Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. NGỌC PHẢ; TỘC PHẢ; PHẢ ĐỒ .
Đăng ngày 6/11/2012
E-mail     Bản in

ĐƯA GIA PHẢ LÊN MẠNG
Không như việc xây mới một nhà từ đường, tu sửa lại khu mộ tổ, hay như bất cứ một động tác "phú quý sinh lễ nghĩa" nào, đưa gia phả lên mạng là một bước đi phù hợp với thời đại.
Chuyện những cuốn gia phả cũ
 
Trên 100 cuốn gia phả từ cũ đến mới trải dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20 với sự góp mặt của đông đảo các dòng họ, chi họ ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, gần 20 panô tham gia trưng bày chuyên đề, hơn 60 bài tham luận hội thảo. Bấy nhiêu trước hết là cố gắng của Bảo tàng Dân tộc học, phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán - Nôm và CLB UNESCO. Nhưng sâu xa của câu chuyện giữ phả, là cả một quá trình dài bất chấp bom đạn, thời gian của những người giữ phả mà ý nghĩa của nó, nói như nhà "gia phả học" Dã Lan Nguyễn Đức Dụ: "Nếu như sử là gốc của một nước thì phả chính là gốc của một nhà".
 
Một vài gia phả sớm nhất ở ta hiện còn giữ được từ thế kỷ 16-17 nhưng phần lớn là được lập từ thế kỷ 18-19 hay đầu thế kỷ 20. Những mối liên hệ về dòng tộc sau 5-7 đời thường hay bị quên lãng hoặc đứt quãng nên về sau, nhiều dòng họ có kinh nghiệm và ý thức ghi chép và truyền giữ gia phả liền hơi từ đời này sang đời khác.
 
Chuyện kể từ Hải Lăng - Quảng Trị: Phả được cuộn lại, cất trong một ống quyển dài tới tận 70cm, to bằng cái phích nước, treo cạnh bàn thờ họ. Điều đáng nói là luôn luôn, cái "ống quyển" đặc biệt đó được treo một cách lỏng lẻo nhất để đề phòng bất kỳ lúc nào có sự cố cũng có thể kịp gỡ ra mang đi ngay. Lặn lội đưa cái "ống quyển gia bảo" ấy từ Quảng Trị ra Hà Nội để tham dự cuộc trưng bày, những người giữ phả ấy kể: ề chỗ bọn tui, khi cháy nhà, việc đầu tiên người ta chưa lo cứu đồ đoàn, tiền bạc mà lo trước nhất là cứu cái ống quyển này. Cả khi bom đạn, tản cư cũng thế...
 
Cẩn thận hơn, họ Lê ở Nghệ An còn cho chép gia phả làm 6 bản. Sự cẩn trọng quả không thừa: Sau 60, 70 năm, nay chỉ còn lại một bản. Nhiều dòng họ, hễ khi có biến động, lại đem cất gia phả vào chum, chôn xuống đất.
 
Gia phả họ một dòng người Tày ở bản Giạ (Xuân Nam, Văn Quan, Lạng Sơn) do ông Hà Đức Thận viết năm 1714 có ghi ông tổ vốn người huyện Thanh Oai, theo Lê Lợi khởi nghĩa lập nhiều công lớn rồi được phong đô đốc, về trấn thủ ải Nam Quan. Hàng trăm gia đình người Tày này hiện đang sống tại Văn Quan. Lần theo chỉ dẫn của gia phả, họ đã tìm thấy mộ tổ và những người cùng dòng máu xa xưa tại xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Tây.
 
Cuốn phả hệ bằng vải đồ sộ dài 5,7m, rộng hơn 2m của họ Đàm ở Hà Nội cho hay: Nhiều người Tày hiện nay ở Cao Bằng lại là vốn gốc họ Đàm ở Hải Dương. Trong đó, có Thượng tướng Đàm Quang Trung. Cũng nhờ việc tra cứu, chắp nối gia phả dòng họ bằng những cuốn gia phả vượt thời gian này mà nhiều dòng họ ngày nay đã tìm được về với cội nguồn sâu rộng của mình. Họ Mạc trải qua hàng thế kỷ phân ly phải thay tên đổi họ, nay đã tập hợp được hơn 300 chi họ từ những người mang tên họ khác nhau như: Bùi, Hoàng, Trần, Phan, Phạm, Nguyễn, Vũ... Chính vậy mới có chuyện, có nhiều người họ Lều ở Thanh Trì - Hà Nội ngày nay lại thờ tổ tiên là cụ Mạc Đĩnh Chi...
 
Khái niệm gia phả mới
 
"Đang hình thành một lớp người già về hưu có học thức cao và càng có ý thức cao hơn trong câu chuyện giữ phả ở nước mình - PGS-TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học - nói, đó chính là một trong những mảnh đất tốt cho chúng ta gieo truyền thống vào hiện đại, nói với lớp trẻ ngày nay bằng những lời gan ruột, "có sách, có chứng". Nhưng vấn đề mới ở đây cách lập mới hay viết tiếp một cuốn gia phả ngày nay nên như thế nào. Không ít người cho rằng gia phả là phải lưu trên giấy, trên gỗ, trên đá, trên lụa.. thì mới gây cho con cháu đời sau cảm giác linh thiêng mỗi khi tìm về lần giở. Tôi không cho sự linh thiêng của gia phả là nằm ở trong chất liệu chuyển tải nó mà phải là cái tinh tuý trong lời văn của nó".

Lấy sự khuyến học làm đầu, gia phả họ Nguyễn, 1904, ở Lai Xá, Hoài Đức, Hà Tây dặn: "Điều trọng yếu là con cháu phải lấy hiếu lễ làm đầu, không thể nào quên điều đó. Số 300 bát thóc, trừ phần bán đi nộp thuế, phần còn lại được bao nhiêu, mua khăn, nón, áo quần thưởng cho con cháu theo học...". Cũng trong cuốn gia phả này, ngay từ năm 1904, người ta đã thấy những lời răn dạy con cháu không được hút thuốc phiện hết sức thấm lý thấm tình: "Nếu con cháu nào cố ý mắc phải, ai trông thấy có bàn đèn, thì họ ta phạt tội, đuổi ra ngoài họ, không cho vào nhà thờ và không được dự hưởng vào các khoản: Ruộng học, ruộng giỗ... Nếu biết hối tâm nghĩ lại, mà hối cải sửa bỏ, thì phải sửa trầu cau đến lạy tổ tiên, cảm ơn anh em và toàn tộc họ. Tộc họ sẽ thể tình mà thứ lỗi cho...".
 
Ông Nguyễn Văn Huy nói thêm: "Phải bảo tồn những gia phả cũ, không chỉ với tư cách là gia bảo của một dòng họ mà còn là tài sản tinh thần của một đất nước. Nhưng đồng thời, cũng cần có những gia phả mới, với nội dung và hình thức thể hiện mới. Trong đó, không thể và không nên bỏ qua sự tiện lợi của máy tính và mạng trong việc lập những cây phả hệ một cách nhanh nhất, chính xác, rõ ràng và có thể truyền đi rộng rãi, bảo quản được một cách tốt nhất, lâu nhất. Trong xu hướng và trào lưu về nguồn rộng rãi hiện nay, theo tôi, đó là một cách tốt nhất cho lớp trẻ bây giờ".
 
 
 
Theo Báo Lao động