Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. HỘI GÁI - DÂU - RỂ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 8/1/2013
E-mail     Bản in

PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: “Chúng tôi không dạy Châu theo phương pháp giáo dục thần đồng nào”
Trong số rất nhiều những lo lắng đầu năm học của phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo thì câu hỏi làm thế nào để trẻ cảm thấy mỗi ngày đi học là một ngày vui luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi có dịp được trò chuyện với PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, một người đã nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục. Bà cũng là mẹ của GS. Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên dành giải thưởng Field danh giá trong lĩnh vực toán học.
 
 
 
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền luôn sát cánh bên con
 trên mỗi chặng đường
 
Đúng với cốt cách của một nhà giáo, PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền tiếp chuyện chúng tôi với giọng nói nhỏ nhẹ và thân thiện, phong cách điềm đạm và cả sự sâu sắc, từng trải của một trí thức am hiểu nhiều lĩnh vực. Điều này không có gì ngạc nhiên khi bà Vân Hiền tốt nghiệp Đại học Bách khoa ngành hóa nhưng lại là tiến sĩ dược học, với đề tài liên quan đến khả năng nâng cao hoạt tính miễn dịch của cơ thể dưới ảnh hưởng của các loài cây thuốc Việt Nam. Bà là Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác. Tuy nhiên, là một người mẹ luôn sát cánh bên con trên mỗi chặng đường học tập và trưởng thành, nên bà Vân Hiền luôn cập nhật mọi kiến thức để kịp thời động viên và cũng là để hiểu con hơn. Vì vậy, không ngạc nhiên khi bà cũng có mối quan tâm về bổ đề cơ bản, về giải thưởng của Lafforgue...
 
Nhớ lại những năm tháng học sinh của GS. Ngô Bảo Châu, PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền chia sẻ: Hồi nhỏ Châu là một cậu bé hiếu động. Trong hoàn cảnh nước nhà vừa dành độc lập, cuộc sống của gia đình bà cũng như phần lớn các gia đình Việt Nam khác thời bấy giờ đều vô cùng khó khăn. Chuyện làm sao để cho con em mình được ăn no, mặc ấm thuở ấy cũng là một nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh, nói gì đến sự chăm chút một cách đủ đầy mà ngày nay nhiều em nhỏ được thừa hưởng. Cậu bé Châu hồi ấy cũng như bao bạn bè đồng trang lứa, tuy còn thiếu thốn về mặt vật chất nhưng anh may mắn có được người cha, người mẹ là những trí thức tâm huyết với việc rèn luyện, học tập của con. Luôn tạo cho con môi trường tốt nhất để học tập, phát triển, định hướng cho con từ những bước đi đầu đời, bệ đỡ gia đình chính là nhân tố quan trọng để sau này GS. Ngô Bảo Châu đạt được những thành tựu làm rạng danh nước nhà.
 
Khẳng định gia đình không nuôi dạy con theo bất cứ một phương pháp giáo dục thần đồng nào, PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền cho biết, bà cũng không ủng hộ phương pháp dạy trẻ học kiến thức từ sớm (trước khi vào tiểu học). Bởi như vậy là biện pháp "thúc quả chín ép”, hiệu quả tức thì có thể trẻ sẽ biết trước một số điều nhưng sự học là cả một quá trình lâu dài, cái gốc là quan trọng, là nền tảng, không thể nóng vội mà hỏng cả tương lai sau này. Huống hồ không nên đánh cắp tuổi thơ hồn nhiên, vô tư của con trẻ.
 
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền lấy ví dụ với bậc tiểu học, yêu cầu ở giai đoạn này chủ yếu chỉ cần biết đọc, biết viết, cộng trừ nhân chia đơn giản. Vậy tại sao phải bắt học sinh cấp 1 học thêm, làm thêm bài tập về nhà trong khi chỉ cần tập trung học hiệu quả trên lớp là đã có thể dễ dàng đạt được điều này? Thậm chí, ngay từ mẫu giáo, lứa tuổi còn quá nhỏ đã có bài tập về nhà thì thực sự là không thể hiểu được. Rồi những chương trình luyện thi vào lớp 1 hiện nay khiến nhiều bậc phụ huynh phải lắc đầu ngao ngán, nhưng vẫn không thể không bị cuốn vào vòng xoáy...
 
So sánh với thời học sinh của GS. Ngô Bảo Châu không phải là không có học thêm nhưng đó là quá trình bổ sung, phát triển tri thức, kỹ năng ngoài nhà trường và quan trọng hơn cả là gieo vào lòng cậu học trò nhỏ tình yêu với toán học. Để làm được điều này, những buổi học thêm được kiến tạo "không cách xa một cuộc chơi là mấy”, nghĩa là học với tinh thần vui vẻ như một cuộc trao đổi, trò chuyện chứ không phải với sự bắt ép, lại càng không phải kiểu đọc – chép giết chết sự sáng tạo. Không phủ nhận sự cố gắng nỗ lực của bản thân người học sinh, nhưng phương pháp giáo dục chú trọng đến sự sáng tạo mà các thầy giáo và chính bố mẹ (GS. Ngô Huy Cẩn và PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền) định hướng đã làm nên thành công của GS. Ngô Bảo Châu hôm nay. 
 

Theo L.Nhi


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)