Đại diện chủ trì hội thảo đọc báo cáo đề dẫn.
 Đại diện chủ trì hội thảo đọc báo cáo đề dẫn.

Báo cáo đề dẫn hội thảo cho biết: Theo "Phả ký tông từ họ Lưu" của dòng họ Lưu, viết vào đời vua Lý Anh Tông năm 1138 (hiện lưu trữ tại đền Vạn Ngang, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) và Ngọc phả còn lưu tại đền, đình thờ tự ngài Lưu Cơ, Thái sư Lưu Cơ sinh ngày mùng 3 tháng Giêng năm Canh Tý (940) tại trang Tri Hối (nay là thôn Tuy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ông vốn thuộc dòng họ Lưu "Yên Định xứ Hoan Châu", tức vùng đất Yên Định, nay thuộc xã Thịnh Lộc và xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

 Quang cảnh hội thảo.
 Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các ý kiến đã nhấn mạnh, làm rõ 3 công lao to lớn của Thái sư Lưu Cơ đối với lịch sử dân tộc. Đó là công lao giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ đầu tiên của nước ta từ thế kỷ X. Cùng với đó, Thái sư Lưu Cơ đã có công cai quản "Vựa lúa lớn nhất, cũng là kho người, kho của ở Lĩnh Nam là Giao Châu” (gồm toàn bộ đồng bằng Bắc bộ của nước ta) liên tục 40 năm (971 - 1010), xuyên suốt 3 triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý. Thời Tiền Lê, ông vẫn cai quản Giao Châu và đã huy động sức của, sức người nơi đây giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược năm 981.

 Tượng đồng Thái sư Lưu Cơ tại đình Đại Từ, xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
 Tượng đồng Thái sư Lưu Cơ tại đình Đại Từ, xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

Đóng góp to lớn thứ ba của Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ là đã cho xây dựng, cải tạo lại thành Đại La từ một tòa thành Bắc thuộc trở thành tòa thành của Đại Cồ Việt vững mạnh, đủ điều kiện cho Lý Công Uẩn thực hiện quyết định lịch sử dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Trước đó, thành Đại La vốn có hướng trục chính, dinh thự và công sở hướng về phương Bắc. Khi cải tạo, Thái sư Lưu Cơ đã cho quay tất cả về hướng Nam, tức là chầu về kinh đô Hoa Lư của Đại Cồ Việt. Những sửa sang cải tạo này vẫn được lưu giữ trong tầng văn hóa của Hoàng thành Thăng Long, nhờ khảo cổ đã phát hiện khá nhiều gạch ngói thời Hoa Lư, như gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên" và "Giang Tây quân"...

 Đình Đại Từ, xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi thờ Thái sư Lưu Cơ.
 Đình Đại Từ, xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi thờ Thái sư Lưu Cơ.

Ngoài các nội dung trên, hội thảo cũng có nhiều ý kiến mở rộng, đi sâu tìm hiểu về Thái sư Lưu Cơ trên cơ sở những phát hiện mới, nhận thức mới. Trên cơ sở nhận thức giá trị đóng góp lịch sử của Đô hộ Phủ Thái sư Lưu Cơ, một số ý kiến đã mạnh dạn đề xuất các cơ quan chức năng cần có những hành động cụ thể để ghi nhận, tôn vinh, truyền bá công lao của ông như: Phục hồi, tu bổ di tích đền miếu thờ Lưu Cơ; nghiên cứu đặt tên đường phố, trường học, giải thưởng… mang tên ông.