Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. VIỆC TỐT NGƯỜI TỐT HỌ LƯU.
Đăng ngày 18/11/2012
E-mail     Bản in

LƯU ĐÌNH TÚ Người thầy không biên chế
TTO - Người tôi muốn kể không phải thầy giáo dạy tôi, thầy là Lưu Đình Tú - giáo viên dạy toán mà con gái tôi đã từng học thêm. Với ba mươi năm miệt mài làm việc, thầy chưa một ngày được là “người biên chế”.
Thầy giáo Lưu Đình Tú giờ lên lớp - Ảnh: Phạm Tâm Hiếu

Thầy không một ngày lên lớp theo cách hiểu chung, và cũng không đứng trên bục giảng theo đúng nghĩa của động từ này. Nhưng với những học sinh đã theo học thầy, mãi mãi thầy có chỗ đứng trong trái tim các em.

"Lớp thầy Tú" là từ dùng chung của các em học sinh khi nhắc đến lớp do thầy Tú dạy. Lớp học nằm ngay đầu khu chợ tạm Lê Quý Đôn (Hà Nội), một môi trường không mấy sư phạm, nhưng mỗi ngày có hàng trăm em học sinh tìm đến học.

Ngày còn nhỏ, thầy chẳng may mắc bệnh bại liệt, vậy là thầy trở thành đứa trẻ tàn tật. Không chịu đầu hàng số phận, vừa là sự nỗ lực hết sức của bản thân, vừa nương nhờ vào sự tận tâm của gia đình - nhất là người mẹ hiền, thầy đã qua được giai đoạn học phổ thông một cách xuất sắc.

Muốn thi vào đại học lại gặp trở ngại, bởi quan niệm ấu trĩ của một thời chỉ cho người đủ sức khỏe thi vào đại học nên hồ sơ của thầy bị loại ngay từ đầu. Thương con ham học, người mẹ của thầy đã tìm đến tận Phủ thủ tướng để mong Thủ tướng Phạm Văn Đồng giúp đỡ. Dù chờ đợi rất lâu, bà vẫn không gặp được Thủ tướng.

Nhưng may mắn khi người cảnh vệ tốt bụng thương bà mẹ đứng trong mưa gió xin học cho con, người cảnh vệ khuyên bà về và nhận chuyển đơn giúp, mấy ngày sau, thầy Tú được Ban tổ chức Trường đại học Tổng hợp Hà Nội gọi đến nộp hồ sơ, chuẩn bị thi vào đại học.

Kỳ thi đó, thầy Tú đã đỗ ngay vào khoa Toán. Ra trường, người lành còn khó xin việc nữa là người khuyết tật. Vậy là thầy làm đủ mọi nghề, trong đó có cả nghề biên tập viên của báo. Hàng chục năm đi làm, nhưng vì lý do sức khỏe, thầy không được vào biên chế ở đâu cả. Mà thời đó, biên chế là gắn liền quyền lợi tem phiếu - thu nhập chính của người lao động...

Những lúc không có việc ổn định, bạn bè, người quen, biết thầy học giỏi nên nhờ kèm cặp con em họ. Từ những kết quả rất tốt của học sinh được thầy kèm cặp, tiếng lành đồn xa, người mang con em đến nhờ thầy kèm cặp ngày càng đông, vậy là như một duyên trời định, ngẫu nhiên thầy trở thành người dạy học.

Bằng tất cả tấm lòng thương yêu học sinh và tinh thần vượt khó, thầy đã kiên trì giúp từng học sinh đến học mình nắm vững kiến thức. Với nụ cười luôn rạng rỡ, thầy dạy cho các em cả lòng tin và tình yêu cuộc sống.

Trên mạng ttvnol.com, nick name Fri13th viết: “Nói về người giáo viên mà em yêu quý tôn trọng nhất, lại là một người chưa từng qua một trường lớp đào tạo nào để ra làm nghề “dạy”. Thế nhưng thầy không những dạy em kiến thức mà còn cả cách sống trên đời”.

Ngoài dạy học, thầy đã cùng những bạn bè là trí thức khuyết tật ở Hà Nội lập nhóm "Vì tương lai tươi sáng" để giúp đỡ những người khuyết tật tạo dựng cuộc sống độc lập, biết sống hòa nhập cộng đồng.

Nhóm "Vì tương lai tươi sáng" bằng những kết quả hoạt động của mình đã có tiếng không chỉ ở trong nước, nhiều tổ chức quốc tế đã biết đến hoạt động của nhóm, và thầy Tú cũng đã đi nhiều nước để tham dự các hội nghị quốc tế, hoạt động của nhóm đang ngày càng hiệu quả, để cải thiện cuộc sống của người khuyết tật.

Học sinh của thầy nhiều người đỗ thủ khoa, nhiều người đã thành đạt. Ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày hội lớn, nhà thầy tràn ngập hoa, có những bó hoa của học sinh đang học, nhưng phần lớn là của học sinh đã “ra lớp”, có em tự mang đến, có em cha mẹ đến cảm ơn thầy, và có cả điện hoa của những em đang học tập công tác nơi xa.

Tôi mượn lại kết thúc của nick name Prettyungly-boy sau cả bài viết dài về thầy ở ttvnol.com: “Không phải ở đâu cũng có người thầy tuyệt vời như thế!”.

 

Theo Bài, ảnh: TÂM HIẾU


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)