Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. DANH NHÂN LƯU TỘC.
Đăng ngày 07/02/2010
E-mail     Bản in

Có một ngôi sao mang tên Việt 5430 Luu
"Sao" là nói cho văn chương, còn theo ngôn ngữ khoa học thì phải chính danh "thiên thạch", là mảnh vỡ trong thời kỳ hình thành Thái dương hệ, quay xung quanh mặt trời. Và lúc này tôi đang muốn nói đến Thiên thạch 5430 Luu, là thiên thạch mang họ nhà thiên văn nữ người Mỹ gốc Việt, Lưu Lệ Hằng.

GS.TS Lưu Lệ Hằng
 
Lưu Lệ Hằng sang Mỹ định cư năm 12 tuổi, đi học tên Jane Luu. Sau khi tốt nghiệp đại học Stanford, trong một dịp tham quan Phòng thí nghiệm Lực đẩy phản lực, xem được nhiều hình ảnh đẹp lạ lùng của các vì sao do phi thuyền Voyager chụp, Lưu Lệ Hằng đã quyết định theo học ngành thiên văn để thỏa sức lên núi ngắm sao trời.

Và năm 1987, nghiên cứu sinh cao học thiên văn năm thứ nhất Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Lưu Lệ Hằng đã bị thu hút bởi "vành đai Kuiper", là giả thuyết của một nhà thiên văn người Mỹ gốc Hòa Lan, Gerard Kuiper.

Năm 1951 ông này tiên đoán về sự tồn tại của một vòng đai quanh hệ mặt trời, bên kia quĩ đạo của Hải vương tinh, vốn được xem là cái nôi phát sinh của những sao chổi. Đây là những vật thể tương đối nhỏ, và cũng như các thiên thể khác trong hệ mặt trời, chúng không phát ra ánh sáng mà chỉ phản chiếu ánh sáng từ mặt trời, nên rất khó thấy. Nhưng giới thiên văn học cùng thời cho rằng "vành đai Kuiper" là một hoang tưởng, không chứng minh được. Chính vì thế, Lưu Lệ Hằng đã không nhận được tài trợ kinh phí để nghiên cứu một "vành đai không có thực".

Rất may, GS David C. Jewitt, người thầy hướng dẫn của Lưu Lệ Hằng, có niềm tin như cô học trò. Và họ đã bỏ tiền túi nghiên cứu. Liên tục 5 năm, khi hè đến, Lưu Lệ Hằng lại làm việc tại Đài thiên văn Mauna Kea (Hawaii), ở độ cao gần 14,000 bộ (4000m) trên mực nước biển, cùng GS David C. Jewitt, miệt mài tìm kiếm sự hiện hữu của "vành đai Kuiper".

Tiên cảm khoa học và sự kiên trì hiếm có của họ đã được đền đáp: Ngày 30.8.1992, Lưu Lệ Hằng và David C. Jewitt đã tìm thấy thiên thể đầu tiên của "vành đai Kuiper", mang ký hiệu "(15760) 1992 QB1". Thiên thể này đầy đá và băng đá quay xung quanh mặt trời ở ngay bờ mép của thái dương hệ, nơi tiếp xúc giữa thái dương hệ của chúng ta và vũ trụ bên ngoài, xa hơn và có kích cỡ tương tự Diêm vương tinh (Pluto). Và gần như ngay sau đó, họ ước tính có đến hàng chục nghìn thiên thể "ngoài ấy" - một vùng không gian chứa đầy những mảnh vụn khi Thái dương hệ hình thành

. Khám phá này kết thúc huyền thoại "vành đai Kuiper" và mở ra hướng mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái dương hệ. Năm 1995, thông qua Rencontres du Vietnam (Gặp gỡ Việt Nam) do GS Trần Thanh Vân tổ chức, GS Đại học Harvard Lưu Lệ Hằng đã về VN trình bày công trình nghiên cứu "vành đai Kuiper" của mình.

Sau thành công của Lưu Lệ Hằng, nhiều nhà thiên văn trên thế giới đã tiếp tục nghiên cứu "vành đai Kuiper". Đến nay họ đã "nhận diện" được 60 thiên thể trong số ước tính trên 70 nghìn thiên thể trong khoảng không gian vũ trụ mà Gerard Kuiper tiên đoán. Đồng thời, qua khám phá "vành đai Kuiper" của Lưu Lệ Hằng, các nhà thiên văn học đã có một số thay đổi trong nhận thức về Thái dương hệ.

Chẳng hạn trước đây Diêm vương tinh được xếp vào hàng "hành tinh". Nhưng sau khi "vành đai Kuiper" được chứng minh, "địa vị" của nó bị "xét lại", vì hành tinh thứ 9 tính từ mặt trời này của Thái dương hệ có kích thước và cấu trúc bằng đá giống các thiên thể trong "vành đai Kuiper" hơn là các hành tinh khác của Thái dương hệ. Và đến tháng 8.2006 các nhà thiên văn chính thức xếp Diêm vương tinh vào diện "hành tinh lùn" (dwarf planet).

