia súc gia cầm. 


Đại diện cho một Trung Quốc đang thay đổi

Forbes đánh giá Lưu Vĩnh Hưng cùng các anh em của ông là những tỉ phú đi lên từ tay trắng đầu tiên của Trung Quốc. Tờ báo cho rằng họ đã là những người tiên phong cho một xu hướng mới ở Trung Quốc: sự trỗi dậy của các doanh nghiệp tư nhân. Với việc các công ty nhà nước có ít sự linh hoạt và hiệu quả hoạt động thấp, những doanh nghiệp như của anh em nhà Lưu đã góp phần lớn mang tới việc làm và sự tăng trưởng cho Trung Quốc.

 
"Xét theo nhiều phương diện, anh em nhà Lưu đại diện cho một Trung Quốc đang thay đổi" - ông Fred Hồ, kinh tế gia trưởng tại chi nhánh Trung Quốc của tập đoàn Goldman Sachs, đánh giá. Ông cho rằng dù vẫn nắm giữ những ngành công nghiệp chiến lược như viễn thông, hàng không vũ trụ, nhà nước Trung Quốc đã để cho các công ty tư nhân đảm trách nhiều bộ phận khác trong nền kinh tế. Dường như đây sẽ là hướng đi của Trung Quốc, như nhận định của ông Lưu Vĩnh Hưng: "Trong vòng một thập kỷ, các doanh nghiệp tư nhân sẽ là bộ phận lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc"
Theo GIA BẢO


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)