Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. VIỆC TỐT NGƯỜI TỐT HỌ LƯU.
Đăng ngày 28/10/2012
E-mail     Bản in

Người mang con chữ đến cho trẻ em làng chài
(Đời sống) - Sống giữa thành phố Hạ Long nhưng được học ở trường vẫn là ước mơ xa vời đối với những đứa trẻ làng chài Cột 5. Vì nghèo, vì mải mê cơm áo gạo tiền, vì không có giấy khai sinh, không hộ khẩu… đó là những lý do mà bố mẹ không thể cho những đứa trẻ tội nghiệp này đến trường. Chính vì thế, cái chữ đến với chúng qua một lớp học rất đặc biệt: “Lớp học bà Liên” trong suốt hơn chục năm qua.
  Bà Lưu Thị Liên tận tâm với lớp học mang tên “lớp học bà Liên”
                              Bà Lưu Thị Liên tận tâm với lớp học mang tên “lớp học bà Liên”
“Không có bà Liên thì làm sao chúng cháu biết chữ”…

Người xây dựng lớp học đặc biệt ấy là bà giáo Lưu Thị Liên, cựu giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (Trường Cột 5 trước đây). Mặc dù được nghỉ hưu từ năm 1980 nhưng dường như duyên nợ với nghiệp dạy học chưa cho phép bà được nghỉ ngơi.

Năm 1999, bà bắt đầu mở lớp dạy cho mấy cháu nhỏ con của một số người quen gửi gắm. Thấy bà giáo già tận tâm với việc dạy chữ, nhiệt tình bảo ban lũ trẻ, người dân làng chài Cột 5 (“dân chã”) đã tìm đến, xin bà dạy dỗ con mình.

Thương những đứa trẻ thất học, bà nhận lời. Cứ thế, hơn 10 năm nay, “lớp học bà Liên” đã trở thành một địa chỉ quen thuộc để những người dân làng chài gửi gắm niềm mong mỏi: con cái họ sẽ biết đọc, biết viết!

“Lớp học bà Liên” nằm sâu trong một con ngõ thuộc tổ 10, khu 2 phường Hồng Hà, cách làng chài Cột 5 gần nửa cây số. Cứ mỗi sáng, những đứa trẻ làng chài lại tạm gác những công việc thường ngày như chèo đò, thả câu, trông em… để dắt díu nhau lên bờ đi học.

 
 

Không chỉ được học chữ, chúng còn được bà giáo Liên ân cần dạy cách cư xử trong cuộc sống; những đứa ngỗ nghịch, ương bướng đều được bà uốn nắn tính cách. Chính vì vậy, hầu hết các cháu theo học lớp của bà đều rất chăm chỉ học hành và biết nghe lời.

Học sinh của bà giáo Liên đều sinh ra trong những gia đình nghèo. Bố mẹ chúng làm nghề chèo đò, đi câu, đánh cá hoặc sửa chữa thuyền, mủng... với nguồn thu nhập rất thấp và thất thường.

Không một tấc đất cắm dùi, cơm bữa no bữa đói, cuộc sống bấp bênh, thế hệ này qua thế hệ khác sống lênh đênh trên những căn nhà nổi tạm bợ trên Vịnh Hạ Long khiến những đứa trẻ sinh ra nơi đây phải chịu nhiều thiệt thòi.

Lũ trẻ làng chài, đứa nào cũng đen nhẻm, tóc vàng hoe khét nắng cứ thế lớn lên tự nhiên như cỏ dại. Hầu hết chúng đều biết bơi, biết chèo đò thành thạo trước khi biết chữ. Cháu Nguyễn Thị Thảo (14 tuổi), con của anh Nguyễn Văn Nhất - một “dân chã” Cột 5 cho biết:

“Nhà cháu nghèo lắm. Bố mẹ cháu đi đánh cá 2, 3 ngày mới về một lần nhưng cũng không đủ tiền để trả nợ và chi tiêu trong gia đình. Chị em cháu không có giấy khai sinh nên không được đi học ở trường đâu cô ạ.

Nếu không có bà Liên thì chắc là chúng cháu cũng không biết chữ giống bố mẹ. Ở đây, cháu được học đến lớp 4. Nay cháu đã biết đọc, biết viết và biết làm phép tính nên phải nghỉ để nhường cho 2 đứa em tiếp tục học”.