Ngành thiên văn học đã ghi tên Lưu Lệ Hằng lên bầu trời bởi chính đóng góp quan trọng của cá nhân cô trong lịch sử thiên văn nhân loại. Ngoài 28 thiên thạch được Lưu Lệ Hằng và đồng nghiệp cùng phát hiện, có một thiên thạch được loài người biết đến sự tồn tại của nó nhờ "người đếm sao trời" Lưu Lệ Hằng. Đó là thiên thạch mã số 5430. Và ngành thiên văn học đã cho nó mang tên Việt, theo tên nhà khoa học tìm ra nó trong vũ trụ bao la huyền bí: 5430 Luu (The asteroid 5430 Luu is named in her honour - Wikipedia).

Một nhà khoa học đồng hương, tiến sĩ vật lý thiên văn Nguyễn Trọng Hiền đã phát biểu: "Lưu Lệ Hằng là một trong số ít các nhà khoa học Việt Nam có tên trong Britanica, bộ Bách khoa Toàn thư của Anh quốc. "Vành đai Kuiper" là một bộ phận không thể thiếu được của hệ mặt trời. Cái tên Lưu Lệ Hằng vì thế sẽ sáng mãi trong sự phát triển của thiên văn học".

Cần biết thêm rằng, một năm trước khi làm chấn động giới nghiên cứu thiên văn với "Vành đai Kuiper", Lưu Lệ Hằng đã từng được Hội Thiên văn Hoa Kỳ (American Astronomical Society) trao giải Annie Jump Cannon Award in Astronomy, là giải thưởng hàng năm dành cho một nhà thiên văn nữ có đóng góp quan trọng nhất.

Thế hệ đàn em và sinh viên quý mến giáo sư "Jane Luu" không chỉ vì thành tựu khoa học độc đáo, nổi bật và mang hơi hướm chất thơ của cô. Cách sống, cách suy nghĩ của Lưu Lệ Hằng cũng đáng cho tuổi trẻ yêu mến, trân trọng. Tuổi sinh viên của Lưu Lệ Hằng năng động, yêu âm nhạc, thường chơi đàn cello, ghiền đọc sách, có máu phiêu lưu mạo hiểm, một mình đi đến nhiều nước trên thế giới, kể cả khi trong túi không bao nhiêu tiền, không cả passport. Lưu Lệ Hằng kể chuyện thời trẻ của mình trên một tờ báo Mỹ: "Có lần tôi muốn đi Nepal. Tình cờ gặp một phụ nữ làm việc cho cơ quan phát triển quốc tế USAID, cô ta nói nếu đến Nepal thì nhớ thăm và có thể ở lại với cô. Tôi nói OK nhưng sau đó chỉ kiếm đủ tiền mua vé máy bay. Nhưng tôi cứ bay sang Nepal. Ơ đấy tôi tìm công việc như một tình nguyện viên. Được một tháng thì biên giới giữa Nepal và Tây Tạng mở cửa. Các tình nguyện viên của tổ chức Peace Corps cho biết họ sắp đi Tây Tạng. Tôi nói: Chà, giá mà tôi được đi cùng quý vị. Mặc dù tôi không phải là thành viên, nhưng họ đáp: OK. Thế là suốt mùa hè đó tôi đi khắp Nepal, Tây Tạng. Tôi cũng đi nhiều ở châu Âu, cả Đông Đức nữa khi còn bức tường Bá Linh..."

Công việc của nhà thiên văn bề ngoài khá hấp dẫn với thanh niên. Nào là được đi nhiều, lên núi cao ngắm sao trời. Nhưng hãy nghe Lưu Lệ Hằng kể về công việc của cô: "Để khám phá "Vành đai Kuiper" tôi phải đến Đài thiên văn Mauna Kea ở Hawaii rất nhiều lần trong suốt 5 năm. Đỉnh núi Mauna Kea cao trên 4.000m, không khí trên đó rất loãng, dễ gây mệt mỏi. Mỗi chuyến lên đỉnh Mauna Kea tôi phải làm quen trở lại với độ cao. Từ 6 giờ chiều tôi bắt đầu quan sát bầu trời, chụp ảnh các thiên thể, xem kết quả trên máy tính, cho đến khoảng 2 giờ sáng hôm sau. Chợp mắt một lát là quan sát tiếp cho đến 7 giờ sáng. Ban ngày ngủ bù. Nhưng trên độ cao của Mauna Kea, không thể nào ngon giấc vì thiếu oxy...".

Quyết định rời giảng đường đại học để được làm việc theo ý mình của Lưu Lệ Hằng cũng làm mọi người hết sức ngạc nhiên. Cô nói về quan niệm sống của mình: "Nhiều người tưởng tôi "khùng" khi từ bỏ chức giáo sư để chế tạo dụng cụ thiên văn tại Viện MIT, nhưng tôi lại thấy hạnh phúc. Làm việc khoa học hàn lâm phải lệ thuộc vào kinh phí tài trợ. Không có học bổng là chẳng làm gì được. Tôi cũng không muốn chạy theo danh vọng. Người thầy và đồng nghiệp của tôi, Dave Jewitt, từng nói: -Thiên hạ thích chữ xuất sắc lắm. Họ thường nói: -Ô, nhà thiên văn này xuất sắc. Không phải, ông ta chỉ yêu thích cái ông ta đang làm. Tất cả chỉ có thế."
 

 
Theo Báo LAO ĐỘNG


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)