Thảo cho biết thêm, sống dưới thuyền không có ti-vi, ít tiếp xúc với bạn bè, lại phải đi làm sớm nên nhiều đứa bằng tuổi Thảo cũng không biết chữ. Khi tôi giả bộ đưa cuốn sổ ghi chép đặt lên mặt bàn, Thảo đọc vanh vách.

Đôi mắt cô bé ánh lên niềm tự hào vì dẫu sao mình cũng hơn hẳn những đứa bạn cùng trang lứa đang phải chèo đò, thả câu ở ngoài kia…

Không giống những lớp học bình thường khác, ở lớp học đặc biệt này, có đứa 6 tuổi bắt đầu bước vào lớp 1 nhưng cũng có đứa phải đến 14, 15 tuổi mới được học những chữ cái đầu tiên. Mỗi buổi học có khoảng hơn vài chục học sinh, lớn bé ngồi xen lẫn nhau.

Chính vì vậy, bà giáo phải dạy rất vất vả và gần như phải kèm cặp riêng cho từng em. Bà giáo Liên chia sẻ:

“Các cháu ở đây đều rất thiệt thòi, bố mẹ lại đi làm tối ngày không có thời gian dạy dỗ nên khả năng nhận thức của đa số các cháu rất chậm. Cá biệt có những cháu học mấy năm liền mà không biết gì. Tuy nhiên cũng có cháu học rất tốt, viết chữ khá đẹp”.

Nhìn những nét chữ nguệch ngoạc trong cuốn vở tập viết lớp 2, lớp 3 của các cháu, tôi biết, đó là một nỗ lực rất lớn của cả cô và trò. Những bàn tay nhỏ bé nhưng đã sớm chai sạn vì phải lao động ấy không dễ gì để làm chủ ngòi bút và viết được những dòng chữ đẹp như ý…

Những trăn trở của bà giáo Liên…

Cứ mỗi năm học mới, “lớp bà Liên” lại nhận thêm từ 5-7 cháu. Số học sinh theo lớp học của bà cứ đông dần lên. Năm 2000 là 20 cháu, đến năm 2006 là 27 và hiện nay cũng xấp xỉ 30 cháu, đủ trình độ từ lớp 1 cho đến lớp 4.

Hồi đầu căn phòng ngủ rộng 9m2 của gia đình bà giáo được dọn dẹp biến thành phòng học. Do số lượng học sinh ngày mỗi đông nên đến năm 2007, được sự giúp đỡ của một số học trò cũ, bà giáo Liên cùng chồng (giáo viên Trường chuyên Hạ long đã nghỉ hưu) và các con tận dụng phần đất còn lại của gia đình để xây một phòng học diện tích 17 m2 trị giá 30 triệu đồng thay thế cho phòng học cũ.

Phòng học tuy nhỏ nhưng cũng được trang bị đầy đủ với ảnh Bác Hồ, bảng đen, bàn giáo viên, quạt, chậu rửa tay và chục bộ bàn ghế học sinh được vợ chồng bà giáo tận dụng từ bàn ghế cũ của trường Chuyên Hạ Long. Tất cả được sắp xếp ngay ngắn, ngăn nắp.

Để duy trì lớp học, bà giáo Liên cũng thu học phí, nhưng số tiền này không đáng kể. Bà giáo cho biết: “Nếu như trước đây, mỗi cháu chỉ phải đóng học phí 40 ngàn đồng/tháng thì nay cũng chỉ tăng lên 60.000 đồng/tháng (tương đương 3.000 đồng/buổi học/cháu), những cháu có hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cô đều giảm hoặc miễn học phí.

Số tiền này cô dành để mua phấn, sách giáo khoa, nước uống…phục vụ các cháu là chính chứ chẳng phải nhằm mục đích kinh doanh này nọ. Với lại cô thu tiền là để bố mẹ các cháu có trách nhiệm hơn trong việc bảo ban con cái học hành”…  

Hơn chục năm dạy trẻ làng chài, bà giáo Liên thấu hiểu nỗi vất vả, thiếu thốn của các cháu. Bằng tâm huyết với nghề dạy học, bằng tình thương đối với những đứa trẻ làng chài thất học, mặc dù tuổi ngày càng cao, sức khỏe yếu đi trông thấy nhưng ngày ngày, bà vẫn đứng lớp.

Điều bà trăn trở nhất đó là mình không có điều kiện để có thể tiếp tục dạy các cháu học lên các chương trình cao hơn. Bà cho biết: “Chương trình học chỉ có Tiếng Việt và Toán cấp 1, mục đích là để các cháu biết đọc, biết viết và cộng trừ, nhân chia đơn giản chứ không có điều kiện để dạy đầy đủ các môn học như chương trình ở trường”.

Chính vì vậy, những nỗ lực của bà giáo Liên thông qua lớp học này mới dừng lại ở mức “xóa mù chữ” cho bọn trẻ, kiến thức cao nhất cũng chỉ tương đương với chương trình lớp 4. Sau khi các em đã đọc thông, viết thạo, biết tính toán là có thể “tốt nghiệp”.

Bà giáo tâm sự: “Cô cũng muốn “nghỉ hưu” lắm rồi nhưng nghĩ lại thương các cháu. Nếu mình nghỉ không biết các cháu sẽ thế nào? Không phải ai cũng đủ tâm huyết, nhiệt tình, tình thương và điều kiện cơ sở vật chất để mở lớp dạy cho các cháu hoặc giá như sau khi lũ trẻ “tốt nghiệp” lớp học này, chúng có may mắn được tiếp tục cắp sách tới trường…”.

Tuy nhiên, niềm mong mỏi của bà giáo Liên thật khó trở thành hiện thực bởi lũ trẻ làng chài và cha mẹ các chúng vẫn còn phải nặng lòng với nỗi lo cơm áo, gạo tiền... Bà Nguyễn Thị Tám, năm nay gần 80 tuổi, bà nội của cháu Thảo - người đã được nhắc ở đầu bài viết, ngày ngày vẫn chèo đò đưa mấy đứa cháu vào bờ đi học cho biết hoàn cảnh:

“Bà có 5 đứa con (3 trai, 2 gái). Các con gái lấy chồng đều ở trên bờ còn 3 thằng con trai không có đất nên đành sống làm “dân chã” trên Vịnh để kiếm sống. Gần chục đứa cháu nội đều đang tuổi ăn tuổi lớn, chúng nó muốn đi học lắm nhưng cũng chỉ được đi học lớp bà Liên để biết chữ thôi, không có tiền đi học ở trường. Thế là cũng đã hơn bố mẹ chúng rồi!”.

Niềm khát khao tưởng chừng như đơn giản và đương nhiên của trẻ em là được đến trường lại là một mơ ước xa vời đối với những đứa trẻ làng chài Cột 5.

Để được học cái chữ, những đứa trẻ làng chài chỉ biết dựa vào lớp học của bà giáo Liên, trong khi bà giáo nay đã gần 70 tuổi, sức khỏe sa sút dần. Lớp học của bà giáo Liên cũng chỉ có thể duy trì trong một thời gian ngắn nữa…

Thay lời kết

Mở ra hơn chục năm nay, lớp học bà Liên đã được nhiều người biết đến. Phường Hồng Hà, TP Hạ Long và một số đoàn Thanh niên tình nguyện cũng có sự quan tâm nhất định đối với những đứa trẻ trong lớp học đặc biệt này.

Vào những dịp lễ, Tết, 1/6, Trung Thu hàng năm các em cũng được tặng sách vở, bánh kẹo. Ngoài ra các anh chị trong đội Thanh niên tình nguyện còn mượn địa điểm để tổ chức cho các em vui chơi, thậm chí còn cử một giáo viên âm nhạc đến tập hát cho các em…

Nhưng những sự quan tâm đó mới chỉ dừng lại ở những thời điểm nhất định, góp phần xoa dịu sự thiệt thòi của các em trong chốc lát. Điều quan trọng nhất là các em khát khao được đến trường học chữ để mai này có một công việc khá hơn việc nối nghiệp cha mẹ tiếp tục làm kiếp “dân chã” nay đây mai đó trên biển.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh hiện đang tích cực triển khai kế hoạch di dời các hộ dân làng chài lên bờ, ổn định cuộc sống. Điều này hé lên một tia hy vọng về một cuộc sống tốt hơn cho nhân dân làng chài, trong đó giấc mơ được đến trường của trẻ em làng chài có thể trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể biết được việc di dời có thành công hay không? Thời gian thực hiện trong bao lâu? Chính vì vậy, ngày nào những đứa trẻ làng chài Cột 5 chưa được đi học ở trường, ngày đó bà giáo Liên còn chưa hết lo lắng, trăn trở.

Lớp học đặc biệt của bà giáo già vẫn tiếp tục được duy trì cho đến khi nào những đứa trẻ làng chài được đến trường như niềm mong ước của chúng và của bản thân bà giáo bấy lâu nay.


Theo Phương Thúy


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)